Rắc rối đàm phán hợp đồng tại Liverpool: Đừng trách Raheem Sterling!

31/03/2015 11:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Màn đàm phán chuyển nhượng kéo dài hơn 3 tháng trời đang khiến cho báo giới tốn nhiều giấy mực. Nhưng Liverpool sẽ không thể trách Raheem Sterling nếu anh chọn con đường ra đi, bởi như vậy sẽ là... cực đoan.

Hãy tưởng tượng rằng bạn than vãn với một ngôi sao trẻ như vậy rằng “Lương của tôi chỉ được có 5.000 USD”. Đừng ngạc nhiên nếu anh ta hỏi lại “Đấy là mỗi tuần hay mỗi tháng?”. Họ không hiểu được giá trị thật của đồng tiền. Họ có thể sẽ không bao giờ hiểu được rằng 5.000 USD đấy là tổng số lương mà anh chàng phóng viên kiếm trong một năm trời.

Đừng luận bàn tiền bạc

Đó cũng chính là lý do vì sao, chúng ta chưa nên nói đến chuyện giá trị thực sự khi bàn về lương lậu của cầu thủ. Liệu sẽ có một khác biệt nào không, nếu họ nhận 100.000 bảng/tuần và nếu họ nhận 150.000 bảng/tuần?

Mỗi người trong số chúng ta sẽ có những đánh giá riêng, theo kiểu “Raheem Sterling ư, gã này chỉ khoảng 120.000 là hết cỡ rồi”, hoặc “Alexis Sanchez và Mesut Oezil cũng chỉ nhận 140.000 bảng/tuần thôi mà”. Vân vân và vân vân.

Liệu có ai trong số chúng ta thực sự hiểu cuộc sống của một người nhận cả trăm nghìn bảng mỗi tuần là gì? Đây không phải lời thách đố, bởi chính những người nhận trăm nghìn bảng mỗi tuần chưa chắc trả lời được câu hỏi này.

Mọi cầu thủ đều xuất phát điểm như một người bình thường. Thậm chí phần lớn trong số họ có hoàn cảnh nghèo khó khi còn nhỏ. Cộng thêm thứ tâm lý rằng đời cầu thủ ngắn hạn, không quá ngạc nhiên khi sẽ có nhiều cầu thủ chỉ muốn nhận càng nhiều tiền càng tốt, như một sự đảm bảo. Có thể họ sẽ chẳng bao giờ giải thích được sự khác biệt giữa 100.000 bảng/tuần và 150.000 bảng/tuần.

Đừng trách Sterling

Quay lại với Raheem Sterling, đây chính là trường hợp tiêu biểu của thứ tâm lý chúng ta đang bàn tới. Chris Bascombe kể lại hoàn cảnh khó khăn của Sterling, một cậu nhóc đến từ Jamaica. Ở tuổi 15, Sterling khi ấy đang khoác áo đội trẻ QPR và nhận được rất nhiều lời mời từ các lò đào tạo lớn hơn.

Sau cùng, anh chọn Liverpool không phải vì họ có truyền thống sản xuất tài năng bóng đá, cũng không phải vì tình yêu ấu thơ nào dành cho CLB này. Đơn giản bởi trong số những lời mời mọc, Sterling sẽ được Liverpool trả lương và tạo điều kiện sống tốt nhất. Câu chuyện về phong cách thuyết phục tài năng trẻ từ vùng khác của CLB này là một chủ đề quá rộng để nói rõ trong bài viết này.

Vậy, liệu có là cực đoan hay không, nếu Sterling chỉ đang đưa ra lựa chọn hệt như cách anh chọn đến Liverpool trước kia? Có là cực đoan không nếu anh từng muốn là cầu thủ 15 tuổi được trả lương cao nhất, và giờ muốn là cầu thủ 20 tuổi được trả lương cao nhất?

Đừng nói rằng Raheem Sterling là một kẻ tham lam, không biết mình đang có gì và cần gì. Đây đơn giản là một sự lựa chọn thực dụng. Mọi người có thể nói rằng tiền không mua về hạnh phúc, nhưng chẳng ai cười vui khi sắp chết đói.

Nếu để chỉ trích, chỉ có thể nói rằng Sterling không hiểu rõ ý nghĩa chuyên môn trong quyết định này. Như Harry Redknapp nhận xét, “Sterling nên cảm thấy may mắn khi đang gắn bó với Liverpool”.

Năm 5 tuổi, Sterling mới đến nước Anh sinh sống cùng gia đình. Năm 2009, Sterling vẫn khẳng định “sẽ suy nghĩ” nếu LĐBĐ Jamaica gửi lời triệu tập anh. Nhưng cho tới khi nhận thấy giá trị của bản thân tại đội U17, U21 và ĐTQG Anh, Sterling không cần suy nghĩ nữa.

Anh vẫn trở về Jamaica để nghỉ mát. Đó vẫn là quê hương. Nhưng anh chọn ĐT Anh, đơn giản bởi đó là quyết định thực dụng cho sự nghiệp.

33 Hiện tại Sterling đang hưởng mức lương 33.000 bảng/tuần tại Liverpool, theo bản hợp đồng ký kết vào tháng 12/2012.

180 Tờ Daily Mail (Anh) khẳng định Sterling đã từ chối đề nghị về mức lương 180.000 bảng/tuần mà Liverpool đưa ra.

120 Tính tới thời điểm hiện tại, sau 4 mùa giải, Sterling đã ra sân cho Liverpool tổng cộng 120 lần, ghi được 22 bàn thắng.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm