'Sự kiện Thực Nghiệm' vào triển lãm tranh thơ

05/08/2013 15:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn)- Đăng ký cho con học/ Bố xếp hàng từ đêm/ Mừng đến rớt nước mắt/ Khi bố nộp được tiền. Đó là lời thơ minh họa cho bức tranh kể về ngày nhập học cho con trong triển lãm tranh thơ "Một ngày của bố" được trưng bày từ hôm nay (5/8) tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24, Tràng Tiền).

Triển lãm gồm những bức tranh dí dỏm của Thái Mỹ Phương và lời thơ của Thụ Nho được trích từ cuốn sách tranh Một ngày của bố được ra mắt ngày mai (6/8). 


Triển lãm giới thiệu những một ngày thường nhật của một ông bố thị thành. Một ngày thường với bao nỗi khó khăn tới khổ ải. Và một trong số đó là xếp hàng nộp đơn cho con học. Không ghi rõ ngôi trường, không ghi rõ địa chỉ song Thái Mỹ Phương đã tái hiện cánh cổng sắt với những cánh tay cầm đơn với ánh mắt đầy hi vọng. Và cái tên Thực Nghiệm lại bật lên trong đầu như tiếng thở dài xót xa về nỗi lòng người cha, người mẹ chốn thị thành dành cho con cái.

BTC giới thiệu ngắn gọn về nội dung cuộc triển lãm cũng như cuốn Một ngày của bố:

“Ngày nảy ngày nay, có một ông bố như bao ông bố khác: Hằng ngày đi xe máy, hình như là một chiếc Honda Dream cà tàng, theo một tuyến đường nhất định, và vượt qua: nhiều đèn xanh đỏ, nhiều chú công an giao thông, đôi cây xăng cứ liên tục tăng giá, nhiều đám tắc đường, vô số vỉa hè, và biết bao khói bụi không rõ nồng độ có vượt mức cho phép hay không… để đưa con đến trường. Đây là câu chuyện về ông bố bình thường ấy, dù có nhiều cảnh tượng khác biệt, nhưng hầu như vẫn là một ngày dài dằng dặc…”

Một ngày của bố bắt đầu như thế. Phải rồi, một ngày của những kẻ làm cha làm mẹ sẽ luôn bắt đầu bằng cái công việc tưởng chừng nho nhỏ nhưng luôn cần sự nhẫn nại vô hạn ấy. Mỗi buổi sáng trên khắp mọi nẻo đường, mọi con phố, đoàn quân những bố những mẹ, chở xe máy đưa con tới trường. Sau yên xe, những đứa trẻ, vai đeo cặp xách to cộ, xoè tay bám eo người lớn, và cái xe cứ thế lao đi, luồn lách trên những con đường ngập ngụa người và khói xe.

Đưa con đến nơi tới chốn rồi, sau đó bố mẹ mới làm tới việc của mình: đi ăn một bát phở, một tô miến, một bát cháo, rồi sau thì đến cơ quan, cống hiến hoặc phung phí tám giờ hoặc vàng ngọc hoặc cám bã của ngày.

Trong bề bộn khói bụi và nỗi mệt nhọc nơi những cơn tắc đường, kẹt xe, người bố và người mẹ của thời hiện tại vẫn tận tụy sớm hôm đưa đón lũ trẻ tới lớp, về nhà, đi học thêm. Dẫu trời mưa cũng như trời nắng, đông cũng như hè, đường tắc cũng như thông, đi thảnh thơi hay phải phóng lên hè…

Trời rét buốt thịt da/ Ai cũng thành gấu bố/ Bầy gấu không nhường nhau/ Gấu nào cũng về trễ (Tác giả mô tả lại cuộc "hành quân" khổ ải mỗi ngày của những bậc phụ huynh trên con đường đưa con cái đi học và về nhà)

Bọn trẻ vẫn phải được đưa đến trường! Bởi chúng là tương lai, là cái neo của số phận. Và do đó, mẹ hoặc bố vẫn sẵn sàng lên đường! Trong hạnh phúc và trách nhiệm! Một nghìn lần!

Trong câu chuyện này, dù nhân vật là người bố, nhưng có Bố nào mà thiếu được mẹ! Vì thế, bố cũng là mẹ nữa! Vả lại, trong mắt của đứa con, ngày của bố cũng là ngày của mẹ!

Đây là một câu chuyện giản dị, nhưng nó xứng đáng được kể ra, bằng cách này hay cách khác.

Một câu chuyện hàm chứa nhiều tầng ẩn dụ, như mọi câu chuyện ngụ ngôn mà cha mẹ thường kể cho các con nghe. Mỗi người sẽ tìm thấy ở đây những tầng ý nghĩa riêng. Người tất tả kiếm đồng tiền vun vén cho gia đình thấy nỗi nhọc nhằn cay cay đọng nơi khóe mắt. Người khổ đau vì giao thông Việt Nam đương đại thấy tiếng thở dài khe khẽ. Người phụ nữ đã có gia đình thoáng giật thột thấy hình bóng người chồng mình hay bỏ quên. Người con gái còn son rỗi thấy một chút hiện thực.


Đặc biệt, triển lãm kể câu chuyện ngày thường của một người bố bằng một giọng thơ "tưng tửng", thuần khiết dưới ánh nhìn trẻ thơ. Cũng vì thế, những tiêu cực trong xã hội được mô tả giản đơn mà thấm thía. Nói về nạn mãi lộ, "đứa trẻ" kể: Ngồi ở đằng sau yên/ Trời ơi thằng Cu Tí/ Tròn hai mắt ngạc nhiên/ Bố sao mà danh giá/ Bố bình tĩnh kinh khủng/ Xời nhẹ như lông hồng/ Vậy là bố với chú/ Cùng nói chuyện đàn ông...

Hay vấn nạn rượu bia, "đứa trẻ" mô tả dung dị mà trúng phóc vấn đề của đàn ông thời đại: Bố cũng như bao người/ Thích uống bia chém gió/ Hoành tráng ở vỉa hè/ Thấy chân ngắn thì... NGÓ"

Triển lãm tranh thơ thú vị Một ngày của bố sẽ khai mạc cùng buổi lễ ra mắt cuốn sách tranh cùng tên vào ngày mai 6/8 và sẽ kéo dài tới 31/8/2013.

Cuối cùng để kết thúc bài viết, người viết xin mượn lời thơ của Giáo sư Ngô Bảo Châu cảm nhận về cuốn sách: “Ai hiểu cho lòng bố/ Mỗi chiều đón con về/ Người húc nhau ngoài phố/ Lòng bố dài lê thê”....

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm