Mạc Ngôn: Phụ nữ khôi phục mọi thứ mà đàn ông đã phá hủy

20/09/2013 11:24 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Mạc Ngôn đang ở Đài Loan (Trung Quốc) để quảng bá cho cuốn sách mới của ông, Đại lễ (Grand Ceremony).

Cuốn sách này gồm những bài viết ghi lại hành trình của ông tới Thụy Điển nhận giải Nobel Văn học năm 2012, các bài diễn thuyết, phỏng vấn, những dòng ghi chép hàng ngày của ông và hơn 60 bức ảnh, gồm nhiều hình ảnh chưa hề xuất bản.  

Đây là chuyến đi đầu tiên của Mạc Ngôn tới Đài Loan sau khi ông đoạt giải Nobel Văn học hồi năm ngoái. Nhân dịp này, ông có cuộc trò chuyện với báo giới.

* Các truyền thống văn học khác nhau đã ảnh hưởng tới phong cách viết của ông như thế nào?

- Mỗi nhà văn ở Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng của truyền thống văn học đất nước và văn học phương Tây. Đối với văn học Trung Hoa, các nhà văn thường bị ảnh hưởng theo hai hướng, bởi những bài thơ đời Đường và các tiểu thuyết ra đời trong đời Minh và Thanh hoặc từ các câu chuyện dân gian. Trong trường hợp của tôi, các câu chuyện dân gian có tác động lớn hơn tới phong cách viết.

Nhà văn Mạc Ngôn trong một buổi nói chuyện tại Đài Loan.

* Trong bài phát biểu khi nhận giải Nobel Văn học, ông nhắc rất nhiều tới mẹ mình. Ông nói rằng, sau khi mẹ qua đời, ông kiệt sức vì đau buồn và quyết định viết cuốn tiểu thuyết tôn vinh mẹ, Phong nhũ phì đồn (1997). Tại sao ông lại nói những người mẹ là “vị cứu tinh cuối cùng” và “giàu lòng trắc ẩn”?

- Yếu tố khiến người phụ nữ trở nên vĩ đại, đó là thiên chức làm mẹ. Sức mạnh của người mẹ có thể “dời non, lấp bể” và không gì có thể ngăn trở được. Nhân vật mẹ trong tiểu thuyết Phong nhũ phì đồn đã vượt qua giới hạn của mọi giai cấp và những cách mô tả về hình ảnh người mẹ trong các tiểu thuyết ra đời từ nhiều thập kỷ trước đó.

Các cuốn tiểu thuyết được xuất bản sau năm 1949 đã nhấn mạnh quá mức tới khía cạnh chính trị và nền tảng xã hội của con người. Chúng đã làm méo mó và lờ hẳn đi sự mô tả về bản tính con người. Phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong các tác phẩm của tôi. Qua trải nghiệm, tôi biết được rằng, khi gặp khó khăn hoặc khi tâm trí bạn đang rối bời, thì phụ nữ sẽ là nguồn an ủi bạn. Phụ nữ khôi phục mọi thứ mà đàn ông đã phá hủy.

Nhân vật mẹ trong tiểu thuyết Phong nhũ phì đồn (tựa Việt là “Báu vật của đời”) đã vượt qua giới hạn của mọi giai cấp.

* Ông bắt đầu viết văn trong những năm 1980. Giờ đây, khi nhìn lại, ông nghĩ gì về kỷ nguyên đó và những điều kiện văn hóa thời điểm ấy?

- Thập kỷ 1980 là kỷ nguyên vàng của văn học Trung Hoa. Tôi rất nhớ thời kỳ đó. Đây là thời rất nhiều đề tài bị cấm kỵ và điều đó đã thách thức các nhà văn. Sự phấn khích của họ đã kích thích tính sáng tạo và trí tưởng tượng.

Song tôi không nói rằng những đề tài cấm kỵ đó là yếu tố giúp tạo ra nhiều tác phẩm văn học hay. Tôi chỉ muốn cho bạn thấy một bức tranh thực về thời kỳ đó.

* Trong tiểu thuyết mới của ông, Frog (Ếch), ông chỉ trích chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc. Giờ đây, nhiều nơi ở Đại lục, nhiều gia đình có 1 con đang được phép sinh thêm. Ông nghĩ sao về sự thay đổi này?

- Khi tôi bắt đầu viết tiểu thuyết, tôi không có ý định chỉ trích chính sách kế hoạch hóa gia đình, mà mô tả nhân vật Aunty. Trung Quốc đã áp dụng chính sách này hơn 30 năm. Thực tế, nhiều gia đình nông thôn vẫn được phép có con thứ 2. Khi đứa đầu là con gái, các gia đình có thể có đứa con thứ 2 sau 8 năm.  Đương nhiên, có nhiều sự thay đổi trong quá trình thực hiện chính sách. 

Mỗi nhà văn có quyền tự do để quyết định nên viết gì và đề tài nào là sở trường của họ. Nhiều người có sở trường viết về tình yêu. Họ có thể viết nhiều tiểu thuyết lãng mạn hay mà không gắn kết với những vấn đề xã hội. Nhiều nhà văn lại có sở trường viết về đề tài lịch sử. Hay những người giàu trí tưởng tượng có thể viết truyện khoa học viễn tưởng. Tôi nghĩ các tác phẩm của họ cũng có giá trị cao. Tất nhiên, chúng ta vẫn muốn các nhà văn chú tâm tới những vấn đề quan trọng và nhạy cảm.

* Xin cảm ơn ông.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm