Nhà thơ Triệu Từ Truyền: Sống đến tận cùng đâu phải chuyện chơi!

19/11/2010 15:29 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tuyển thơ song ngữ Việt - Anh của nhà thơ Triệu Từ Truyền (NXB Trẻ) đã được ấn hành hồi tháng 5/2010. Tuy nhiên, để trực tiếp gặp và trò chuyện với tác giả lại vô cùng khó, vì những năm gần đây, nhà thơ sống ở Lào nhiều hơn Việt Nam. Ông là một mẫu nhà thơ đã dấn thân vì nghệ thuật và cuộc đời cũng “ly kỳ” không kém.

Nhà thơ Triệu Từ Truyền sinh năm 1947 tại Sài Gòn. Ông hoạt động cách mạng vào cuối những năm 1960 và từng bị tù Côn Đảo 2 lần khi còn thiếu niên. Năm 1975, khi vừa thống nhất đất nước, ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận 4, TP.HCM. Thế nhưng, ông lại xin thôi mọi chức vụ để làm thơ, và đã xuất bản các tập thơ: Bên dòng Măng Thít, Dật dờ trong sương, Đêm lên cơn dài, Mảnh vỡ hồn nhiên, Va chạm hư không...


Nhà thơ Triệu Từ Truyền

* Xin ông kể vài mẩu chuyện về việc làm thơ, in thơ cũng như làm báo công khai tại Sài Gòn trước năm 1975 mà ông có thể bị bắt bất cứ lúc nào?

- Tôi mê làm báo từ những năm đầu học cấp 2, nhu cầu bày tỏ, phát biểu thành lời văn hình như... rất tự nhiên. Dù là văn mô tả hay bình luận đều được điểm cao nhất. Có một lần cô giáo dạy lớp Nhì (lớp 4) đã cho điểm dzé rô (0) một bài làm văn của tôi với lý do nghĩ rằng một cậu bé 9, 10 tuổi không thể viết được như vậy mà phải do phụ huynh viết giúp.

Năm 1962, thoát ra khỏi những câu thơ ước lệ và hình tượng cũ tôi đã làm thơ khác trước, hình thành giọng điệu riêng như: nước mắt trên má/ tròn như chiếc còng/ trắng như tà áo/ thơm như mái tóc/ chảy như đấu tranh/nhập dòng cách mạng (Nước mắt - 1964).

Năm 17 tuổi, tôi được giao phụ trách trang văn nghệ của bán tuần san Vùng lên - phát hành có lúc lên vài ngàn số - tiếng nói của Hội đồng Chỉ đạo Thanh niên - Sinh viên - Học sinh Sài Gòn và miền Nam, do kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái làm chủ bút. Vì tờ báo này hợp pháp, công khai nên có nhiều khuynh hướng chính trị chen vào, riêng tôi vì đã tham gia cách mạng nên đại diện cho lập trường Mặt trận Dân tộc Giải phóng lúc bây giờ. Số 1 tờ Vùng lên tôi có đăng một bài tùy bút với tâm trạng phản kháng của tuổi trẻ trước chế độ tay sai ngoại bang và số 2 có bài thơ Khóc với những đoạn như: bị treo ngược hai chân trên đất/ môi không cười đôi mắt không trong/ anh nhớ thương hay ôm sự thật/ nỗi quê hương song sắt rào vòng... nhân dân ói từng bã chiến tranh/ anh khóc vì ngày giờ vĩnh biệt...

* Sau 1975, ông làm Phó Chủ tịch quận 4 lúc còn rất trẻ. Thời gian này, rất nhiều văn nghệ sĩ “của Sài Gòn cũ” đã “đầu quân” về quận 4 rất nhiều. Nhiều người nói rằng, văn nghệ sĩ “cũ” về quận 4 vì có ông bảo lãnh?

- Không phải tôi khiêm tốn, có lẽ đây là một ngộ nhận đáng tiếc của nhiều người! Vì chức vụ ấy của tôi quá thấp để có thể bảo lãnh được ai. Thời xưa chức tri huyện như Đỗ Phủ, song cũng chết đói như chơi đấy thôi! Có lẽ quận 4 là quận nội thành nghèo lúc bấy giờ, nhà cho mướn nhiều và rẻ nên hợp với túi tiền số đông văn nghệ sĩ thôi.

Tôi tin tưởng vào văn học tuyệt đối, vì nói như văn hào Dostoevsky: “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại”. Cho nên người cầm bút thật sự phải là người lương thiện không thể trở thành công dân xấu được. Dĩ nhiên, trừ bọn bồi bút. Tôi chưa biết trong lịch sử loài người có một văn thi sĩ đích thực nào không yêu nước và không yêu dân tộc mình?!


Tuyển thơ song ngữ Việt - Anh Triệu Từ Truyền

* Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi ông bỏ con đường quan chức đang rộng mở mà ngã hẳn sang làm một nhà thơ dấn thân vì nghệ thuật. Đến nay, bản thân ông có tiếc nuối vì mê thơ hơn mê chức tước?

- Năm 1983, còn vài tháng nữa kết thúc nhiệm kỳ cấp quận, tôi kiến nghị tổ chức xin thôi mọi chức vụ để làm nhân viên bình thường. Cấp có thẩm quyền hỏi tôi có buồn phiền gì không mà đề nghị như vậy? Tôi nói không bất mãn hay buồn phiền gì hết...

Tôi làm thơ cùng lúc với đi làm cách mạng, nhưng tôi chưa bao giờ đối lập giữa hai hành vi ấy. Sau này tôi biết chắc mình không đủ bản lĩnh làm chính trị. Tôi chỉ tự cảm thấy có lỗi với những đồng đội đang sống và đã hy sinh kỳ vọng, mong muốn tôi làm được việc lớn cho quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, làm phong phú thêm cho nền văn hóa và tư tưởng cũng không giảm đi ý nghĩa một đời người. Tôi tâm đắc câu này của nhà thơ Boris Pasternak: “Sống đến tận cùng đâu phải chuyện chơi!”

* Ông có thể “liệt kê” những lần vào tù của mình. Mỗi lần vào tù do tranh đấu, lúc đó ông nghĩ gì về tuổi trẻ của mình?

- Trước khi bị lưu đày Côn Đảo 2 lần, tôi bị bắt giam vài lần ở Tổng Nha Cảnh sát chế độ cũ, do cầm đầu biểu tình liên miên trong 2 năm 1963, 1964. Tôi bị bắt tại Viện Hóa Đạo ngày 23/6/1966, lúc ấy tôi là ủy viên hành động của một lực lượng tranh đấu công khai. 3 tháng trước tôi đã dẫn đầu xuống đường vào chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn, mở đầu cao trào chống nội các chiến tranh. Ngay sau đó cao trào nổ ra ở Huế và Đà Nẵng với các thủ lãnh Ngô Kha, Trần Quang Long... Lần ấy tôi bị xử án 4 năm tù, rồi bị đày Côn Đảo vì chống chào cờ và nội quy trong khám Chí Hòa. Do áp lực ở hội đàm Paris, tôi được trả tự do trước hạn dù đang ở chuồng Cọp, chuồng Bò Côn Đảo, về đất liền tháng 4/1969.

Tuổi trẻ là phần đời quý nhất so với cả cuộc đời. Tốt nhất nên cống hiến nó vì lợi ích của cộng đồng và lý tưởng cao đẹp. Tùy hoàn cảnh lịch sử mà học tập cho thành tài hay hy sinh cho tổ quốc đều cần thiết như nhau. Hoàn cảnh thời ấy, tôi cho rằng tuổi trẻ của mình không vô ích.

* Xin cám ơn ông!

Hoàng Nhân (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm