Manchester City: Giấc mơ có thật?

18/07/2009 08:05 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH cuối tuần) -  Những ngày cuối thị trường chuyển nhượng mùa Hè năm ngoái, Man. City đã gây xôn xao Premier League khi đón nhận các ông chủ A-rập đầy ắp tiền bạc. Họ cuống cuồng mua sắm vào phút chót, chen vào giành giật Dimitar Berbatov với M.U và thành công khi nẫng tay trên Robinho tưởng như đã trên đường từ Real Madrid sang Chelsea. Người ta bắt đầu nói về Man. City như một quyền lực mới nổi, một “Chelsea version 2.0”. Nhưng cho dù đang là cái tên hoành tráng nhất mùa Hè năm nay ở Premier League (và chỉ kém Real Madrid trên cả châu Âu), viễn cảnh cho Man. City vẫn gợi lên nhiều tranh luận.

Đa số đang nhìn họ như một kẻ “trọc phú”, sẵn sàng tiêu tiền nhưng dường như không đúng chỗ. Những dẫn chứng cho quan điểm này là vụ theo đuổi Kaka một cách “nực cười” mùa Đông vừa qua hay nỗ lực giành giật John Terry hiện nay. Trong cả hai câu chuyện đình đám trên, Man. City đều đóng vai “phản diện”, bị cười nhạo là chỉ biết xướng lên những con số khổng lồ mà không cân nhắc khả năng thực tế. Thời điểm đó, Kaka không hề bày tỏ ý muốn rời AC Milan và đã từ chối thẳng thừng làm Man. City bẽ mặt. Chelsea cũng mới tuyên bố chắc nịch “không đời nào bán Terry” dù Man. City có trả bao nhiêu đi chăng nữa.
 
Carlos Tevez, sự bổ sung đội hình quan trọng của Mark Hughes
 
Không cần bàn nhiều đến Kaka vì giờ anh đã là người của Real Madrid và thương vụ thất bại của Man. City đã là quá khứ. Terry thì lại khác. Chưa có một cái lắc đầu quầy quậy từ đội trưởng đội tuyển Anh. Rất có thể, sự im lặng này là “chiêu” của Terry nhằm mục đích buộc Roman Abramovich phải tăng lương cho anh. Hai năm trước, chuyện lương bổng và thời hạn hợp đồng từng gây rắc rối cho việc đàm phán gia hạn giữa Chelsea và Terry (Terry đòi hợp đồng 10 năm kèm điều khoản lúc nào anh cũng là cầu thủ hưởng lương cao nhất ở Stamford Bridge song rốt cuộc, Terry phải ngậm ngùi với hợp đồng năm năm và mức lương khoảng 130.000 bảng/tuần trong khi mùa Hè năm ngoái, Frank Lampard sau khi gia hạn hợp đồng đã nhận mức lương cao nhất hiện nay là 150.000 bảng/tuần). Nhưng trong khi “Mr Chelsea” bị nghi ngờ vì lòng trung thành, có một nhận xét của Mark Hughes đáng ngẫm nghĩ trong lần đầu tiên HLV này mở miệng về vụ Terry: “Từ kinh nghiệm cầu thủ của mình, tôi cho rằng Terry đã nhàm chán sau nhiều năm chơi cho một đội bóng. Cậu ta cần một viễn cảnh mới, một môi trường mới mà Man City. là thích hợp”.
 
Viễn cảnh đó là gì? Là mùa giải tới không có mặt ở sân chơi châu Âu, không được cọ xát ở đẳng cấp cao nhất trong khi mùa Hè sẽ là World Cup 2010. Có lẽ Fabio Capello cũng phải lo lắng nếu đội trưởng “Tam sư” chỉ quanh quẩn “xó nhà”, ra sân mỗi cuối tuần ở Premier League và thi thoảng thêm chút Cúp FA hay Cúp Liên đoàn. Nhưng đó là sự nghiệp của Terry. Còn “đại nghiệp” của Man. City thì sao?
 
Mạnh trên lý thuyết
 
Không thể phủ nhận, nếu có Terry, Man City sẽ có một mùa Hè thành công khi tăng cường được đáng kể sức mạnh ở cả ba tuyến. Hàng tiền vệ đã được bổ sung Gareth Barry. Hàng tiền đạo thì đang “khủng hoảng thừa” sau khi mua xong Santa Cruz, Carlos Tevez và sắp có Emmanuel Adebayor. Trên lý thuyết và những con số chuyển nhượng, đội hình Man City áp đảo nhóm thách thức với Aston Villa, Everton..., thậm chí có thể coi là chẳng thua kém bao nhiêu so với “tứ đại gia”, nhất là khi họ lại rút ruột được không ít cầu thủ từ chính nhóm tinh anh này. Dưới thời Hughes, Man. City đã chi gần 200 triệu bảng cho chuyển nhượng và sẽ là không công bằng nếu coi đấy là cuộc lãng phí xa hoa.
 
Thử lập một đội hình chính của Man City mùa giải tới với sơ đồ 4-2-3-1: Shay Given - Micah Richards, Nedum Onuoha, Richard Dunne, Wayne Bridge - Nigel de Jong, Barry - Stephen Ireland, Robinho, Tevez - Adebayor. Đáng gờm đấy chứ! (chưa kể khả năng thêm Terry dù cơ hội cho Man. City trong vụ này bị coi là quá mong manh). Trong khi đó, “tứ đại gia” dường như không có sự bổ sung mạnh mẽ nào. M.U mất Cristiano Ronaldo và Tevez, thay vào đó bằng “bệnh binh” Michael Owen cùng hai gương mặt non nớt kinh nghiệm là Antonio Valencia và Gabriel Obertan. Sir Alex Ferguson cũng đã tuyên bố “khóa sổ”, không mua thêm ai nữa. Chelsea ngoài Zhirkov cũng không có động thái mạnh nào dù bắt đầu một triều đại mới của Carlo Ancelotti. Liverpool đang lo giữ chân Javier Mascherano sau khi Xabi Alonso đã tuyên bố muốn ra đi. Arsenal thì vẫn kiểu “con nhà nghèo” quen thuộc. Phải chăng, đây là cơ hội tốt nhất cho Man City phá vỡ trật tự “tứ đại gia” của Premier League?
 
Hiện thực
 
Nhưng hãy nhìn vào thực tế. Các “món hàng” quan trọng mà Man. City mua trong mùa Hè này không lấp lánh như những con số khổng lồ họ bỏ ra. Barry có thể từng là mục tiêu theo đuổi của Liverpool thật đấy nhưng mùa giải qua, tiền vệ này đã thể hiện sự sa sút phong độ và đó là lý do tại sao Anfield ngãng ra. Tevez luôn hừng hực khí thế và hết mình trên sân thật đấy nhưng khi một HLV dày dạn kinh nghiệm như Sir Alex cho rằng anh chưa xứng đáng với vị trí chính thức ở Old Trafford thì cũng ít người nghi ngờ điều đó. Adebayor đang trở thành nhân tố rắc rối tại Arsenal và cũng như Tevez, trường hợp này Man. City giống như “rước nợ” hộ các đối thủ.
 
John Terry, mục tiêu mà Man.City muốn chinh phục bằng mọi giá
 
Và có một sự mất cân xứng trong chính sách chuyển nhượng của Hughes. Trong khi tiền đạo dư thừa thì tiền vệ lại khá mỏng, đặc biệt là vị trí tiền vệ phòng ngự. Barry có thể đảm đương vai trò này, song thực chất anh cũng không phải là mẫu bẩm sinh cho vị trí đó như Mascherano ở Liverpool hay Michael Essien ở Chelsea. Vài mùa giải gần đây đã chứng minh thiếu một tiền vệ phòng ngự tốt, đội bóng dễ rơi vào tình trạng thất thường và chơi dưới phong độ (như Arsenal). Một ngoại lệ duy nhất là M.U khi vai trò này là của Owen Hargreaves, người thường xuyên bị chấn thương. Nhưng Michael Carrick đã làm khá tròn vai và M.U còn có một Ronaldo xóa lấp mọi khiếm khuyết!
 
Thêm một lý do quan trọng khác là HLV. Hughes đầy tiềm năng trở thành một ông thầy đáng kính trọng ở Premier League song chưa phải lúc này. Và những vấn đề với Hughes càng nặng nề trong mùa giải tới khi phòng thay đồ hứa hẹn sẽ nhiệt náo bởi đầy ắp những “tính cách” như Bellamy, Adebayor, Tevez…Mùa Hè năm ngoái, Man. City gần như là một đội bóng mới hoàn toàn và “thợ hàn” Hughes dù khá thành công trong thời gian đầu, càng về sau họ càng lộ rõ sự rời rạc. Đó chỉ là một tập hợp 11 cầu thủ trên sân chứ chưa phải là một đội bóng đúng nghĩa. Giờ thì Hughes sẽ lại phải làm một cuộc lắp ráp mới mà chắc chắn nó cần nhiều thời gian cũng như nỗ lực của không chỉ ông mà cả các cầu thủ để có được một phong cách, một thương hiệu Man. City.
 
Tiền bạc mua được thành công. Chelsea đã chứng minh điều đó ở Premier League bằng túi tiền của Roman Abramovich. Nhưng hãy nhìn lại. Đó là kết quả tổng hợp của một Jose Mourinho “đặc biệt”, của sự xuất hiện một loạt ngôi sao đẳng cấp như Cech, Drogba, Mikel, Essien..., của độ “chín” từ những tài năng bóng đá Anh như Terry, Lampard, Cole. Trong khi đó, Man. City chưa thuyết phục được một tên tuổi lớn thực sự nào đến với mình.
 
Thực ra, trật tự “tứ đại gia” ở Premier League không phải là khái niệm vĩnh viễn. Everton đã từng phá vỡ nó năm 2005. Và năm ngoái, Aston Villa cũng nhiều lần làm Arsenal phải thót tim. Song về cơ bản, sức mạnh của nhóm tinh anh này vẫn lấn lướt tất cả mà không thể chỉ so sánh qua những cái tên trong đội hình (Arsenal đã chứng tỏ vài năm qua vẫn giữ chắc vé Champions League bằng các cầu thủ trẻ). Trong một cuộc đua dài như Premier League, yếu tố đẳng cấp và sự ổn định vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Đó là những thứ mà Man. City dù nhiều tiền đến mấy cũng không mua ngay được.
 
Hãy nhớ lại Tottenham từng được đánh giá cao ra sao trong mùa Hè 2007 rồi mùa Hè năm ngoái sau những cuộc mua sắm cũng tưng bừng. Hãy nhớ lại Newcastle một thời ganh đua ngôi vô địch giờ đang “chết mòn”. Giấc mơ của Man. City là có thật. Nhưng để đi đến hiện thực đó, con đường phía trước còn rất dài và gian nan dù đang được trải bằng những tờ séc…
 
Trung Sơn (Hong Kong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm