Mãi mãi Azzurri...

01/07/2012 18:32 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH Online)- Tôi bắt đầu biết đến bóng đá từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Một cậu bé mấy tuổi còn quá nhỏ để hiểu về bóng đá, những ký ức còn lại của ngày đó chỉ là một cái sân của một nhà hàng xóm trong thôn rất đông người ngồi xem một cái tivi bé tẹo 9 inch. Trong cái tivi đen trắng đó là hình ảnh của mấy người chạy và đá một quả bóng tròn tròn và thi thoảng thì người lớn xung quanh tôi lại reo ầm lên, khi đó thì những người trong tivi lại đang ôm nhau… đấy là những gì còn đọng lại trong tôi ở bóng đá, ở một giải đấu lớn của thế giới mà đến nay tôi có thể hình dung đó là EURO 1984 và đó là trận Chung kết giữa đội tuyển Pháp của Platini và đội tuyển Tây Ban Nha.

Rồi đến World Cup 1986 ở Mexico tôi đã bắt đầu biết nhiều hơn về bóng đá với biểu tượng cậu bé đội mũ rộng vành đã khiến tôi thức trắng nhiều đêm. Ngày đó tôi bắt đầu biết đến các đội bóng. Đội bóng thần tượng của tôi cũng như bao đứa trẻ cùng lứa hàng xóm khác là đội tuyển đã 3 lần vô địch thế giới, lúc bấy giờ là Brazil với những cầu thủ giàu kỹ thuật luôn thi đấu như biểu diễn trên sân… Trận đấu để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất chính là trận Tứ kết giữa đội tuyển Brazil và đội tuyển Pháp. Tôi đã khóc nức nở khi cú sút luân lưu cuối cùng của đội tuyển Pháp đập vào cột dọc ra ngoài nhưng bóng lại đập vào người thủ môn đi vào lưới khiến đội bóng của tôi bị loại. Sau khi đội tuyển Brazil về nước thì đội bóng tôi yêu còn lại của giải đấu đó chính là đội bóng của “Cậu bé vàng” Maradona bằng những pha xử lý xuất thần đã đánh bại “Cỗ xe tăng” Đức trong trận Chung kết. Đó là những gì tôi biết và cũng là những gì tôi thích bóng đá từ cách nhìn của một cậu bé nơi quê nghèo. 

Thế rồi mọi thứ đã thay đổi trong tôi khi bài hát “Mùa hè nước Ý” được cất lên. Thật không biết nói thế nào để tả hết những cảm xúc của tôi mỗi khi bài hát đó được cất lên bất kể ở đâu và khi nào, trên tivi hay trên loa đài công cộng. Trước đó tôi chưa hề biết gì về nước Ý ngoài một chút sơ sơ về một đội bóng cũng đã 3 lần vô địch thế giới bằng một lối chơi phòng ngự phản công sắc sảo qua cách nói của cha tôi, nhưng chừng đó là chưa đủ để tôi dành cho đội bóng đó một tình cảm đặc biệt cho đến ngày những giai điệu bài hát “Mùa hè Italia” bất hủ được cất lên. Ngày đó tôi chưa hiểu và cũng chưa có khái niệm của 2 từ “LÃNG MẠN”, nhưng thực sự giai điệu đó đã khiến tôi yêu đội tuyển Ý, yêu con người Ý và yêu nước Ý!!



Họ vẫn là một trong những đội tuyển được hâm mộ nhất thế giới - Ảnh: Getty

Đó là cách nhìn của tôi về bóng đá khi trong tôi bắt đầu có cái nhìn đa chiều hơn về bóng đá. Bóng đá không chỉ chơi bằng đôi chân và sự ngẫu hứng, cũng không chỉ chơi dựa vào sự lạnh lùng vô cảm, và càng không thể chơi theo cách đầy thể lực, cơ bắp mà bóng đá phải biết chơi bằng tư duy, bằng cái đầu…, chính  người Ý đã chỉ cho tôi biết điều đó. Kể từ ngày đó cho tới nay, tình yêu tôi dành cho đội tuyển Ý không hề thay đổi mặc dù đội bóng cũng đã phải trải qua bao biến cố trong hơn 20 năm qua. Thành công có, thất bại cũng có. Chính những yếu tố đó là chất xúc tác khiến cho những người yêu họ không thể xa rời họ, bởi vì sẽ không có một đội tuyển nào trên thế giới mang lại cho bạn đầy đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố xuyên suốt từ lịch sử cho tới từng trận đấu, tiếp đến là những khoảnh khắc trong một trận đấu… Có lẽ chính những điều đó là sự lãng mạn của người Ý dành cho người yêu mến họ.

Trên đây là tình yêu tôi dành cho đội tuyển Ý nhưng với tôi mọi thứ phải công bằng, tôi không thích nhìn mọi thứ theo một chiều vì vậy tôi phải nhìn rộng hơn, xa hơn ra xung quanh thế giới bóng đá và nhìn sang các đội bóng lớn khác của thế giới mà họ cũng có rất  nhiều người hâm mộ. Ví dụ như đội tuyển Brazil của tôi thủa nhỏ, đội tuyển Argentina   đầy cá tính, gần hơn ngay trên lục địa già là những ông kẹ của bóng đá thế giới, đó là đội tuyển Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và một thế lực lớn của bóng đá hiện đại là đội tuyển Tây Ban Nha.

Hiện nay đội tuyển Tây Ban Nha được xem là đội tuyển số 1 thế giới và điều đó đã được khẳng định trong 3 giải đấu lớn gần đây tính cả giải này. Cả thế giới phải ngả mũ trước những màn trình diễn thuyết phục của họ trong 2 lần họ bước lên ngôi vương vừa qua. Tôi cũng nằm trong số những người đó đơn giản vì tôi thích sự công bằng, tôi thích lối đá mềm mại và kỹ thuật siêu việt của các cầu thủ Tây Ban Nha. Họ đã mê hoặc các fan khó tính nhất trong làng túc cầu thế giới. Chúng ta hãy nhìn xa hơn về quá khứ, về những giải đấu mà đội tuyển TBN luôn góp mặt với hành trình vượt qua vòng loại một cách thuyết phục, với một lối chơi La-tinh đẹp mắt nhất châu Âu và những cầu thủ ngôi sao mà tên tuổi của họ không hề thua kém đội hình hiện tại. Tôi nhớ như in ánh mắt vô vọng của người thủ lĩnh Fernando Hierro của đội tuyển TBN trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng World Cup 1998 khi mà đội tuyển của anh đã ghi nửa tá bàn thắng vào lưới đối thủ nhưng vẫn phải dừng bước ở vòng bảng vì những sai lầm của thủ môn trong trận đấu đầu tiên với đội bóng đến từ lục địa đen Nigeria khiến cho chiến thắng đó của TBN cũng trở nên vô nghĩa.

Kể từ sau giải đó tôi luôn mong và ủng hộ cho người TBN vượt qua được cái danh “ông vua vòng loại” để đạt được một kết quả tốt trong một giải đấu lớn nào đó và rồi họ đã thành công và bước ngoặt chính là trận Tứ kết EURO 2008 với đội tuyển Ý. Khi đó tôi có buồn nhưng cũng phải thừa nhận giải đó đội Ý chơi không tốt như tôi kỳ vọng khi thua tan nát trước Hà Lan ở vòng bảng. Người TBN đã gặt hái những thành công xứng đáng với những gì họ đã làm cho đến trước trận Tứ kết của giải này theo cách nhìn của tôi.

Hãy nhìn lại một chút về lịch sử

Lịch sử gắn liền với tuyển Ý là cách chơi phòng ngự nhưng lịch sử cũng nói lên rằng đội tuyển Ý là đội tuyển luôn góp mặt trong các trận cầu hay nhất từ trước đến nay mà cụ thể là trận đấu Bán kết World Cup 1970 với Đức, chung kết World Cup 1994 với tuyển Brazil và rất nhiều những trận đấu khác nữa. Cách chơi phòng ngự của tuyển Ý qua bất kỳ thời đại nào cũng luôn tạo cho người xem một sự hồi hộp và căng thẳng đầy cảm xúc, còn gì thú vị bằng khi chúng ta xem một trận đấu đối lập giữa hai trường phái tấn công và phòng thủ, khi 2 đội mang hết những gì tinh hoa nhất để cống hiến cho người xem những giây phút nghẹt thở… Chắc nhiều người còn nhớ trận đấu giữa 2 nền bóng đá trái ngược nhau trong trận Bán kết EURO 2000 giữa Hà Lan và Ý. Đó là điển hình về lối đá tấn công và lối đá phòng thủ nhưng rõ ràng trận đấu đó vẫn là một trận đấu tuyệt hay. Tuyển Ý có thể co mình về như một chiếc lò xo bị nén một cách hết cỡ rồi bất ngờ khi lực nén của đối phương mất đi thì chiếc lò xo bung ra để kết liễu đối thủ.



Họ tiếp tục có cơ hội lớn để vô địch EURO 2012 - Ảnh: Getty

Quay lại hiện tại thì ở giải này người Ý lại tạo cho chúng ta một bất ngờ thú vị nữa. Đó là lối đá tấn công cũng khá đẹp mắt khi cần, họ đã biết thích nghi với từng trận đấu, từng hoàn cảnh một cách rất khoa học, chỉ có điều hiện nay họ thiếu 1 sát thủ thực thụ để sớm kết liễu đối thủ mà thôi. Rất may cho họ là sau khi anh chàng ngỗ ngược Baloteli đã nổ súng ở trận đấu với đội tuyển Đức thì điều đó không còn là vấn đề quá lớn với người Ý nữa rồi.

Còn TBN họ có gì khác? Đó chính là một lối chơi đánh mất bản sắc của chính mình, một lối chơi vẫn được gọi là tiqui-taca nhưng giờ đây nó đã biến thể theo chiều hướng cực đoan. Nó đã đi ngược với bản sắc của đội bóng này trong khi đội hình của họ sở hữu dàn cầu thủ tên tuổi và chất lượng nhất nhì giải đấu.

Nhiều người vẫn nói bóng đá Ý là thực dụng và bóng đá TBN là đẹp… Nhưng theo tôi thì hoàn toàn chưa đúng và minh chứng rõ nhất là giải này. Chúng ta hãy nhìn lại hành trình của 2 đội sau 5 trận đã qua. Càng không thể nói người TBN làm vậy để miễn sao đạt được cái đích của mình vì một sự thật rất đơn giản người Ý cũng đang đợi họ tại Kiev vào ngày 1 tháng Bảy đó thôi.

Và điều cuối cùng là tôi muốn thấy sự công bằng!

Đức Huy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm