Tiếng nói Barca: Công phá “boong-ke” Milan bằng cách nào?

03/04/2012 14:53 GMT+7 | Barcelona

(TT&VH Online)- Một khi toàn thể Milan đã hân hoan tột độ vì cầm hòa được Barcelona tại ngay sào huyệt San Siro với lối chơi phòng thủ “bê tông” thì không lý do gì họ lại không “bổn cũ soạn lại” trong trận lượt về với Barcelona tại chính Nou Camp. 90 phút sắp tới, vì thế, chỉ là để xem: Liệu Barcelona có xuyên thủng được “boong-ke chính hãng” từ Italy hay không?

Boong-ke Milan có thể nói là đáp ứng “căn bản” được các chỉ số về độ bền, độ cứng của một kết cấu bê tông mác cao. Trước hết, đó là chất lượng phòng thủ của từng cá nhân cầu thủ: thi đấu tập trung, thể lực tốt, đeo bám sát, phạm lỗi rất kín với những pha tì đè –kéo áo không quá mạnh nhưng đủ để khiến đối phương lỗi nhịp. Thứ hai, đó là khả năng kết nối và liên kết: 7-8 cầu thủ tạo thành một kết cấu dạng vòm co giãn rất đều đặn, giữ cự ly cực tốt và có khả năng phân tán sức công phá của đối phương rất cao.

Thứ ba, đó là sự bền bỉ, tức khả năng chịu áp lực trong thời gian dài: dĩ nhiên, các đội bóng Ý bao giờ cũng là “thiên hạ đệ nhất chịu trận”.Barcelona đã đá lên, đá xuống, đá ngược, đá xuôi,… nhưng Milan cứ như một kết cấu bất biến hình, như một hòn đá lăn tròn: cứ lăn tới, lăn lui,… và cuối cùng vẫn là hòn đá lăn. Để phá một thế trận phòng ngự triệt để như vậy thì phải tuyệt đối kiêng kị kiểu “húc đầu vào đá”. Phải thấy rằng, để xử lý các “vật thể rắn chắc” này thì sức mạnh là quan trọng, nhưng kỹ thuật mới là yếu tố then chốt. Không hề có chuyện cứ đâm đầu vào đá thì đá sẽ vỡ, có khi đá không vỡ mà lại bị… u đầu!?

Kỹ thuật “xuyên phá bê tông”

Như đã ví von, Milan giống như một kết cấu bất biến hình được làm từ bê tông cốt thép- một loại vật liệu composite tổng hợp khả năng chịu lực (ép, uốn, nén, xoắn,…). Tất nhiên, bất kỳ cái gì cũng có giới hạn của nó và luôn có những “gót chân achilles” để khai thác. Vấn đề của Barcelona là ở đây: cố gắng tìm ra những tử huyệt đạo và tập trung hỏa lực vào đó nhằm làm biến dạng và suy giảm khả năng chịu lực của kết cấu.



Liệu Barca có xuyên thủng được hàng thủ của Milan?- Ảnh Getty

1. Một kết cấu dù siêu bền đến đâu cũng rất “sợ” một loại tải trọng có tên là tải trọng lặp: cường độ không cao nhưng có tính chu kỳ. Việc lặp đi lặp lại sẽ nảy sinh hiện tượng mỏi nơi đối tượng bị tác động và dần dần sẽ nảy sinh ra vết rạn- vết nứt gãy. Giống như một sợi dây thép, để dùng tay không bẻ gãy nó thì chỉ cần một lực uốn nhỏ uốn lên- uốn xuống liên tục. Barcelona nên áp dụng chiêu thức này với những pha hãm thành không cần đòi hỏi về độ khó mà phải giữ được tính liên tục, tuần tự và đa dạng: tạt bóng từ cánh trái, tạt bóng từ cánh phải, chọc khe trung lộ. Việc nhồi bóng liên tục từ nhiều hướng có thể sẽ gây ra hiệu ứng “mỏi” nơi các cầu thủ, khối liên kết giữa họ sẽ lỏng lẻo dần và sai lầm sẽ tự sinh ra.

2. Một phương án nữa để công phá boong-ke Milan là giải pháp “tải trọng đặc biệt” nhằm gây ra những phá hoại cục bộ, giống như dạng dùng cọc nhọn để xuyên thấu. Barca cần phải mạnh dạn trong các pha dứt điểm từ xa của tuyến hai băng lên. Barca cũng nên tạo bất ngờ trong các pha phối hợp với việc để các hậu vệ bất ngờ có mặt trong vòng cấm ở những vị trí không ngờ đến để nhận bóng và dứt điểm. Hậu vệ Abidal từng có một pha ghi bàn “kinh điển” trong trận gặp Real mới đây từ một pha bóng “như chui từ dưới đất” lên như vậy.

3. Đánh vào những vị trí có khả năng “chịu tải” kém nhất. Milan sẽ nhường hẳn khu vực giữa sân. Barcelona không cần mất thời gian vào việc ban bật ở khu trung lộ nhằm lôi kéo hàng thủ Milan vì số đông 7-8 cầu thủ Milan vẫn “trung thành” với việc án ngữ trước vòng 16m50. Barca cần mạnh dạn đẩy bóng sâu xuống 2 biên rồi tạt mạnh vào với tầm thấp ngang lưng- ngực, các đường bóng kiểu này thường rất dễ mắc sai sót trong khống chế và cản phá. Thứ nữa là các đường bóng đổi chéo cánh bất ngờ nhằm làm mất phương hướng đối phương. Việc đẩy nhanh tốc độ trận đấu bằng những pha bóng đơn giản sẽ dễ gây náo loạn hàng thủ Milan hơn là việc triển khai những pha bóng tiki-taka phức tạp nhưng dàn trải và thiếu tốc độ. Có khó khăn là Barca hiện thiếu một số 9 “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” như vậy.

4. Thời gian của trận đấu chỉ dừng ở 90 phút. Trong một thời điểm mà đối thủ đá như “lên đồng”, còn ta thì đá như “mơ ngủ”, hoặc kém “duyên”,… thì rất có thể sức mạnh hay kỹ thuật gì cũng… vô phương. Do đó, Barca cần phải có những chuẩn bị cho phương án ít được chờ đợi nhất: những loạt penalty may rủi. Cẩn tắc vô áy náy! Barca nên làm quen với phương án này để tránh lặp lại hình ảnh năm 2010 (khi cố gắng giải quyết trận đấu thì bị Real “xỏ mũi” trong hiệp phụ). Đời không như bài thơ và “làm người tốt cũng… thật là khó (vì quanh ta còn lắm lọc lừa). Có ai ngờ được giữa thành Milan hoa lệ lại tồn tại một sân cỏ “tồi tệ” như vậy?! Vậy nên, chẳng có gì bằng “đi với bụt mặc áo cà sa…”.

Xét một cách toàn diện thì Barcelona có nhiều thuận lợi hơn với mục tiêu chỉ là một bàn thắng cách biệt. Camp Nou là lợi thế lớn và cộng vào đó là thêm một suất trên hàng công. Nhưng sẽ không dễ dàng gì vì Milan là một loại “ngọc trong đá”, vốn có thể tạo ra những phản lực cực mạnh nếu vô tình bị kích hoạt đúng chỗ. Trận hòa 2-2 ở trận đấu vòng bảng là một ví dụ cho thấy Milan giống như một chiếc lò xo: có thể chịu nén thật sâu và bật lại cũng rất mạnh mẽ. Milan “than khổ” vì hao hụt lực lượng, nhưng đó là sự thiếu hụt “chất mềm mại” khi “trình diễn” trước các đội bóng nhỏ, còn về “chất thép” thì vẫn còn nguyên. Mất T. Silva hay Nesta không là vấn đề, vì hàng thủ Milan được bao bọc bởi 3-4 tiền vệ tham gia phòng ngự chứ không phải hoạt động độc lập.

Trung vệ G. Pique từng chỉ ra vấn đề là “hai đội quá quen với nhau” nhưng trận đấu giữa hai người quen nhau chắc chắn sẽ rất cân não vì nó đòi hỏi người chơi phải tự… làm “mặt lạ” với nhau. Song, một cách thực tế, 90 phút còn lại rất có thể chỉ là nơi để Barcelona thể hiện khả năng biến hóa của mình mà thôi.

Chờ xem, boong-ke Milan sẽ bị công phá như thế nào tại chiến trường Camp Nou. Với Barcelona, thắng lợi sẽ là một đòn bẩy đưa họ tiến rất xa trên con đường ra trận tuyệt đẹp mùa này! Còn với Cules, dù thế nào thì chân lý vẫn là: “ ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, và xem Barca chơi bóng”!!!

MessY


Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục comment dưới đây, hoặc gửi ý kiến, bài vở về địa chỉ hòm thư điện tử quocte.ttvhonline@gmail.com.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm