17/08/2023 12:24 GMT+7 | Tin tức 24h
Khi kênh truyền hình Odisha TV của Ấn Độ cho ra mắt người dẫn chương trình (MC) ảo có tên Lisa hồi tháng Bảy, nhân vật này đã nhận những đánh giá trái chiều, từ "đột phá" đến "giống người máy (robot)" và "vô cảm".
Người đứng đầu kênh Odisha TV, ông Jagi Mangat Panda, đã ca ngợi sự xuất hiện của Lisa là "một bước ngoặt trong ngành truyền hình và báo chí số".
Xuất hiện trong bộ sari màu vàng và đỏ nâu, công việc của Lisa là đọc bản tin trên các nền tảng số, cập nhật thông tin thời tiết và thể thao. Ông Panda giải thích mục đích của việc sử dụng MC ảo dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như vậy là để nhân vật này đảm nhiệm các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, từ đó giải phóng nhân viên để họ tập trung vào các công việc đòi hỏi nhiều sự sáng tạo hơn nhằm nâng cao chất lượng tin tức.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Lisa và các MC ảo khác trong thời gian gần đây đã khơi dậy tranh luận tại Ấn Độ về tương lai của truyền thông ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Không chỉ Ấn Độ, xu hướng này còn được ghi nhận ở các thị trường châu Á khác, từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, nơi các MC ảo đang bắt đầu thay đổi bộ mặt của các kênh truyền hình.
AI đem lại một công cụ đặc biệt mạnh mẽ để tiếp cận khán giả ở một quốc gia như Ấn Độ, nơi có hàng trăm thứ ngôn ngữ được sử dụng hàng ngày. Trước Lisa, kênh truyền hình India Today Group đã giới thiệu MC ảo bằng công nghệ AI đầu tiên của Ấn Độ có tên Sana. Ngoài Tiếng Anh, tiếng Hindi và Bangla, Sana đã dẫn bản tin thời tiết và cùng dẫn nhiều chương trình với các phóng viên khác bằng 75 thứ tiếng.
Các nhà giám đốc sản xuất cho rằng xu hướng này đem lại nhiều lợi ích cho ngành báo chí và truyền thông, vì nó giúp tiết kiệm chi phí, cho phép các kênh phát tin tức bằng nhiều thứ tiếng và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ phi thường.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng công nghệ này có nguy cơ làm giảm sự đáng tin cậy của truyền thông, khi robot thiếu kỹ năng quan sát và kinh nghiệm làm báo như con người. Ngoài ra, giọng nói đơn điệu và thiếu cử chỉ tay của các MC ảo này cũng là yếu tố có thể khiến người xem chuyển kênh.
Tương tự các công nghệ AI khác, việc ứng dụng MC ảo cũng làm dấy lên những lo ngại về khả năng mất việc làm, dù nhiều đơn vị sản xuất tin tức đã khẳng định rằng MC ảo sẽ không bao giờ có thể thay thế con người.
Bất chấp những tranh luận này, việc ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất tin tức dường như là xu thế tất yếu. Một khảo sát mới đây của Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức thế giới cho thấy 49% các đơn vị tin tức trên toàn cầu đang sử dụng các công cụ AI như ChatGPT.
Trước đó, vào năm 2018, Trung Quốc tuyên bố là quốc gia đầu tiên áp dụng hình thức MC ảo dựa trên công nghệ AI. Kể từ đó, các MC ảo cũng xuất hiện tại Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Tại Trung Đông, hãng tin Kuwait News gần đây cũng đã cho ra mắt một MC ảo có tên Fedha.
Ông Mateen Ahmad, Giáo sư của Trung tâm nghiên cứu truyền thông đại chúng A.J.K thuộc Đại học Jamia Millia Islamia University ở New Delhi, cho rằng bất kỳ công nghệ mới nào ban đầu cũng sẽ gây ra những lo ngại và hoang mang. Ông lấy ví dụ các nhà sản xuất phim đã từng lo sợ rằng hoạt hình sẽ thay thế phim có sự diễn xuất của con người, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Tương tự, nhiều người từng dự đoán Internet là "hồi chuông báo tử" cho sách báo in. Nhưng ông Ahmad nhấn mạnh vấn đề nằm ở chỗ đối với bất kỳ công việc liên quan đến sáng tạo nào, công nghệ AI đều không thể thay thế con người. Vì thế, ông cho rằng thay vì giành lấy việc làm của con người, MC ảo có thể tạo thêm nhiều việc làm hơn cho ngành truyền thông bằng cách nâng cấp nội dung.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất