14/07/2011 13:37 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Tháng 3/2011, “nhà văn trẻ” Mạc Can trở về Sài Gòn sau gần 2 năm sống ở Mỹ để lấy cảm hứng viết cuốn sách dạng hồi ký mang tên Nhớ (NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ ấn hành). Gần đây, Mạc Can vừa học xong lớp đối tượng Đảng do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM tổ chức. Như vậy, nếu mọi sự thuận lợi, Mạc Can sẽ trở thành đảng viên trẻ trong tương lai.
Mạc Can “vô sản”…
Ngày 30/6 vừa qua, báo Văn nghệ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu dành cho các học viên lớp đối tượng Đảng. Các học viên này đều thuộc thành phần văn nghệ sĩ, như: Hoài An (diễn viên), Nhật Minh (nhà thơ, nhạc sĩ), Ngọc Tâm (biên kịch), Hằng Nga (chuyên viên hóa trang), Phan Hoài Đức (chủ nhiệm phim) và Bùi Đình Lâm Thao (Trưởng phòng trị sự báo Văn nghệ TP.HCM, cháu nhà thơ Quang Dũng).
Mạc Can - nghệ sĩ xiếc, một “nhà văn trẻ”, một nhà báo “không thẻ”, sinh năm 1945, là học viên lớp này. Tin Mạc Can học lớp đối tượng Đảng cũng là chuyện gây chú ý đối với những ai yêu mến ông - một nghệ sĩ cả đời lang bạt.
Mạc Can trong một lần trà đá sau khi từ Mỹ về (ảnh: H.Nhân)
Tại buổi giao lưu nêu trên, Mạc Can tâm sự về lý do ông đi học lớp đối tượng Đảng: “Cả ông, cả cha, cả tôi đều rong ruổi với nghề xiếc hài ảo thuật, cơm thì có ăn nhưng tinh thần thì tự động viên, lẽ sống tự vạch ra. Nên khi được lời mở của đồng chí Bá Lộc - Phó Bí thư Chi hội Đảng bộ Hội Điện ảnh TP.HCM bảo tôi nên vào Đảng, tôi đồng ý ngay...”.
Ở tuổi gần 70, Mạc Can cũng gần như “vô sản”. Ông không nhà, không nhiều tài sản tích lũy ngoại trừ cái danh xưng Mạc Can nổi tiếng và chừng 15 tập truyện ngắn, truyện dài. Hôm biết ông ở Mỹ mới về, tôi mời ông cà phê, trà đá. Vẫn Mạc Can với gương mặt thân quen như ngày nào nhưng trĩu nặng ưu tư. Ông hỏi tôi có biết chỗ nào để ông tá túc một thời gian không, vì hiện không biết ở đâu. Bỗng dưng thấy thật thương Mạc Can, cả đời làm nghệ sĩ, mang niềm vui đến cho bao người, giờ về già lại cô đơn.
Tại buổi giao lưu hôm 30/6, trước câu hỏi: “Nghệ sĩ - những người làm công tác sáng tạo - thường rất tự do, ít khi chịu “quản lý” hoặc thuộc về một tổ chức nào đó... Vậy, liệu Mạc Can có thấy mình bị “ràng buộc” nếu sắp tới được kết nạp vào Đảng?” Nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can phát biểu: “Nói tới “ràng buộc” là nói tới “tự do”, nghệ sĩ - những người làm công tác sáng tạo - thường rất tự do, nhưng tự do là tự do thế nào? Tự do làm sao? Tự do cũng phải trong khuôn khổ luật pháp Nhà nước cho phép chớ, đâu phải muốn làm gì thì làm...”.
Không đâu nghĩa tình bằng quê hương
Nhớ - tác phẩm mới nhất của
Nhà văn Nguyễn Đông Thức “quảng cáo” về cuốn sách Nhớ của Mạc Can: “Rất nhiều kỷ niệm trong Nhớ”. Thật vậy, Mạc Can nhớ quá nhiều, nhất là những chuyện gắn với cuộc đời diễn viên lưu lạc của ông. Trong vòng một tháng Mạc Can viết xong cuốn Nhớ, càng viết càng nhớ quê, nỗi nhớ như dồn nén, nên ông quyết định bỏ Mỹ về liền.
Mạc Can, được viết như hồi ký
Tôi gặp Mạc Can ngay sau ngày ông vừa về Sài Gòn. Để chứng minh mình ở Mỹ mới về, Mạc Can tặng tôi một đồng xu “1 xen”. Ông nói tiền này ở Mỹ dùng để cho vào máy giặt quần áo. Còn “1 xen” ông tặng tôi để... cạo gió. Tính Mạc Can vẫn luôn hài hước như vậy.
Mạc Can bây giờ đi xe Honda mới cáu thay cho chiếc xe cũ mèm khi xưa. Ông vẫn khoái món trà đá, tuy nhiên không hút thuốc điếu đầu lọc nữa mà hút tẩu. Hỏi sao ông lặng lẽ đi Mỹ gần hai năm rồi lại thinh lặng trở về. Mạc Can nói: “Lúc đầu tui định qua Mỹ ở khoảng 3 năm nhằm tìm kiếm cảm xúc mới để viết. Tính tôi thích xê dịch, ngày xưa diễn hài trên sông đi đó đi đây đã quen, giờ có viết lách chút chút cũng khoái đi. Nhưng ở chỉ gần 2 năm, buồn quá, nhớ Sài Gòn quá nên về”.
Thời gian ở Mỹ đã giúp Mạc Can sống lại với bao kỷ niệm. Ông nhớ về nghề diễn của mình, như một đoạn phim quay chậm: “Hồi nhỏ tui đã làm hề. Vì tui nhỏ xíu nên có người kêu bằng “thằng hề”. Tới tuổi thanh niên tui cũng làm hề. Khán giả gọi là “anh hề”. Bây giờ ở tuổi ông ngoại tui cũng hài hước, bà con cô bác kêu tui bằng “ông hề”. Tui khoái làm cái gì cho người ta vui cười, diễn cũng vậy mà viết cũng vậy. Cái sự buồn khó chịu lắm, không nên buồn”.
Mạc Can có con với một người phụ nữ Nhật. Chính bà người Nhật này đã giúp Mạc Can sang Mỹ. Tuy nhiên, ở xứ lạ quê người không hề đơn giản, nhất là chuyện mưu sinh. Mạc Can cho biết ở Mỹ ông cũng đi diễn hài trong cộng đồng người Việt nhưng lâu lâu mới có một sô. Tưởng được diễn sẽ bớt nhớ nghề, nào ngờ Mạc Can diễn 10 sô thì đến 6, 7 sô bị bầu quỵt tiền thù lao.
Trước khi về Việt Nam, Mạc Can đi học nail - làm móng tay, móng chân. Ông sang lại một tiệm nail được chừng vài hôm thì bán lấy tiền về Sài Gòn do không quản lý nổi tính nghệ sĩ trong mình. Ông nói “Đi Mỹ tui cũng thiếu nợ, giờ về tui cũng thiếu nợ, nhưng cái nợ ở quê nhà là cái nợ ân tình, không đâu nghĩa tình bằng quê hương”.
Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất