22/09/2012 07:15 GMT+7 | Y tế
Đây là khẳng định của Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM và các chuyên gia về ký sinh trùng trước thông tin BS Phan Văn Hiếu - GĐ Trung tâm Pháp y TPHCM - cho rằng: Amíp Naegleria fowleri không chỉ sống trong nước ngọt, mà còn ở trong đất và bụi trong không khí!
Các chuyên gia đưa ra quy trình amíp lây bệnh của Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC) đã được dịch sang tiếng Việt.
Pháp y khẳng định amíp “ăn não” có khắp nơi
Theo BS Phan Văn Hiếu, sau khi bệnh nhi tử vong, cơ quan pháp y đã tiến hành giải phẫu toàn bộ tử thi, thấy có amíp. Tuy nhiên, để định danh là amíp loại nào thì cần phải lấy mẫu tại ổ ápxe não tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử giải mã trình tự gene (PCR). Kết quả PCR tại trung tâm cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn Naegleria fowleri. Để khẳng định, trung tâm tiếp tục gửi mẫu bệnh phẩm sang BV Bệnh nhiệt đới làm PCR và kết quả cũng tương tự.
BS Hiếu cho rằng, y văn thế giới ghi nhận amíp Naegleria fowleri sống tự do khắp nơi, có trong nước ngọt, trong đất và cả không khí (bụi). Tuy nhiên, không phải ai cũng bị nhiễm amíp Naegleria fowleri mà chỉ những người có bất thường trong cơ thể hoặc suy giảm hệ miễn dịch thì dễ bị mắc hơn. Bệnh nhi Lý Tài Tiền nằm một chỗ, ít vận động, miễn dịch suy giảm nên dễ bị lây nhiễm. “Đây là ca bệnh cực hiếm, chính vì vậy người ta không nêu lên được tỉ lệ và yếu tố dịch tễ” - BS Hiếu khẳng định.
Để chứng minh cho nhận định trên, BS Hiếu đã cung cấp những tài liệu trong y văn thế giới nói đến việc amíp “ăn não” tồn tại không chỉ trong nước mà còn ở bụi, máy lạnh, đất... Tuy nhiên, theo BS Hiếu, amíp cũng như nhiều loại vi trùng khác con người vẫn tiếp xúc hằng ngày, nhưng không nhất thiết cứ gặp là... lây.
Chuyên gia ký sinh trùng phản pháo: “Không đúng!”
Trước thông tin amíp xuất hiện ở khắp mọi nơi khiến dư luận hoang mang, lo lắng; tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thông tin trên hoàn toàn không chính xác. TS-BS Nguyễn Hoan Phú - Phó khoa Nhiễm Việt Anh, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM - khẳng định: “Amíp “ăn não” chỉ tồn tại được trong môi trường nước ngọt như sông, hồ. Nếu lên cạn, loại amíp này sẽ chết ngay”.Một số chuyên gia còn dẫn chứng về quy trình thâm nhập của amíp “ăn não” dựa trên bảng minh họa rất cụ thể của Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC) và cho rằng, loại amíp này không thể có trong bụi không khí, máy lạnh... Đồng tình với quan điểm trên, GS-BS Trần Vinh Hiển, nguyên Chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y-Dược TPHCM - đã giải thích: “Trong y văn thế giới có mô tả loại “amíp “ăn não” người”, với tên khoa học Naegleria fowleri. “Amíp “ăn não” người” chỉ hoạt động chủ yếu ở các ao, hồ, sông, suối với dòng nước nóng trên 35 độ C hoặc các vùng nước có chất thải công nghiệp dơ bẩn.
Amíp còn được gọi là trùng chân giả. Có rất nhiều loại amíp khác nhau và được chia thành hai nhóm: Amíp ký sinh và amíp tự do. Amíp ký sinh là những amíp có quá trình sinh sản liên quan đến ký chủ (cơ thể người), nếu không có ký chủ, chúng sẽ không tồn tại. Riêng nhóm amíp tự do, dù được y khoa đặt vào nhóm ký sinh trùng, nhưng chúng hoàn toàn không ký sinh, sinh sản ở người. Vì không phụ thuộc vào cơ thể người nên chúng vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên và ăn các loại vi khuẩn khác để sống.
Chúng được phát hiện ở người là do lạc chỗ, nhưng để tồn tại buộc chúng phải ăn não. Hiện nay, amíp tự do có 3 loại là Naegleria fowleri, Acanthamoeba species, Balamuthia mandrillavis và chúng có hình dạng khác nhau. Nếu amíp Naegleria fowleri tấn công não ở người khỏe mạnh thì hai loại amíp còn lại chủ yếu tấn công não của người suy giảm miễn dịch. Vì thế, khẳng định amíp “ăn não” tồn tại trong bụi không khí là không chính xác”.
TS Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): “Hiện tại, bộ chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của cháu bé Lý Tài Tiền (ở TPHCM) là do amíp “ăn não” người hay không. Còn về việc tìm yếu tố dịch tễ, bởi cháu bé bị liệt từ lúc mới sinh và không đi tắm ao hồ, sẽ tìm hiểu thêm ở phía người chăm sóc cho cháu bé. Tuy người giúp việc vẫn nói là chỉ tắm cho cháu bé bằng nước máy từ ngực xuống, nhưng cũng cần khai thác thêm thông tin để hiểu rõ về các nguồn nước sử dụng cho cháu bé từ trước đến nay”. |
Theo Lao động
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất