Mạng xã hội “nội” – bao giờ cho đến tháng mười… một?

02/12/2009 09:48 GMT+7 | Cuộc sống Số

Bài 1: Khi Facebook “chập chờn”

Nguyễn Quốc Minh

Người sử dụng Facebook trong thời gian gần đây vẫn đang băn khoăn giữa quyết định đi hay ở lại một mạng xã hội mà phải mất “trăm phương nghìn kế” mới có thể truy cập được?! Liệu những mạng xã hội “made in Việt Nam” có kịp nắm bắt cơ hội để lên ngôi?

Hàng nội thua xa hàng ngoại

Nhiều người cho rằng mạng xã hội Việt Nam có những ưu điểm nhất định, trong đó ưu thế nhất vẫn là do người Việt Nam phát triển, nên sẽ hiểu rõ tâm lý và thị hiếu khách hàng, từ đó cung cấp những dịch vụ và ứng dụng phù hợp. Nhưng thực tế có phải như vậy?

Năm 2009 đánh dấu một khoảng thời gian khủng hoảng của những người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, khi nền tảng quen thuộc đầu tiên là Yahoo! 360 chính thức đóng cửa ngày 13/7. Thị trường mạng xã hội Việt Nam từ đó chia năm xẻ bảy với những lựa chọn khác nhau. Kẻ sính ngoại thì Multiply, Wordpress, Yahoo Plus, Twitter… người mê hàng nội thì Yume, Zingme, Tamtay, i-pro, Henantrua, Vietspace… Nhiều lựa chọn là vậy, tuy nhiên chưa có một nền tảng nào đủ sức hấp dẫn để chiếm lĩnh thị phần.

Mạng xã hội phân chia thành ba dạng chính là ego-centric, relationship-centric và content-centric. Ở Việt Nam đã xuất hiện cả ba dạng này và đang tìm cho mình những hướng phát triển riêng. Yahoo! 360 chính là một người khổng lồ của thể loại Ego-centric mà cái bóng của nó không dễ gì vượt qua. Các mô hình khác cũng đã xuất hiện và đang tung ra những chiêu thức lôi kéo khách hàng như Tamtay, Yobanbe, Clipvn, Sannhac, Anhso.net….

Trong khi các mạng xã hội “nội địa” ngày đêm tìm cách câu kéo khách hàng lẫn nhau thì một mạng xã hội thuộc hàng “ông lớn” trên thế giới không vội vàng như vậy. Bình tĩnh nghiên cứu kỹ tâm lý người dùng và chỉ với một bản Việt hóa Facebook  được tung ra, kèm theo những ứng dụng hấp dẫn, mạng xã hội mà nhiều người trước đó còn chưa từng biết tên bỗng trở thành cơn sốt. Tính năng kết nối nhanh chóng, những ứng dụng hấp dẫn, upload ảnh, video dễ dàng và những trò chơi flash giúp “giết thời gian” đã giúp Facebook từ kẻ vô danh trở thành một hiện tượng của cuối năm 2009, kéo theo những dư luận trái chiều xuất hiện từ các forum thảo luận đến cả mặt báo.

Vậy đâu là nguyên nhân? Do các nhà phát triển mạng xã hội Việt Nam chưa nghiên cứu kỹ thị hiếu khách hàng hay do dân ta “sính ngoại”?

Cơ hội hay rắc rối?

Như TT&VH đã đăng tải ở một số báo gần đây, thời gian qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam “từ chối khéo” không cho người sử dụng truy cập Facebook vì nhiều nguyên nhân. Có ý kiến cho rằng đây thực sự là một cơ hội để các mạng xã hội nội địa vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Nhưng xem ra mọi việc không chỉ đơn giản như vậy.

Thị trường mạng xã hội Việt Nam đang ở trong tình cảnh bắt đầu cạnh tranh khá gay gắt với nhau, với sự xuất hiện của hàng loạt các mạng xã hội dưới đủ hình thức như: Zingme, FPT 1280 Ngoisaoblog.com, Clip.vn, Cyworld.vn, Yobanbe.vn, Cyvee.com, Phununet, Henantrua.com...  Có thời gian cư dân mạng xôn xao về thông tin FPT sẽ ra mắt một mạng xã hội hoàn toàn mới với tính năng hoàn hảo là FPT 1280, nhưng cho đến thời điểm này, cái tên 1280 vẫn chưa xuất hiện trong các cuộc thảo luận của cư dân mạng. Mạng xã hội được cho là của “đại gia” này vẫn đang hoạt động manh mún và chưa có gì nổi bật.

Vượt trội hơn hẳn đang là mạng xã hội Zingme của Cty Vinagame, vốn được coi là một “bản sao” của Facebook với những chức năng, ứng dụng khá thân thiện và tốc độ phát triển khá nhanh, gần đây lại đang phải chịu nhiều búa rìu dư luận. Theo số liệu thống kê của Facebook, cuối tháng 6 từ 337.000 người sử dụng  mạng xã hội này đã tăng vọt lên 515.000 vào tháng bảy, 713.000 vào tháng 8 và 918.000 vào ngày 23/9/2009. Facebook nhấn mạnh vào khả năng kết nối (connection-centric) còn Zingme có vẻ như  chủ yếu hướng người dùng sử dụng nội dung (content-centric) và giải trí (các ứng dụng chia sẻ nhạc MP3, video, photo, mail... cho phép người dùng giải trí và thể hiện nhiều hơn.

Sau khi Facebook gặp khó khăn trong truy cập, Zingme đã tung ra ngay một ứng dụng giúp người sử dụng chuyển toàn bộ dữ liệu  từ Facebook sang Zingme, bao gồm cả ghi chép, video, photo.... Điều này càng làm tăng thêm chủ đề thảo luận trên các diễn đàn mạng, tranh luận sôi nổi về việc liệu có “mờ ám gì” đằng sau việc Facebook bị chặn? Thậm chí trên mạng chat Yahoo Messenger còn đang lan truyền những tin nhắn kêu gọi người sử dụng tẩy chay những mạng xã hội “nội”, bởi vì đã làm họ không vào được Facebook(?).

Nhiều người sử dụng trung thành với Facebook còn chỉ trích một số mạng xã hội “nội” đã trắng trợn copy các trò chơi vốn đã nổi tiếng của Facebook với mục đích câu khách. Xem ra để chiếm vị trí hàng đầu ở một thị trường đa dạng như Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng.

Tháng mười… một cũng đã qua

Các trang mạng xã hội thường đi theo lối mòn là chú trọng vào các con số ảo như lượng người đăng ký thành viên và tham gia chia sẻ nội dung, bao gồm bài viết, nhạc, video... Như vậy, càng nhiều truy cập tới website nghĩa là càng nhiều chi phí cho máy chủ, đồng thời khả năng hoàn vốn lại càng thấp. Bên cạnh đó hành lang pháp lý vẫn còn có những điểm chưa rõ ràng nên nhiều người vẫn có tâm lý e dè khi đầu tư và phát triển một mạng xã hội mới, vì không chắc chắn khả năng có thể phát triển lâu dài và thu lợi nhuận.

Một chuyên viên nghiên cứu thị trường chia sẻ:  Các mạng xã hội Việt Nam hiện nay chưa đủ sức cạnh tranh với các mạng xã hội ngoại về mọi mặt. Một mạng xã hội thu hút người sử dụng và có thể tạo ra doanh thu phải gắn kết được xã hội thật và xã hội ảo. Ngoài ra cần chú trọng kết hợp cả yếu tố truyền thông và viễn thông, đồng thời thu hút nguồn quảng cáo và vốn đầu tư. Thu phí từ người sử dụng như một số mạng mới ra vẫn làm là “hạ sách” – chuyên gia này nói.

Các hình thức mạng xã hội phổ biến

Ego centric (Cá nhân làm trung tâm)  Mạng xã hội lấy cá nhân làm trung tâm. Các hoạt động xã hội sẽ xoay quanh bản thân cá nhân. Điển hình cho dạng này là mạng xã hội MySpace và phiên bản Việt Nam là Viet Space. Mash của Yahoo, Yahoo 360 và sau này là Pluss cũng có chung đặc điểm. Đặc điểm là trang chủ càng dễ tùy biến càng tốt, người sử dụng có quyền can thiệp vào cấu trúc và giao diện của trang cá nhân.

Relationship centric (Quan hệ bạn bè là trung tâm) Mạng xã hội loại này lấy mối quan hệ giữa cá nhân và bạn bè làm trung tâm. Nó giúp cá nhân biết được bạn mình đang làm gì, nhóm bạn mình đang làm gì, cũng như giúp những người quan tâm tới cá nhân biết mình đang làm gì. Điển hình cho dạng này là FaceBook, Twitter, Y360, Mash. Đặc điểm của mạng này là các mối quan hệ phải càng thắt chặt càng tốt, các tính năng của mạng cũng phải hỗ trợ tối đa các nhu cầu này.

Content centric (Nội dung là trung tâm) Đặc điểm chung của mạng loại này là nhằm trưng bày những sản phẩm nội dung do mình hoặc nhóm của mình tạo ra cho bạn bè và công chúng (Bài viết, ảnh, audio/video, v.v…). Mạng content centric phổ biến ở Việt Nam là các mạng như Tamtay, Chacha, Mp3 Zing...


(Trong số báo tới TT&VH sẽ đăng tải ý kiến của nhà quản trị mạng xã hội 1280 của FPT)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm