Miss America - Tròn 100 tuổi, mơ trăm năm

16/12/2021 19:05 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi sắc đẹp Miss America (Hoa hậu Mỹ) tròn 100 tuổi vào ngày hôm nay (16/12). Tuy nhiên, nhiều người đang đặt câu hỏi: Liệu cuộc thi có thích ứng được với nhịp phát triển của cuộc sống đương đại để tiếp tục tồn tại thêm 100 năm nữa?

TRỰC TIẾP Chung kết Miss World 2021 (6h, 17/12): 7 thí sinh phải cách ly vì nghi mắc Covid-19

TRỰC TIẾP Chung kết Miss World 2021 (6h, 17/12): 7 thí sinh phải cách ly vì nghi mắc Covid-19

Đêm Chung kết Miss World 2021 - Hoa hậu Thế giới 2021 diễn ra vào 6h sáng ngày 17/12 (theo giờ Việt Nam) tại Puerto Rico. 

Miss America ra đời từ cuộc thi sắc đẹp của thành phố Atlantic năm 1921 - chỉ một năm sau khi phụ nữ Mỹ được trao quyền bầu cử - và đã chiếm một chỗ đứng trong nền văn hóa Mỹ vốn liên tục trải qua nhiều làn sóng nữ quyền.

Mở ra tương lai cho các cô gái trẻ

Có điều, tỷ lệ tham gia và lượng khán giả theo dõi nó hiện nayđã giảm kể so với thời kỳ hoàng kim trong những năm 1960. Hoa hậu Mỹ của năm nay sẽ đăng quang vào ngày 16/12 (theo giờ địa phương), tuy nhiên lễ đăng quang này - được tổ chức tại Mohegan Sun in Uncasville, bang Connecticut - chỉ có thể phát trực tuyến qua dịch vụ Peacock của NBC và đã bị loại khỏi khung phát sóng vào giờ vàng trên truyền hình Mỹ. Như vậy, đây là lần đầu tiên Miss America không được truyền hình trực tiếp kể từ năm 1954.

Chú thích ảnh
Các thí sinh trong cuộc thi Miss America đầu tiên tại thành phố Atlantic, bang New Jersey, vào tháng 9/1921

Dù vậy, các nhà tổ chức và fan trung thành của Miss America cho rằng cuộc thi sắc đẹp thường niên này vẫn nên được tổ chức hằng năm và sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian. Bất chấp việc Miss America đang vấp phải nhiều luồng dư luận thiếu ủng hộ, nhiều cô gái tham gia cuộc thi cho biết: Tổ chức Miss America -chuyên cung cấp học bổng cho các phụ nữ trẻ - đã thay đổi cuộc sống, mở cánh cửa cho họ về mặt nghề nghiệp và cá nhân. Họ cho rằng những người khác cũng nên được có cơ hội như vậy.

Những người hâm mộ Miss America thường cổ vũ cho ứng cử viên của bang họ giống như họ sẽ cổ vũ cho một đội thể thao địa phương. Tuy nhiên, một số người đã bày tỏ sự thất vọng về nỗ lực của cuộc thi trong việc thích ứng với bối cảnh đương đại. Theo Margot Mifflin, tác giả cuốn sách Looking for Miss America: A Pageant’s 100–Year Quest to Define Womanhood (tạm dịch: Tìm kiếm Miss America: Cuộc tìm kiếm 100 năm của cuộc thi sắc đẹp nhằm định nghĩa sự nữ tính): “Cuộc thi này đang trong giai đoạn tiến thoái lưỡng nan. Bởi,khi đang cố gắng phát triển, nó không chỉ mất đi bản sắc ban đầu mà còn trở nên kém thú vị hơn đối với những người hâm mộ”.

Mifflin nói thêm, hành trình của Miss America đang chia rẽ các khán giả. Một số muốn cuộc thi này xoáy vào“sắc đẹp và sức khỏe” trong khi những người khác lại ủng hộ việc hướng tới việc tập trung vào khả năng lãnh đạo, tài năng và kỹ năng giao tiếp. Chưa kể đang có rất nhiều lời kêu gọi tạo cuộc thi cần có thêm những gam màu khác.

Chẳng hạn, Dunlap, Hoa hậu Mỹ năm 2004 và là hoa hậu da màu thứ 7, tin rằng cuộc thi cần trở nên đa dạng hơn để duy trì tính phù hợp với đương đại. Cô lưu ý, chưa có Hoa hậu nào là người gốc Tây Ban Nha.Dunlap cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp những phụ nữ trẻ da màu tham gia ở cấp địa phương, chẳng hạn như giúp họ trang trải chi phí cao khi tham gia - bao gồm phát triển tài năng và mua đầm dạ hội - để họ có thể theo đuổi những cơ hội thay đổi cuộc đời.

Chú thích ảnh
Margaret Gorman – Hoa hậu Mỹ năm 1921

Hướng tới sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập

Cần nhắc lại, vào cuối những năm 1930, 1940 và 1950, Miss America thực hiện rất nghiêm túc “luật số 7”, trong đó quy định các thí sinh phải “có sức khỏe tốt và thuộc chủng tộc da trắng”. Năm 1968, cuộc thi Miss Black America (Hoa hậu người Mỹ da đen) được tổ chức nhằm chống lại sự thiếu đa dạng bên cạnh cuộc biểu tình của hàng trăm phụ nữ do nhóm nữ quyền New York Radical Women tổ chức. New York Radical Women cho rằng Miss America mang “hình ảnh đàn áp phụ nữ ở mọi khu vực”.

Mãi cho đến năm 1984, Miss America mới có Hoa hậu Mỹ da màu đầu tiên là Vanessa Williams. Tuy nhiên, Williams đã từ bỏ danh hiệu của mình vì một vụ bê bối ảnh khỏa thân và đến năm 2015 mới nhận được lời xin lỗi từ Tổ chức Miss America. Tính đến nay, có 11 phụ nữ da màu đã đoạt vương miện Miss America.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Miss America - Shantel Krebs - khẳng định rằng tổ chức Miss America “cam kết hướng tới sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập”.Bà cho biết, sự kiện này đã là “trung tâm của các vấn đề xã hội” trong 100 năm qua và lưu ý rằng, những người chiến thắng đều phải có nhận thức về HIV/AIDS và tai họa của việc lạm dụng ma túy.

Chú thích ảnh
Camille Schrier - Hoa hậu Mỹ năm 2020. Ảnh: Eric Liebowitz / NBC

Năm nay, Tổ chức Miss America đã công bố học bổng hàng đầu được trao tại đêm chung kết ngày 16/12 sẽ tăng gấp đôi, trị giá 100.000 USD. Sự thay đổi này có được nhờ sự quyên góp từ Hoa hậu Mỹ 1996 Shawntel Smith Wuerch và chồng cô là Ryan Wuerch. Theo Tổ chức Miss America, tổng cộng 435.500 USD tiền học bổng sẽ được phân bổ trong cuộc thi năm nay, trong khi hơn 5 triệu USD được trao hàng năm thông qua các chương trình quốc gia, tiểu bang và địa phương.

Hoa hậu da màu Dunlap bày tỏ hi vọng rằng, thay vì tìm kiếm thứ mà cô gọi là “It Girl” (khái niệm chỉ một người phụ nữ trẻ đẹp, mà nổi bật nhờ sự xuất hiện liên tục qua phương tiện truyền thông,có thể thu hút lượt truy cập trên mạng xã hội), Tổ chức Miss America trong những năm tới nên tập trung vào việc thúc đẩy “sự bền vững”. Cô nói: “Tôi nghĩ thật ngớ ngẩn khi người ta cứ thắc mắc về việc liệu bạn có thể vừa xinh đẹp, hấp dẫn mà vẫn thông minh hay không. Cứ như là phụ nữ chỉ có thể làm một việc duy nhất. Điều đó không hề đúng”.

Tự tin khi chuyển sang phát sóng trực tuyến

Hiện tại, chưa ai rõ liệu quyết định chuyển cuộc thi sang hình thức trực tuyến có ảnh hưởng gì tới tương lai của cuộc thi Miss America hay không. NBCUniversal Media tỏ ra lạc quan về dịch vụ phát trực tuyến của mình và khẳng định việc chuyển sang phát trực tuyến là quyết định của Tổ chức chứ không liên quan gì đến số lượng người xem.

Năm 2019, đêm chung kết Miss America trên NBC thu hút 3,6 triệu người xem ở mức thấp nhất mọi thời. Ngược lại, cuộc thi năm 1954 thu hút 27 triệu người xem trong bối cảnh có những sự cạnh tranh cao hơn nhiều.

“Nếu vẫn tồn tại trong vòng 100 năm tới, chúng tôi hoàn toàn có mong muốn được phát trực tuyến vì đó là tương lai của chúng tôi. Phát trực tuyến, Miss America có thể tiếp cận được với lượng khán giả lớn hơn” - Chủ tịchKrebs tự tin nói và lưu ý rằng các thí sinh Miss America phải ở giữa độ tuổi 17 và 25.

Mỗi năm Miss America có 52 thí sinh tham dự, đại diện cho 50 tiểu bang trên khắp nước Mỹ cộng với Washington, D.C. và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ. Phần thưởng dành cho người thắng cuộc là học bổng có giá trị rất lớn do Tổ chức Miss America chi trả cho bất cứ trường đại học nào Hoa hậu muốn theo học.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm