(Thethaovanhoa.vn) -
Ngày xưa, khi Milan chiến thắng và nước Ý làm bàn đạp chính trị cho Berlusconi, các fan của Milan cũng như các cử tri của ông luôn hát bài "May mà có Silvio" (Meno male che Silvio c'è). Bây giờ, khi Milan chìm trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đang mò mẫm tìm lối ra, các đối thủ họ đang ca một bản khác tự chế, "May mà Milan không có hậu vệ" (Meno male che difesa il Milan non ce l'ha).Trên thực tế, họ có và không ít. Nhưng liệu có thể hy vọng được gì vào một thời đại mà Milan không còn sản sinh ra những người xuất sắc như Maldini hay Costacurta, đã phải bán đi Thiago Silva, đã phải chia tay với Nesta không phải vì anh đã cao tuổi mà do lương anh cao ngất ngưởng và cuối cùng chỉ còn biết hy vọng vào việc "vớt" được trên thị trường chuyển nhượng những trung vệ đá được với giá rẻ mạt hoặc cho không. Tư duy ấy chẳng giúp được gì nhiều cho Milan, khi những trung vệ tầm cỡ trung bình cho Bonera trở thành thủ lĩnh của hàng thủ đội bóng và những canh bạc như Rami hoàn toàn có nguy cơ thất bại.
Thế nên, khi Adil Rami gỡ hòa 1-1 cho Milan bằng một cú sút may mắn sau đó đập chân hậu vệ Torino và thành bàn, có lẽ vẫn không có nhiều người tin rằng, Milan có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ bằng cách đưa về càng nhiều càng tốt các chân sút hoặc những cầu thủ hộ công với mức đầu tư không hề ít (như Matri, có giá 12 triệu euro, một vụ đầu tư thất bại), trong khi tiếp tục đánh bạc vào những người như Rami, hoặc đặt niềm tin vào Bonera. Trung vệ được nhắc tên cuối cùng ấy một lần nữa, như bao lần khác, đã mắc sai lầm nghiêm trọng và để Torino mở tỉ số khi trận đấu chưa bước sang phút thứ 20.
Khi biết tin anh sẽ vắng mặt vì treo giò ở trận đấu tuần tới với Napoli, một trận đấu có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng không hề đơn giản cho Milan, đã có không ít các fan Milan tỏ ra vui mừng trên mạng xã hội vì họ không còn muốn chứng kiến thêm những thảm họa từ anh nữa. Nhưng người thay anh ở trận đấu ấy, có thể là Mexes, từ lâu cũng không còn là chính mình. Và sơ đồ 4-2-3-1 rất thiếu cân bằng mà Seedorf áp dụng cho Milan càng khiến cho tình hình trở nên tồi tệ: De Jong (hoặc Muntari) cùng Montolivo không đủ khả năng che chắn cho hàng thủ, và một khi bốn cầu thủ chơi tấn công phía trên mất bóng, những đợt phản công của đối phương đều có sức sát thương cực lớn. Không hiểu điều gì sẽ xảy ra với Milan nếu Torino không bỏ lỡ cơ hội nâng tỉ số lên 2-0 ngay trước khi kết thúc hiệp 1.
3 trận đấu của vị HLV ít kinh nghiệm người Hà Lan chỉ đem lại 4 bàn thắng, tất cả đều ở hiệp 2 và đều là những trận đấu vô cùng vất vả. Cơ chế tấn công và phối hợp phòng ngự của đội bóng đều rất lủng củng, bất chấp việc cầm bóng và tổ chức tấn công nhiều hơn đối thủ. Có một cảm giác trỗi dậy trong lòng người viết bài này trong trận đấu vừa rồi với Cagliari và Torino: họ cầm bóng nhiều hơn đối phương, chuyền bóng nhiều hơn và đôi khi muốn xử lí lâu hơn các tình huống bởi một lẽ duy nhất, không biết phải triển khai pha bóng tiếp theo như thế nào nhằm tạo ra đột phá.
Kaka, người có vai trò cực kì quan trọng và đã từng là vị cứu tinh không ít trận dưới thời Allegri, không còn có được sự sắc sảo như thường thấy vì dường như anh mắc kẹt trong vô vàn ý tưởng tấn công mà Seedorf mong muốn thực hiện. Có phải vì sơ đồ mà anh là trung tâm của lối chơi không thích hợp với những con người mà Milan không có? Có thể là thế. Và những chuyển nhượng của Milan trong dịp mùa đông, hầu hết vào hàng tiền vệ, với sự xuất hiện của Essien và Taarabt, là nhằm củng cố thêm khả năng hỗ trợ tấn công lẫn phòng ngự của đội. Quay trở lại với sơ đồ cây thông đã từng đem đến bao thành công cho Milan dưới thời Ancelotti, khi Essien và De Jong hỗ trợ cho Montolivo ở trung tâm của hàng tiền vệ, phía dưới Honda và Kaka đá hộ công cho Balotelli?
Milan vẫn là một công trường, và chắc chắn Seedorf, người đã từng thành công trong những năm tháng đẹp đẽ của mình hoàn toàn hiểu rằng, triết lí bóng đá đẹp của anh chỉ có thể thành hiện thực một khi đảm bảo được khâu phòng ngự. Ngay cả Milan trong những năm tháng cuối của Ancelotti, khi Berlusconi ráo riết xây dựng đội bóng từ hàng công với những tên tuổi đã cũ được đánh bóng trở lại như Ronaldinho thì Milan ngày ấy vẫn còn những tượng đài, như Maldini hay Nesta, những người tuổi đã cao nhưng vẫn là những chiến binh quả cảm.
Berlusconi bây giờ chưa thay đổi tư duy ấy, và lấy công bù thủ trên cả chính trường lẫn bóng đá vẫn là triết lí của một chính trị gia thuộc loại xuất sắc nhất trong thế hệ của ông. Nhưng những người như Maldini có lẽ nửa thế kỉ mới sinh ra một lần, những người như Thiago Silva bây giờ có giá không rẻ và những trung vệ bình thường như Rami là những canh bạc 50/50 đầy may rủi, và ông chủ dồn mọi trách nhiệm lên các HLV trong việc đem lại thắng lợi cho ông bằng một hàng thủ của những Bonera.
Câu hỏi: Liệu Milan có thể đi xa đến đâu trong mùa này với Seedorf cùng một hàng thủ nhảy ballet? Một khi Essien ra sân, lúc mà Milan tìm được sự cân bằng chiến thuật và tận dụng được sự bất ổn ngày càng lớn của nhóm các đội đứng trên họ ở bảng xếp hạng. Mọi cánh cửa vẫn còn mở ngỏ, kể cả khi Milan hòa Torino và do đó kém kém hiện tượng này 4 điểm. 4 điểm không phải là một khoảng cách quá xa.
Chẳng bao lâu nữa, là Champions League, và thật khó có thể đòi hỏi một điều kì diệu từ Seedorf ở mặt trận này. Nhưng ở Serie A, thì một vị trí cao hơn (để dự Europa League mùa sau) thì vẫn có thể, vì cuộc đua còn rất dài...
Trương Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma