06/04/2013 13:09 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm gồm 11 tranh được ghép từ những tấm phim chụp X-quang xin được từ các bệnh viện. Đó là những tấm phim X- quang về hộp sọ, xương sườn, răng, nội tạng… Khi được sắp đặt thành bức tranh và xếp trên khung kính, những bức tranh nhìn vào thấy sâu hun hút và gợi cảm giác lạ lùng.
Triển lãm “Nội Soi” của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm diễn ra từ 30/3 tới 13/4 tại Art Talk Café (12 Quán Sứ, Hà Nội).
1. Ý đồ của triển lãm khá rõ như lời giới thiệu về nó: “Từ chất liệu phim chụp X-quang, họa sĩ muốn gợi ra những suy nghĩ về bản chất của con người. Từ đó gợi ra bản chất của những mối tương quan qua lại, cũng như những ảnh hưởng, những xung đột giữa các cá thể trong sự tồn tại”.
Thế nhưng xem triển lãm, người ta vẫn bắt gặp những câu hỏi mông lung: “Bản chất con người”? “Những xung đột giữa các cá thể trong sự tồn tại”? Với chất liệu phim chụp X- quang, ảo tưởng về việc soi thấu bản chất của con người không phải không có tiền lệ. Còn nhớ, năm 1895, khi tia X (hay còn gọi là X-quang) được nhà khoa học Rontgen tìm thấy, cả thế giới đã xôn xao về một tia sáng có thể soi tỏ mọi thứ (kể cả suy nghĩ, tâm hồn và cảm xúc của con người). Tất nhiên, X- quang sau này không được như kỳ vọng. Song tấm ảnh bàn tay đeo nhẫn qua ảnh X- quang đầu tiên của Rontgen vẫn là biểu tượng cho lòng khát khao “nội soi” được hoàn toàn bản ngã của nhân loại.
Và chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, Doãn Hoàng Lâm lấy những tấm phim chụp X- quang ghép thành tranh để lặp lại ước vọng cả trăm năm xưa.
Bức tranh Mỹ nhân III |
Những chiếc răng sáng bóng, nhọn hoắt của đa số những nhân vật (và con vật) trong tranh X- quang đã giúp tác giả thể hiện điều này. Răng hiện lên khi nói cười, để làm duyên trên đôi môi choe choét son và để cắn người. Những chiếc răng “đa công dụng” thể hiện sự hoài nghi (có phần sợ hãi) trước xã hội hiện đại đa chiều của người cầm cọ.
Bên trong mỗi hình hài là những sự tính toán, mưu toan |
Đi kèm với răng nhọn là hình tượng cá xuất hiện nhiều trong những bức tranh X- quang. Thoạt nghe, có vẻ không liên quan, song tư duy “cá lớn nuốt cá bé”, “chân lý thuộc về kẻ mạnh” vẫn xuyên suốt với tư tưởng lo lắng về thế giới chênh vênh. Đến đây, chất liệu X- quang được tác giả sử dụng khá tốt. Đơn cử như bức tranh “Cá mập” được ghép từ phim chụp X-quang của những mảnh xương sườn và hàm răng. Nhìn con cá mập đen trũi, lầm lì bơi với những chiếc răng nham nhở ánh lên từ cái vẩy khiến người xem rùng mình. Nó lột tả những sự tính toán, nham hiểm bên trong mỗi hình hài của một thế giới đầy rẫy mưu toan...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất