03/03/2009 10:52 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã gặp rắc rối sau khi thì thầm vào tai Nicolas Sarkozy rằng chính mình đã “tặng” vợ cho vị Tổng thống Pháp. Câu nói đùa này đang khiến ngài Thủ tướng Italia có nguy cơ bị kiện ra Tòa án châu Âu.
Sự kiện xảy ra vào tuần trước khi ông Nicolas Sarkozy tới Italia để tham dự một hội nghị song phương. Khi hai người ngồi trước ống kính máy quay, ông Berlusconi đã nghiêng người sang phía vị lãnh đạo Pháp và thì thầm một câu nửa Pháp nửa Italia: "Moi, je t'ai donne la tua donna" (Đại ý: Tôi, chính tôi đã tặng cho anh người đàn bà của đời anh).
Câu bông đùa này có ý nhắc tới việc đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni sinh ra tại Italia và gia đình của bà sống tại Turin trước khi chuyển tới Paris vào những năm 1970. Nữ ca sĩ này kết hôn với ông Sarkozy cách đây một năm sau một cuộc tình lãng mạn.
Hàng loạt sự cố “mất mặt”
Tháng trước ông tiếp tục làm người dân trong nước bực bội khi nói rằng mặc dù chính phủ đang cân nhắc việc triển khai 30.000 lính tới các thành phố của Italia, sẽ "không bao giờ có đủ binh lính để bảo vệ các cô gái Italia xinh đẹp khỏi bị cưỡng hiếp". Sau đó, Thủ tướng Berlusconi bào chữa rằng ông chỉ muốn ca tụng những người phụ nữ Italia xinh đẹp và rằng các đối thủ của ông quá thiếu khiếu hài hước.
Cách đây hai tuần, ngài Thủ tướng lại gây căng thẳng với Argentina khi đùa cợt về số phận của một số tù nhân chính trị, những người đã bị đánh thuốc mê và vứt từ máy bay xuống biển trong thời kỳ chính quyền độc tài quân sự còn lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ. "Nhà độc tài Argentina đã dẹp bỏ những kẻ đối lập bằng cách đưa họ lên một chiếc máy bay cùng một quả bóng rồi mở cửa và hỏi 'Hôm nay đẹp trời đấy, ra ngoài chơi thôi'. Vui đấy nhỉ, nhưng cũng thật xúc động" - ông Berlusconi nói trong một cuộc họp ở vùng Sardinia. Argentina đã phản ứng hết sức giận giữ. Chính quyền Buenos Aires còn triệu tập đại sứ Italia và yêu cầu giải thích về những tuyên bố của ông Berlusconi khi đề cập tới các "chuyến bay tử thần" khét tiếng một thời ở nước này. Chỉ khổ các quan chức Italia phải vất vả giải thích rằng từ ngữ của ông Berlusconi đã bị hiểu sai và rằng ông chỉ muốn nhấn mạnh tới những tội ác tàn bạo do chính quyền quân sự gây ra mà thôi.
Thói quen hay phong cách?
Kể từ khi bước chân vào chính trị, Berlusconi đã mất quyền lực hai lần, tránh né hàng loạt các cáo buộc tham nhũng và qua mặt các đối thủ khi đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Nhưng thói quen phát biểu “hớ hênh” của ông vẫn còn nguyên xi, không thay đổi gì.
Đặc điểm này được xem là một bí ẩn trong con người Berlusconi, khiến ngay cả những người Italia cũng thấy bối rối trong việc đi tìm câu giải thích. Có người cho rằng Berlusconi coi thế giới cũng như sân khấu riêng của ông, thích biểu diễn thế nào cũng được và càng hài hước càng dễ chinh phục dư luận. Số khác lại cho rằng có những tính toán trong các câu nói đùa của Berlusconi, rằng ông chỉ muốn chia rẽ đối thủ và tăng cường đồng minh cho mình. Nhưng phần lớn đều tin ông đơn giản là muốn giữ mình luôn ở tâm điểm của mọi việc.
Antonio Amadori, một chuyên gia tâm lý và tác giả cuốn sách viết về Berlusconi mang tên Mi Consenta (Cho phép tôi), thì đánh giá ngài Thủ tướng luôn bị thúc đẩy bởi một ham muốn hình ảnh bản thân "lấp đầy hoàn toàn" ý thức công chúng. "Nếu hỏi vì sao ông ấy làm vậy thì chả khác nào hỏi vì sao cây hài Jerry Lewis thích pha trò" - Amadori nhận xét - "Phong cách của ông ấy là thế. Ông ấy thích phô trương và tin rằng sự quyến rũ cùng trí thông minh của mình có thể ứng biến với mọi thứ".
Lại một cuộc chữa cháy
Nhằm hạn chế thiệt hại do vụ tai tiếng mới nhất gây ra, văn phòng Thủ tướng Italia đã bác bỏ thông tin do báo chí Pháp đưa ra. Một nữ phát ngôn viên Thủ tướng cho biết ông Berlusconi chỉ nói thầm với ông Sarkozy bằng mỗi tiếng Pháp với nội dung: "Tu sais que j'ai étudié à la Sorbonne" (Tạm dịch: Anh biết không, tôi từng học tập ở Sorbonne đấy). Song các quan chức Sorbonne khẳng định họ không có giấy tờ nào xác nhận việc này.
Dựa trên cơ sở đó, hiện hai nhà lập pháp Italia tuyên bố họ sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu vì những lời nói mang tính "phân biệt chủng tộc" của Berlusconi. Hai nghị sĩ trên gồm các bà Anna Paola Concia, thuộc đảng Dân chủ cánh tả và bà Donata Gottardi, một nghị sĩ cánh tả khác, khẳng định ông Berlusconi vi phạm Công ước về nhân quyền châu Âu khi "liên tục đưa ra các tuyên bố vi phạm phẩm giá phụ nữ". Công ước này nêu rõ mọi công dân châu Âu đều có quyền có một cuộc sống riêng tư và không bị đem ra bông đùa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất