Khi Paul McCartney hoài niệm

10/12/2009 10:19 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Những tháng cuối năm 2009, cái tên The Beatles được nhắc tới khá đậm nét. Đầu tiên là lễ kỷ niệm 8 năm ngày mất của George Harrison ở Hollywood, kế đến là kỷ niệm 29 năm ngày John Lennon qua đời, trong khi đó Paul McCartney sắp sửa tung ra bộ đĩa mới và Ringo Starr cũng đang chuẩn bị trình làng album solo thứ 15. Có điểm chung gì giữa những sự kiện ấy?

Hoài niệm

Ringo Starr tuyên bố: “Dù làm bất cứ điều gì, tôi vẫn không thể nguôi ngoai rằng mình vẫn là một Beatle”. “Cậu bé” vô tư nhất “Tứ quái” thuở nào giờ vẫn đều đặn mở những đĩa nhạc cũ của The Beatles để nghe lại hàng đêm. Còn Paul McCartney trong lần trả lời phỏng vấn mới đây đã nói rằng: “Tôi vẫn nghĩ mình còn chơi trong bộ tứ ấy, có những điều trong cuộc đời mà bạn chẳng bao giờ muốn mất đi”. Hai người cuối cùng của bộ tứ Liverpool đều cùng nhau hoài niệm, như thể nếu John Lennon và George Harrison sống lại, chẳng có điều gì ngăn cản họ chuẩn bị làm tour diễn mới. Hàng mấy chục năm trôi qua, những dự định, mong muốn giờ đã sắp xếp gọn gàng trong ngăn bàn ký ức. Trải qua bao sóng gió, vợ mất, ly dị ồn ào với vợ mới, người bạn Michael Jackson ra đi, tuổi già ập đến…, Paul McCartney bây giờ chỉ còn thích ru mình trong hoài niệm.

Nếu xem hoài niệm là món quà mà các quý ông thường tự tặng mình khi tuổi già đến gần thì Paul McCartney có lẽ là người hoài niệm nhiều nhất. Trước 55.000 khán giả tại sân vận động Citi Field ở New York (Mỹ) ngày 18/7/2009, Paul McCartney ngồi đệm piano hát My Love để tưởng nhớ người vợ quá cố Linda, gảy đàn ukulele hát Something dâng tặng George Harrison và chậm rãi rải guitar ngân lên “Nếu có mặt ở đây hôm nay, anh sẽ thấy mình đã trở thành linh hồn trong bài hát của tôi” (Here Today, ca khúc dành riêng cho John Lennon). Chưa có hoài niệm nào nhiều đến như vậy trong lịch trình biểu diễn của tay bass huyền thoại này từ bấy đến giờ.

Và Citi Field, sân vận động mới của thành phố New York, cũng chính nơi này cách đây 44 năm, vào ngày 15/8/1965 nó còn có một cái tên đã đi vào lịch sử, Shea, nơi The Beatles lần đầu tiên đưa rock vào sân vận động. 55.000 con người khi ấy, tiếng hét to như phản lực cơ, át hết giọng hát của 4 chàng “đầu nấm” đang cố gắng ngân hết cỡ chỉ để làm điên loạn giới trẻ Mỹ. 44 năm trôi qua bằng độ tuổi của bài hát Yesterday, chàng đánh bass trái tay của “Tứ quái” thuở nào giờ da mặt đã nhăn nheo vì thời gian, đứng trước đám đông ở Citi Field và nói ngắn gọn: “Thật sự tôi rất nhớ The Beatles”. Nhiều khán giả từng là những cô gái, chàng trai mới lớn ở sân Shea gần nửa thế kỷ trước đã khóc ngon lành. Chương trình hôm 18/7 ấy được ghi thành DVD mang tên Good Evening New York City sẽ phát hành vào 7/12, một ngày trước lễ kỷ niệm 29 năm John Lennon bị bắn chết ở New York đầy màu xanh. Một món quà Paul muốn dành tặng cho John.

Một thời là Shea, giờ là Citi Field

32 bài hát kéo dài trong hai giờ rưỡi, khoảng 2/3 số đó là những nhạc phẩm của thời The Beatles. Có thể bạn đã có trong tay bộ sưu tập đầy đủ những buổi diễn của Paul McCartney từ trước đến nay và nhăn mặt bảo rằng: “Vẫn chỉ toàn là những bài cũ hát đi hát lại mãi” nhưng Citi Field sẽ vẫn là một lý do xác đáng để bạn bỏ tiền ra mua bộ CD/DVD này. Các nhà quản lý của Citi Field quyết định mời Paul McCartney làm một chương trình ca nhạc “khai sân” để từ đây trở đi cái tên cũ, Shea, sẽ vĩnh viễn thuộc về quá khứ. Khi xưa, The Beatles là nhóm nhạc đầu tiên chơi tại Shea và giờ đây khi có tên mới, việc được Paul McCartney tới “khánh thành” sẽ là một vinh dự mang tính lịch sử.
 
 
Paul kể lại, 44 năm trước, vào buổi chiều biểu diễn, để tránh đám đông New York tụ tập đen kín dưới đường, bộ tứ The Bealtes được bốc khỏi khách sạn bằng phản lực cơ Vertol 107-II, sau đấy cả nhóm đáp xuống mái tòa nhà Hội chợ Thế giới, rồi từ đó chui vào chiếc xe bịt kín thẳng tiến tới sân Shea. 2.000 cảnh sát New York được điều tới giữ ổn định, 55.000 người hâm mộ không được xuống sân, chỉ đứng trên khán đài, có vài khe cửa lưới B40 mở sẵn để xe cứu thương chạy vào đưa những người bị ngất vì xúc động đi bệnh viện. Buổi biểu diễn hôm ấy đi vào lịch sử bởi rất nhiều sự kiện: nhóm nhạc đầu tiên trình diễn tại sân bóng chày, lượng fan đông đảo và âm thanh hổ lốn nhất. Chẳng ai nghe được bài nào ngoài những giọng gào thét đến ngất lịm. Xe cứu thương chạy “vã mồ hôi”, cảnh sát liên tục được đưa tới ứng viện. Đó là thời hoàng kim nhất của The Beatles, 4 chàng trai ngổ ngáo, chinh phục thế giới bằng những ca từ mới mẻ và tạo một cơn cuồng trong giới trẻ mà trước đó chưa ai làm được. Rock ra đời đánh dấu sự cởi mở về tinh thần cho giới trẻ. The Beatles ra đời là để đưa tinh thần tự do ấy trở thành cơn đại hồng thủy. Buổi biểu diễn ở Shea năm 1965 đi vào lịch sử cũng nhờ tinh thần ấy.


John mất, George qua đời, Ringo bận việc, sân khấu ở Citi Field năm 2009 chỉ còn Paul trơ trọi. Thành viên thư sinh nhất “Tứ quái” ngày nào giờ ngồi hát về Con đường dài và lộng gió (The Long And Winding Road), con đường mà từ khi The Beatles tan rã, dù có cố né tránh đến đâu, Paul vẫn không thể phủ nhận mình vẫn còn yêu ban nhạc này da diết. Ngày John bị sát hại, Paul đã nói: “Thế giới chẳng thể tìm được một tay vĩ đại thứ hai như thế”. Khi Shea bị xóa tên, Paul trả lời: “Shea vẫn ở đây cùng John và George”. Citi Field bây giờ chật kín khán giả đứng trên mặt cỏ lẫn khán đài. Gần một nửa là giới trung niên đi tìm tình yêu nồng cháy của thời trai trẻ, số còn lại là đám choai choai mới lớn, nghe The Beatles trên iPod, hát Drive My Car giả tiếng “bíp bíp” còi xe hơi và hôn nhau nhiệt thành dưới cái nóng mùa Hè New York. Mùa Hè của thanh xuân, âm nhạc The Beatles ngập tràn sân vận động. Không còn tiếng gào rú của cả một cầu trường khổng lồ át tiếng hát như ngày xưa mà thay vào đó là hàng vạn giọng hát bè theo Let It Be, I’m Down, Helter Skelter… Chẳng có ai ngất, chỉ còn những giọt nước mắt lăn trên má. Paul cầm cây bass Hofner hát A Day In The Life như thể chờ John hòa giọng. Ngày xưa bài hát ấy gồm 2 đoạn được Paul và John sáng tác riêng biệt rồi kết hợp lại để trở thành bất hủ. Giờ vắng John, đoạn hát cũ được 55.000 giọng ca hòa bè, “như thể John và George vẫn ở ngay cạnh tôi đây còn dàn dây thì chuẩn bị kéo lên khúc bi tráng nhất vậy”, Paul hồi tưởng.

Khi 23 tuổi, Paul McCartney hát về một viễn cảnh ở tuổi 64 có người chăm sóc và trò chuyện cạnh bên. Giờ ở tuổi 67, ông đã có cuộc ly dị bạc triệu với một người vợ đình đám. “Ở tuổi 18, tôi thường cấm mình rơi lệ vì bất cứ điều gì, còn bây giờ, tôi vẫn thường khóc ngon lành”, Paul tâm sự trên tờ Daily Star mới đây. Trên con đường của mình, không điều gì còn khiến người đàn ông gần thất thập ấy cảm thấy lạ lẫm nữa. Nếm trải đủ mọi vinh quang và nước mắt, Paul McCartney giờ vẫn thường hay hoài niệm như thế. Chẳng ai suốt ngày sống bằng kỷ niệm nhưng nếu kỷ niệm ấy nuôi dưỡng được tuổi già thì với Paul, “tốn thời gian chẳng phải là vấn đề”.

Cung Tuy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm