Chuyện cuối tuần: Thế kỷ mới và sự tái sinh của “tinh thần Guardiola”

30/09/2012 15:33 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) - Một trong những điểm nhấn chiến thuật đáng chú ý của hơn một thập niên đầu thế kỷ mới chính là sự tái sinh của những mẫu tiền vệ xây nền lối chơi, những người không trực tiếp tham gia vào các tình huống tập kích ở 30 mét cuối cùng, nhưng đóng vai trò điều tiết và tạo ra nền tảng thi đấu cho cả đội. Những người như Xavi, Iniesta, hay Pirlo... đã tái sinh một hình mẫu mà ngay cả một huyền thoại như Pep Guardiola cũng không thể cứu vãn sự suy thoái của nó vào đầu thế kỷ mới. 


Pep Guardiola (ngoài cùng bên phải) cùng với Stephen Appiah (giữa) và Roberto Baggio trong màu áo Brescia vào năm 2004 - Ảnh: Getty

Khi Pep Guardiola trở nên “vô dụng”

Năm 2004, cây bút nổi tiếng của tờ The Times, Gabriele Marcotti, đã viết một bài về Pep Guardiola, không phải để nhìn lại sự nghiệp huy hoàng của ông, cũng chẳng nhằm mục đích giải mã xem Pep có đủ khả năng để trụ lại với bóng đá đỉnh cao nữa hay không, như các nhà bình luận vẫn hay viết về Paolo Maldini. Ông viết thẳng rằng vào thời điểm ấy, Guardiola đã trở nên… vô dụng.

Lý do? Không phải vì Guardiola không còn tài năng. Pep vốn là một mẫu tiền vệ thiên về sử dụng đầu óc hơn là sức mạnh, và những kỹ năng của ông phần lớn còn sắc bén, chín chắn hơn khi Pep bước qua tuổi 30. Vào thời điểm Marcotti viết bài, Guardiola mới 33 tuổi và đang chơi cho Brescia, tức là ông chỉ vừa qua giai đoạn đỉnh cao chưa lâu. Trong thời kỳ đỉnh cao, Pep chơi ngay phía trước hàng thủ của Barcelona, trở thành bộ não của một đội bóng đầy rẫy những huyền thoại lớn của bóng đá thế giới như Michael Laudrup, Hristo Stoichkov, hay Romario...

Nhưng thực tế là vào đầu thế kỷ mới, không ai muốn sử dụng Pep. Thời điểm ấy, châu Âu bị “ám ảnh” bởi hai mẫu tiền vệ trung tâm: 1) Các tiền vệ phòng ngự thuần túy, chơi lăn xả và thiên về tranh chấp hơn là chuyền bóng; 2) Các hộ công mang phẩm chất của một “số 10” cổ điển. Phần lớn các đội bóng lớn ở châu Âu đều áp dụng một cặp tiền vệ theo dạng một người phá lối chơi đối phương và một người kiến tạo, giống như bộ đôi Davids – Zidane của Juventus. Vì thế, mẫu deep-lying playmaker (tiền vệ kiến tạo lùi sâu) như Guardiola không còn đất dụng võ.

Sự tái sinh của mẫu tiền vệ “kiểu Guardiola”

Trong bài viết cách đây 8 năm về Pep, Marcotti đã viết thế này: “Các kỹ năng của anh bỗng trở nên lạc hậu…Các trận đấu đương thời đã đóng mọi cánh cửa lại trước mặt Guardiola. Ngay cả vào thời điểm anh ấy ở đỉnh cao phong độ, thì Pep cũng khó mà được trọng dụng”. Bản thân Guardiola cũng thừa nhận thẳng thắn: “Tôi chẳng thay đổi gì cả, và các kỹ năng cũng không hề mất đi. Chỉ là bởi bóng đá đã khác nhiều. Các trận đấu diễn ra với tốc độ cao và giàu thể lực hơn. Chiến thuật cũng đã khác, và bạn phải là một người thu hồi bóng, một chuyên gia xoạc bóng, như Patrick Vieira hay Edgar Davids. Nếu bạn có thể chuyền bóng tốt, thì đó đơn giản là một phẩm chất bổ sung. Nhưng tựu trung, mẫu tiền vệ thủ lùi sâu như tôi đã tuyệt chủng”.

Đó là câu chuyện của năm 2004. Chỉ mấy năm sau, Pep trở lại Barcelona trong vai trò một HLV, đưa họ lên đỉnh thế giới và thiết lập một nền tảng vững chắc cho đội bóng này. Lối chơi của Barca hiện tại vận hành cơ bản dựa trên các cầu thủ chuyền bóng dạng Guardiola, những người thường xuyên lùi sâu và nhận bóng ở phần sân nhà trước khi phát triển bóng lên tuyến trên, và cách họ phòng ngự cũng dựa trên sự vây ráp, tranh chấp của cả tập thể, ít sử dụng những cú tắc bóng và không đặt trách nhiệm phòng ngự chuyên trách lên vai một cá nhân nào. Xavi, Iniesta, Busquets, tất cả đều có khả năng chuyền bóng và xử lý một chạm siêu đẳng. 6 năm sau khi tinh thần Guardiola bị coi là đã diệt vong, mẫu tiền vệ chuyền bóng hiện là chìa khóa cho thành công.

Những ảnh hưởng từ thay đổi chiến thuật

Rất nhiều thay đổi lớn đã diễn ra trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy và tác động đến sự tái sinh của mẫu tiền vệ kiểu Guardiola. Trong đó, đáng kể nhất là sự chuyển đổi từ hệ thống phổ biến trong những năm 2000 là 4-4-2 sang 4-2-3-1 và 4-3-3, những sơ đồ sử dụng thường xuyên ba cầu thủ ở trung tâm. Sự thay đổi này đã tạo ra thêm một vị trí người chuyền bóng ở tuyến giữa, “chen” vào giữa bộ đôi phá lối chơi – người kiến tạo thường thấy trong sơ đồ 4-4-2. Ví dụ điển hình là hàng tiền vệ của Liverpool thời Rafa Benitez, với Mascherano phòng thủ chuyên trách, Xabi Alonso là người chuyền bóng, còn Gerrard đảm trách nhiệm vụ tấn công.

Quá trình “tái sinh” của mẫu tiền vệ kiến tạo lùi sâu được thúc đẩy hơn nữa, kể từ khi những số 10 truyền thống dần biến mất, dẫn đến nhu cầu phát triển bóng từ vị trí thấp nhất hàng tiền vệ. Thêm vào đó, vào giữa thập niên 2000, sau Claude Makelele, không còn tiền vệ nào chơi phòng thủ chuyên trách để gánh đỡ cho cả một hệ thống thi đấu nữa. Sự xuất hiện của Andrea Pirlo, người giữ một vị trí rất độc đáo tại AC Milan thời Carlo Ancelotti, tiếp tục “cổ vũ” cho việc phát triển kỹ năng chuyền bóng. Các cầu thủ kiến tạo bây giờ có xu hướng lùi sâu hơn, và những tiền vệ giữ nhịp như Busquets hay Michael Carrick thiên về điều tiết bằng cách chuyền bóng, hơn là tranh chấp.

Thành công của Barcelona cũng đã tạo ra một làn sóng mới trên thị trường chuyển nhượng: Các tiền vệ xây nền lối chơi trở nên rất “đắt hàng”. Mùa Hè này, Real Madrid cũng đã mua một cầu thủ dạng thế về Bernabeu, là Luka Modric giá 42 triệu euro. Kình địch của Barca cũng cần một cầu thủ có kỹ năng chuyền bóng tương tự như Fernando Redondo, tiền vệ thủ gần nhất của Madrid chơi theo phong cách điều tiết. Italia chỉ cần một cầu thủ kiệt xuất ở vị trí tiền vệ kiến tạo lùi sâu là Andrea Pirlo cũng đủ để đi đến tận chung kết, và thất bại trước một TBN sở hữu quá nhiều cầu thủ chuyền bóng hạng nhất ở tuyến giữa.

Đó được xem như một điều đáng mừng trong bóng đá hiện đại, khi một kỹ năng cơ bản của môn thể thao này là chuyền bóng được trở lại với vị thế đáng có của nó. Một dấu hiệu cho thấy sự phát triển của tính tập thể và xu hướng chủ động xây dựng lối chơi cho riêng mình, hơn là phá lối chơi của đối phương.

Ban Cầm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm