Video clip nữ sinh đánh nhau: Giờ mới ra tay là quá chậm!

15/03/2010 08:01 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Mấy ngày qua, tôi đọc báo thấy phản ảnh nhiều về tình trạng nữ sinh đánh nhau. Mới nhất là động thái công an và ngành giáo dục vào cuộc điều tra và làm rõ các vụ nữ sinh ra tay lẫn nhau với bạn học.

Cá nhân tôi cho rằng, hành xử này là quá chậm so với những gì đã diễn ra. Lý do bởi video nữ sinh đánh nhau vừa rồi chỉ là một trong hàng chục video đã có trên mạng. Đối với những người thường xuyên lướt web như tôi, video mới nhất được tung lên mạng là quá bình thường, thậm chí là đã nhàm.

Vụ nữ sinh Hà Nội hẹn nhau ra ngõ đánh nhau, xe quần áo rồi quay video đưa lên mạng được Xahoimang phản ánh ngày 1/10/2007

Lý do tôi khẳng định Bộ GD&ĐT vào cuộc thời điểm này là chậm bởi nếu Bộ chịu khó tìm hiểu, chịu khó lướt web sẽ thấy, tình trạng nữ sinh đánh nhau, quay lại video, post lên mạng đã diễn ra từ năm 2007. Khi đó, dù không có nhiều vụ việc nhưng cứ hễ có là các diễn đàn, website đua nhau đưa lên để... câu khách. Có website tử tế hơn, như Ngoisaoblog.com chẳng hạn, sẽ lên án. Năm 2008 có thể coi là năm “nở rộ” của những video clip nữ sinh đánh nhau và cũng chính những video này trở thành công cụ câu view của các website tuổi teen. Đến năm 2009, thực trạng này trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" vì có đánh nhau, có quay lại, có “vứt lên mạng”... thì cũng chẳng sợ bị ai lên án cả.

Nói về thực trạng này, website Xahoimang đã từng phản ảnh rất nhiều, thậm chí điều tra xem học sinh đó học trường nào và cũng đã có đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Vào thời điểm đó, một số báo lớn cũng đã điều tra, đăng tin và yêu cầu nhà trường, ngành giáo dục phải có biện pháp. Nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Và thực tế cũng không khó tìm những video này trên internet. Chỉ cần vào google tìm kiếm từ khóa "nữ sinh đánh nhau" sẽ thấy một con số khổng lồ. Kỹ hơn, chỉ cần vào các trang tìm kiếm của Việt Nam và gõ từ khóa tương tự, người truy cập còn được hỗ trợ lọc riêng các video dạng này để dễ dàng xem. Có vẻ như rất nhiều người biết chuyện này, chỉ riêng cơ quan chức năng lại... chưa biết.

Vậy vì sao đến thời điểm này, tức là sau 3 năm, "phong trào nữ sinh đánh nhau" nở rộ, ngành công an và giáo dục mới vào cuộc? 

Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm