Man City cần thời gian để theo kịp tư duy của Guardiola

20/03/2017 05:39 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thứ triết lý về các khu vực chiến thuật trên sân bóng của Pep Guardiola - juego de posicion - đòi hỏi thời gian mới thích nghi được. Trong khi Barcelona và Bayern Munich đã có sẵn những nền tảng, Man City nói chung bắt đầu từ con số không.

Không đủ kiên nhẫn

Mốt thời thượng của bóng đá đỉnh cao hiện đại là sa thải HLV ngay dấu hiệu bất ổn đầu tiên. Không ai được cho thời gian để xây dựng hay học hỏi từ sai lầm. Chuyển sang một đất nước khác, dẫn dắt một đội bóng khác, cố gắng thích nghi với một môi trường khác và nếu bạn không có ngay danh hiệu trong 6 tháng đầu tiên, bạn là một thất bại.

Guardiola có hành động ĐẶC BIỆT với Klopp vì căm phẫn trọng tài

Guardiola có hành động ĐẶC BIỆT với Klopp vì căm phẫn trọng tài

Hiệp 1 trận đấu giữa Man City và Liverpool không chứng kiến bàn thắng nào được ghi nhưng lại vô cùng nổi bật với những màn giao tiếp lạ lẫm của 2 HLV trưởng trên đường biên.

Việc Steve McClaren bị Derby sa thải tuần trước đánh dấu 1/4 các CLB chuyên nghiệp ở Anh đã thay HLV trong 100 ngày qua. Gần như ngay sau đó, hôm thứ Năm, Aitor Karanka cũng phải khăn gói rời Middlesbrough. Mức độ và tốc độ các HLV bị sa thải thật đáng ngại.

Cho HLV thôi việc có những hậu quả kinh tế của nó, và làm chệch hướng chiến lược trong dài hạn của đội bóng. Nhưng vấn đề còn có tính chất chuyên môn thuần túy, về chiến thuật và nhân sự. Tư duy ngắn hạn dẫn tới thứ bóng đá đơn giản nhắm vào kết quả và bảo thủ để không thua. Những HLV biết rõ lúc nào thanh gươm Damocles cũng lơ lửng trên đầu sẽ không chấp nhận rủi ro chiến thuật, không tạo điều kiện cho người trẻ và tìm cách áp đặt những hệ thống mang lại chiến thắng chắc chắn hơn. Mọi thứ sẽ bị đơn giản hóa, và không ai nhìn xa hơn trận đấu tiếp theo.

Tư duy của Pep

Dự án của Guardiola, triết lý bóng đá cơ bản của ông thì phức tạp hơn. Ông thích gọi triết lý bóng đá của mình là juego de posicion và để triển khai triết lý đó, ông chia sân bóng thành 20 phần. Các đường thẳng đánh dấu khu cấm địa được kéo dài ra tới hết sân, trong khi các đường dọc đánh dấu khu vực 5m50 được kéo sang tới khu vực 16m50 ở phần sân bên kia. Những vùng gần đường biên dọc nhất sau đó lại được chia đôi.

Ý tưởng là các cầu thủ chơi ở từng vị trí tương hợp với khu vực chiến thuật đã vạch sẵn. Nhưng đó mới là bắt đầu: Lý tưởng thì các cầu thủ phải đủ cơ động để che phủ nhiều hơn là một vùng chiến thuật, để sự hoán đổi vị trí diễn ra thật trơn tru khắp mặt sân, đồng thời duy trì một cấu trúc luôn tạo cơ hội để cả đội có những lựa chọn chuyền bóng thích đáng và duy trì một cự ly phòng ngự có thể phản ứng hiệu quả khi mất bóng cũng như để chống phản công.

Tình huống hài giữa Klopp và Guardiola


Ở mức độ đơn giản nhất, việc phân chia khu vực này đồng nghĩa không hàng ngang nào có nhiều hơn 3 cầu thủ và không trục dọc nào nhiều hơn 2 người: Nếu một cầu thủ di chuyển vào khu vực khiến cho có 4 người theo hàng ngang, thì 1 trong 3 người đã có mặt ở đó phải tự động di chuyển. Điều đó đồng nghĩa người có bóng luôn có 2-3 lựa chọn để chuyền bóng và giữ bóng, trên khắp mặt sân. Tất cả hệ thống cũng là lời giải thích tại sao các đội bóng của Guardiola thường cầm bóng nhiều như thế.

Khi không ở trong tình huống tìm kiếm bàn thắng, việc chuyền bóng sẽ làm sao để cả đội tạo dựng được cấu trúc thích hợp - tức cấu trúc không chỉ sẵn sàng cho lên bóng, mà cả cho việc chống phản công và gây sức ép khi mất bóng - rồi mới tính tới chuyện tấn công. Guardiola từng nói phải mất 15 đường chuyền thì cấu trúc đó mới được định hình. Nói cách khác, tấn công và phòng ngự ở các đội bóng của Pep không phải là những nhiệm vụ tách rời, mà có liên hệ trực tiếp, hữu cơ với nhau.

“Quý vị có biết bằng cách nào Barcelona giành lại bóng nhanh như thế không?”, Johan Cruyff từng hỏi khi Guardiola còn làm HLV ở Camp Nou. “Là vì họ không phải chạy về đuổi theo bóng quá 10 mét và không bao giờ chuyền bóng quá 10 mét”. Triển khai ý tưởng đó trên thực tế là không dễ dàng. Trong khi những nhân tố cơ bản như một tiền vệ trụ lùi về giữa 2 trung vệ, 2 hậu vệ cánh dâng cao và bó vào trong, 2 tiền vệ cánh dạt ra bám biên… là khả thi về mặt lý thuyết, diễn giải và tìm đúng người là chuyện hoàn toàn khác.


Ở Barcelona, Guardiola có trong tay những cầu thủ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho triết lý đó suốt từ La Masia. Bayern Munich thì bao gồm nhiều người do chính tay Guardiola mang về, và cũng đã sẵn sàng bởi trước đó họ chơi theo một biến thể của triết lý tương tự - từ Louis van Gaal.

Tại Etihad, HLV người Catalonia phải bắt đầu gần như từ số không, và sẽ không ai ngạc nhiên nếu có một cuộc cách mạng nhân sự mùa Hè sắp tới. Kể từ thất bại dưới tay Everton, đã xuất hiện những dấu hiệu hứa hẹn, điều phần nào giải thích lý do Guardiola lại nổi đóa với các cầu thủ khi họ tỏ ra thiếu cố gắng trong hiệp 1 trận đấu ở Monaco. Ông đã nói thẳng rằng việc bị loại khỏi Champions League không phải là bởi sai lầm cá nhân hay chiến thuật, mà là thái độ.

Thành công ngay lập tức của Antonio Conte ở Chelsea càng gây thêm sức ép với những tân HLV Premier League mùa này, nhưng với Guardiola, và cả đối thủ của ông Klopp, các dự án của họ vẫn còn dang dở, và họ xứng đáng có thêm thời gian.

Trần Trọng (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm