Mệt vì mẹ chồng dặn dò sắm tết

28/01/2010 07:32 GMT+7 | Đời sống

“Trời ơi, họ hàng có tới cả mấy chục gia đình. Ai cũng nhờ mua thì chết mất. Đâu phải mình rỗi rãi tới mức ấy, vả lại chẳng lẽ mua rồi về lấy tiền của từng nhà? Mà “biếu không” thì vợ chồng sạt nghiệp” – Chị Tuyết đang đau đầu và giật mình thon thót mỗi khi chuông điện thoại reo. Nhìn danh sách các gia đình nhờ mua bánh kẹo chị Tuyết muốn chỉ muốn độn thổ.

Còn gần một tháng mới tới tết, nhưng mấy hôm nay, hôm nào mẹ chồng Hoa cũng gọi điện thoại nhắc nhở cô phải mua cái này, sắm cái kia chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Hôm trước mẹ chồng gọi dặn Hoa phải mua lấy một yến gạo nếp nàng hương, gửi về quê trước ngày Ông công ông táo để bà còn nhờ người gói bánh chưng vì trên quê chẳng đào đâu ra loại nếp ấy. Hoa dạ dạ vâng vâng. Ngày hôm sau, bà lại gọi xuống hỏi lại Hoa xem đã biết nếp cái hoa vàng nó dài nó tròn ra làm sao chưa, vì bà sợ, cô bị người ta lừa.

Hết gạo nếp rồi đồ đi lễ tết, nào là không cần xịn quá, nhưng phải đủ tấm, đủ món, nào là phải mua áo, gấm quần lụa để biếu cụ nội, cụ ngoại… nói tóm lại là đủ thứ trên đời.

Hoa bảo: “Nghe xong một cú điện thoại của mẹ chồng mà mình muốn xỉu, nóng hết cả tai. Mà nếu mình nhớ hết được tất cả bấy nhiêu lời vàng ngọc thì chết liền. Không chỉ gọi vào buổi tối, lúc hai vợ chồng đã xong xuôi mọi việc, có hôm, mình đang họp với sếp bà cũng gọi chỉ vì sực nhớ ra chưa nhắc mình gọi cho ông anh họ đặt mua ít miến vì quê nhà ông ấy có nghề làm miến gia truyền”.

Thực ra, đau đầu, nhức óc vì mẹ chồng nhắc nhở tỉ mí quá, nhưng Hoa không bực bởi vì mẹ chồng cô chu đáo, lo lắng hết cho con dâu, con trai. Bà lo đây là năm đầu tiên Hoa về làm dâu, chưa biết hết “nếp nhà” cho nên bà phải dặn. Vì bà cũng từng như Hoa, từng có những bỡ ngỡ khi tết đầu tiên làm dâu bà nội chồng Hoa bây giờ.

Gia đình chồng Hoa chuyện gì có thể qua quýt chứ 3 ngày tết thì phải có đủ lễ nghi. Chuyện mâm cỗ cúng gia tiên gồm những món gì cũng phải được tuân thủ nhất nhất. Trên mẹ chồng, Hoa còn có bà nội chồng cẩn thận và kĩ tính vô cùng. Vì thế, dù có phiền hà, có đau đầu, nóng tai, Hoa vẫn phải cảm ơn mẹ chồng, đã hết lòng thương yêu cô.

Chẳng như giống như Hoa, năm đầu tiên phải sắm tết nhà chồng, chị Lan đã có hẳn thâm niên 5 năm làm dâu, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cuối năm mẹ chồng chị lại gọi điện nhắc nhở chuyện sắm tết.

Theo chị Lan kể thì mẹ chồng chị Lan rất xính đồ thành phố. Cho nên cái gì bà cũng muốn con dâu mua ở Hà Nội mang về, vì bà thích được khoe với hàng xóm, họ hàng mình có con dâu đảm đang, nhà mình “sang” vì xài toàn đồ thành phố. Mấy năm trước, chị Lan chiều mẹ chồng, tha mang đủ thứ từ phố về quê. Từ gói bánh, hộp mứt, chai rượu, bánh đa nem, cân giò lụa, miến nấu canh, thậm chí cả đồ hàng mã gửi cho các cụ…

“Ngày về quê, hai vợ chồng ra bắt xe khách, ai cũng bảo vợ chồng nhà này đi buôn à? Lỉnh cà lỉnh kỉnh, đủ thứ chai, lọ, túi tắm…” – Chị Lan kể.

Năm nay, chị có thêm đứa thứ hai, nên cũng ngại mang vác. Chị tính bảo chồng chỉ mua những đồ quan trọng mà ở quê không có, còn đâu, về quê, hai vợ chồng đi sắm cho nhẹ nhàng. Chồng chị nghe có lí, nhân tiện về quê giỗ họ, thông báo với mẹ luôn, mẹ anh giãy nảy lên không đồng ý và “khủng bố” chị Lan bằng hàng loạt các cuộc điện thoại.

“Về quê này chả có gì đâu con ạ. Đấy, hôm nọ, bố mày thèm ăn cái bánh gì hộp vàng vàng, có nhân cam ở trong mà con mua mang về mà có đâu. Mẹ nhờ cả thằng Tít con bác Hoàng đi chợ huyện cũng chẳng mua được. Đằng nào cũng mất tiền mua, mua đồ ngon mà ăn con ạ”.

Chị Lan chưa kịp phản ứng gì, bà mẹ chồng lại ấn tiếp “Cái giò lụa con mua dưới đấy sao mà ngon thế, còn giò nhà thằng Tiến làm ăn nhạt phèo. Mùng 4 mẹ mời các bà trong hội người cao tuổi tới nhà mình dùng cơm, người ta ăn mãi đồ quê rồi, chỉ muốn tới nhà mình ăn đồ thành phố thôi con ạ. Hay là năm nay chúng mày làm ăn thất bát? Không sao, cứ mua đi, lần này về mẹ trả, mẹ vừa bán được cặp bê được gần chục triệu cơ. Về mẹ trả, con nhé”.

Chị Lan ngao ngán vì kế hoạch ngưng “trở củi về rừng” của chị bị phá sản rồi. Mẹ chồng đã nói thế, con dâu nào dám từ chối, chị không tiếc tiền mà chỉ vì đường xa cách rách quá. Chắc là tết này, chị phải bảo chồng thuê hẳn một chuyến taxi trở cả nhà, trở “cả Hà Nội” về quê cho đẹp lòng mẹ chồng.

Vợ chồng anh Hùng, chị Tuyết cũng đang chết chìm chết nổi vì sự dặn dò sắm tết. Nhưng chẳng phải sắm cho gia đình anh chị, mà là "săm hộ" họ hàng. Chả là vợ chồng anhchị cùng là cán bộ ở một nhà máy sản xuất bánh kẹo có tiếng ở Hà Nội. Những năm trước, năm nào anh chị cũng mang về quê nhiều quà cáp, bánh, kẹo để biếu anh em, họ hàng. Họ hàng đông, nên của biếu cũng chỉ gọi là “hương hoa”, chứ làm sao khuân cả nhà máy bánh kẹo về để chia cho mọi người được. “Nhưng cái chất của nó thì là nhất” – đấy là lời nhận xét của ông cậu anh Hùng.

Chả hiểu sao năm nay, họ hàng lại nghĩ ra kế “nhờ” anh chị mua giùm bánh kẹo tết. Họ chả dám nói thẳng với anh chị, mà thông qua bố mẹ anh để “cậy nhờ”. Thế là còn gần tháng nữa mới tới tết, anh chị liên tục nhận được điện thoại của bố, mẹ dặn dò mua hộ bác Liên mấy cân bánh quy, mua hộ cậu Thành mấy cân kẹo lạc…

Thực ra gọi là bánh thủ đô, kẹo thành phố, nhưng ngày nay đời sống ở thành phố và nông thôn có còn khoảng cách nhiều đâu. Bánh kẹo, hàng hóa ở thành phố sản xuất ra là để đem về các miền quê tiêu thụ, chứ người thành phố có được bao nhiêu. Nhưng người nhà quê họ thế, cùng chiếc bánh ấy, cái kẹo ấy, nhưng mang ở thành phố về thì tấm tắc khen ngon, nhưng mua ở cửa hàng tạp hóa nhà quê thì cũng bình thường thôi mà.

“Trời ơi, họ hàng có tới cả mấy chục gia đình. Ai cũng nhờ mua thì chết mất. Đâu phải mình dỗi dãi tới mức ấy, vả lại chẳng lẽ mua rồi về lấy tiền của từng nhà? Mà “biếu không” thì vợ chồng sạt nghiệp” – Chị Tuyết đang đau đầu và giật mình thon thót mỗi khi chuông điện thoại reo. Nhìn danh sách các gia đình nhờ mua bánh kẹo chị Tuyết muốn chỉ muốn độn thổ.
 
Theo Eva

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm