HLV Toshiya Miura: 'Phù thủy' mới của bóng đá Việt Nam?

11/12/2014 14:48 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Thành công của đội tuyển Việt Nam hiện tại ghi nhận dấu ấn đậm nét của HLV người Nhật. Từ cách xây dựng lối chơi đến lựa chọn nhân sự, ông Miura xứng đáng là bậc thầy về nghệ thuật cầm quân.

Xuất phát điểm của HLV Miura với bóng đá Việt Nam là không thật sự lý tưởng, bởi nền bóng đá chúng ta đang chìm trong cơn khủng hoảng, niềm tin CĐV xuống thấp nhất kể từ năm 2008. Nhưng đó cũng là cơ hội để HLV người Nhật xây dựng đội tuyển từ đầu. Ông Miura được trao toàn quyền quyết định từ nhân sự đến lối chơi cho đội tuyển, điều mà những đời HLV trước ít nhiều bị chi phối. Và HLV người Nhật đã chuyển hóa thách thức thành cơ hội.

Xây dựng lối chơi cho cầu thủ Việt

HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương cho biết, điều ông ấn tượng nhất với đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura là lối đá ngắn, nhanh nhẹn, đơn giản. Khi 1 cầu thủ có bóng, 3-4 vệ tinh xung quanh đều di chuyển. Điều này tạo khoảng trống để bất cứ cầu thủ nào cũng có thể áp sát khung thành đối phương và phong tỏa cầu thủ đội bạn khi họ có bóng.

Dù các HLV trước đây đều định hình lối đá của đội tuyển là bật ban ngắn, nhỏ nhưng chỉ dưới thời ông Miura, điều này mới được thực hiện một cách tuyệt đối. 2 bàn thắng vào lưới Malaysia ở trận đấu gần nhất đều đến từ những miếng đánh trung lộ. Chỉ vài đường chuyền, cầu thủ phía trên đã có cơ hội là một sự khác biệt.

Dưới thời HLV Miura, đội tuyển Việt Nam áp dụng sơ đồ 4-4-2 thiên về tấn công thay vì 4-5-1 như các HLV trước đó. Sự ra đi của HLV Calisto đã khiến bóng đá Việt Nam loay hoay kế thừa những di sản của ông thầy Bồ Đào Nha để lại, nhưng kết quả chỉ là sự thất vọng. Chỉ khi HLV Miura mạnh dạn áp đặt suy nghĩ của mình lên đội tuyển Việt Nam, thành công mới được mở ra.

Nghệ thuật dùng người

Do sang Việt Nam vào giữa năm nay nên ông Miura chỉ có rất ít thời gian để quan sát và lựa chọn con người ở V-League lẫn giải hạng Nhất. Nhưng 3 tháng làm việc với các cầu thủ đủ để ông vẽ ra một bộ khung lý tưởng nhất cho bóng đá Việt Nam hiện tại. HLV người Nhật mạnh dạn cách tân bằng cách thẳng tay loại bỏ những công thần và thay vào đó là những gương mặt trẻ có thừa khát khao cống hiến.

Nếu là các HLV khác, có lẽ sẽ không nhiều người dám mạnh tay loại bỏ những công thần như đương kim Quả bóng vàng Việt Nam Huỳnh Quốc Anh, Vũ Phong, Trọng Hoàng. Thông thường kinh nghiệm của những cái tên đó sẽ được giữ lại để dùng khi cần, nhưng ông Miura đã nghĩ khác. Việc mạnh tay loại các công thần tạo môi trường cho sự cạnh tranh công bằng trong đội tuyển, ai cũng ý thức họ sẽ được đá chính nếu phát huy đúng khả năng.

Từ đây, đội tuyển Việt Nam mới xuất hiện những nhân tố trẻ nổi bật như Huy Hùng, Hoàng Thịnh, Huy Toàn, Ngọc Hải, Hải Anh… Đơn cử như trường hợp Huy Hùng, dù chỉ là cầu thủ hiếm hoi lên thẳng ĐTQG từ CLB hạng Nhất Hà Nội, song ông Miura vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào cầu thủ gốc Hà Nội này. Huy Hùng không có bàn thắng nào trong 2 năm chơi ở đội hạng Nhất Hà Nội và chỉ có 4 trận đấu với ĐTQG nhưng càng đá, tài năng của cầu thủ sinh năm 1992 càng được phát tiết.

Mạnh mẽ trong tranh chấp, lối đá có tư duy đầu óc, Huy Hùng là nguyên nhân khiến đội trưởng Tấn Tài (một trong những cầu thủ hay nhất của nhà vô địch V-League 2014 B.Bình Dương) không có nhiều cơ hội thể hiện. Huy Hùng cũng đã cải thiện được khả năng dứt điểm dưới thời HLV Miura. Huy Hùng đã có 2 bàn thắng trong màu áo Olympic Việt Nam và tại AFF Cup này, Hùng còn là người ấn định chiến thắng 3-0 cho đội nhà ở trận gặp Lào.

Mát tay với cầu thủ trẻ

Huy Hùng cùng với Hoàng Thịnh là một trong những “hạt giống đỏ” được HLV Miura thử nghiệm ở ASIAD 17 và cho ra thành quả mỹ mãn. Bên cạnh đó là Huy Toàn, Thanh Hiền… Để ý rằng những cầu thủ được đến Hàn Quốc với ông Miura đều được ông cân nhắc và trao cho cơ hội thể hiện trong màu áo ĐTQG. Tiền vệ Huy Toàn vừa trưởng thành trong màu áo SHB.Đà Nẵng tại V-League 2014 và có 1 bàn thắng ở sân chơi này.

Ở ASIAD 17, Huy Toàn có 1 bàn thắng để đời vào lưới Olympic Iran trong trận thắng 4-1 của Olympic Việt Nam. Được điền tên lần đầu tiên trong màu áo ĐTQG thi đấu chính thức tại AFF Cup trận gặp Lào, Huy Toàn chơi không thật tốt nhưng HLV Miura vẫn kiên định sử dụng cầu thủ gốc Lâm Đồng thay cho Minh Tuấn bị treo giò ở trận bán kết lượt đi, dù ông Miura còn nhiều cái tên “số má” hơn có thể thay thế Minh Tuấn như Thanh Trung, Tấn Tài, Anh Đức. Và cuối cùng, Huy Toàn đã không phụ lòng thầy. Không chỉ ghi 1 bàn thắng trong lần thứ 2 khoác áo ĐTQG, Huy Toàn còn hỗ trợ phòng thủ rất tốt, điều mà những đàn anh khác như Thanh Trung hay Anh Đức không có sở trường.

Việc HLV Miura tin dùng Hồng Quân tại AFF Cup năm nay cũng là một bất ngờ khác. So với những cầu thủ như Anh Đức, Hải Anh, Hồng Quân khó sánh bằng. Việc HLV Miura tung Hồng Quân thế chỗ Thành Lương, để rồi chính cầu thủ này ghi dấu giày trong bàn thắng của Văn Quyết sau đó cho thấy khả năng đọc trận đấu tinh tường của HLV Miura.

Người ta thường nói “khôn đâu đến trẻ”, nhưng cách HLV Miura đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ có lẽ là liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất để bù đắp cho kinh nghiệm. Không chỉ tràn trề nhiệt huyết phấn đấu, so về chuyện hồi phục thể lực, cầu thủ trẻ còn hơn hẳn những cựu binh.

Cách điều binh khiển tướng của HLV Miura hiện tại có thể ví von vui với chiến lược mà HLV Louis van Gaal áp dụng cho Hà Lan tại World Cup 2014 vừa qua. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng hy vọng ông Miura sẽ phát huy được chất “quái” của mình để gây bất ngờ cho các đối thủ, để CĐV Việt Nam có dịp tôn vinh ông như một “phù thủy” mới của bóng đá Việt Nam.

Số bàn thắng vượt trội

Những con số thống kê cũng cho thấy sự thuyết phục của lối đá tấn công. Ở AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam vô địch với 11 bàn thắng và có 2 trận đấu không ghi được bàn (trận khai mạc thua Thái Lan 0-2 và bán kết lượt đi hòa Singapore 0-0).

Năm 2010, đội tuyển Việt Nam vào tới bán kết và ghi được 8 bàn thắng trước khi thua trận trước Malaysia. Năm 2012, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng về nước sớm từ vòng bảng với vẻn vẹn 2 bàn thắng. Còn đến thời điểm hiện tại, đội bóng của HLV Miura đã có 10 bàn thắng và không trận nào các chàng trai áo đỏ ghi dưới 2 bàn vào lưới đối phương.

Những cái tên góp công vào thành tích ghi bàn của đội tuyển trong năm nay cũng đa dạng hơn những kỳ AFF Cup. Nếu năm 2008, có 7 cầu thủ được điền tên lên bảng tỷ số thì đến năm 2010 chỉ có 5 người. Con số này giảm dần đều đến năm 2012 chỉ có 2 và lúc này, đã có 8 học trò của HLV Miura được ăn mừng bàn thắng với hàng triệu CĐV Việt Nam. Chưa kể thêm thành tích ở những trận đấu giao hữu, đội bóng do HLV Miura dẫn dắt có số bàn thắng vượt trội so với những thời HLV trước.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm