‘Gái ế’ đi chơi trốn Tết

01/02/2011 14:19 GMT+7 | Đời sống

Với nhiều cô gái “đến tuổi” mà chưa lấy chồng, Tết là khoảng thời gian khá căng khi phải đối diện với sự cô đơn. Nhưng nhiều “gái lỡ thì” ở thành phố lại biến nó thành lợi thế: họ có hẳn 10 ngày rảnh rang để… chơi.

Trốn việc nhà, ra ngoại quốc

Ảnh: Ontheroad.

Trong các việc nhà, Ngọc ghét nhất là rửa bát. Nhưng đến ngày Tết thì đó nghiễm nhiên là nhiệm vụ của cô. Ôsin đã nghỉ. Em trai, em gái, em dâu, em rể người dỗ con ăn, kẻ rung đùi tiếp khách, rồi vợ chồng con cái kéo nhau đi chúc Tết bố mẹ họ hàng bên vợ, bên chồng. “Con em dâu tớ bảo, những lúc như thế này mới thấy độc thân như bác thật sướng, rảnh rang, chẳng bận bịu con cái hay nghĩa vụ họ hàng gì, thôi bọn em phải sang nhà ngoại chút, chị làm đỡ em nhé. Rồi nó chạy biến. Tớ nghĩ, rảnh rang cái gì chứ, suốt mấy ngày Tết hết nấu lại dọn, hết dọn lại rửa, suốt cả ngày. Đã cắm đầu vào chậu bát thì chớ, ai đến lại hỏi thăm thế sao vẫn chưa lấy chồng. Đã thế Tết này tớ đi chơi”, cô tuyên bố.

Ngọc cho biết đã đăng ký chuyến đi Thái Lan 5 ngày, xuất phát đúng mùng một Tết. Cùng đi có cô bạn mới quen qua diễn đàn du lịch online, người cũng lên mạng kiếm người cùng đi chơi cho đỡ buồn. Cô hớn hở: “Đón giao thừa với cả nhà, đi lễ chùa với mẹ rồi nghỉ ngơi một chút là ra sân bay luôn. Tết này, thiên hạ sẽ phục vụ tớ".

Phạm Huyền (Gia Lâm, Hà Nội) Tết năm ngoái cũng đi du lịch nước ngoài nhưng lý do lại là rảnh rỗi quá. Những cái Tết gần đây, bạn bè chồng con xúm xít, ào đến chúc Tết rồi lại ríu rít kéo đi ngay, riêng cô đã 34 tuổi vẫn một mình nên không muốn đến nhà ai. Thấy thế, bố mẹ chở nhau đi chơi, giao cho Huyền nhiệm vụ ở nhà tiếp khách. Khách của mình thì ít, của người khác thì nhiều, hết khách lại ngồi không, cô thấy ngày Tết thật lạnh lẽo, vô vị và mong nó qua nhanh. “Thấy quảng cáo chơi Tết ở Hong Kong, tôi chợt nghĩ, tại sao không? Chuyến đi rất vui, tôi quen được mấy người bạn mới. Cảm thấy mình được hưởng thụ sau một năm vất vả, không phải nghĩ ngợi gì. Tết này, tôi sẽ đi Singapore”.

Lên tận miền núi trốn Tết

Trước Tết Canh Dần, thấy Hường (Thanh Xuân, Hà Nội) kêu chán, cô bạn người Lào Cai bảo: “Chán thì lên nhà tớ, tớ dẫn cậu đi chơi”. Cô bạn này trước làm cùng cơ quan với Hường, đã ly hôn nhưng chưa có con. Xong ngày làm việc tất niên, cô cùng lên tàu về quê bạn và đã có một chuyến đi vô cùng thú vị. “Tớ theo cô bạn đi chợ Tết, lang thang mua được đủ thứ đồ hay hay của người miền núi, nếm bao nhiêu loại rau, bao nhiêu món ăn có tên quá lạ không nhớ nổi, về nhà thì làm chân sai vặt cho nó, xem nó làm món ăn. Hôm nào cũng mệt phờ, nhưng mà hưng phấn cực”, Hường nhớ lại.

Từ mùng hai Tết, cô bạn đưa Hường đi Sa Pa, vào các bản chơi, chụp ảnh với hoa đào và với những đứa trẻ má đỏ người dân tộc. Cô bạn lại đưa Hường đến chơi các nhà quen. Trước sự cởi mở, thân thiện của họ, Hường có cảm giác “như mình là Tây ba lô đi du lịch điền dã vậy”. Với cô, đó là một cái Tết hạnh phúc, quên hẳn nỗi mặc cảm vẫn cô đơn ở tuổi 32.

Tết vẫn đi làm

Mấy Tết gần đây, Thùy Vân, phóng viên của một tờ báo ở Hà Nội, đều nhận trực thay cho các đồng nghiệp nữ khác. “Mình nhà ở ngay Hà Nội, không phải về quê, cũng chẳng có chồng con để phải chăm sóc hay về nội về ngoại. Thế nên ai nhờ trực hộ là nhận tất, tết có sự vụ gì cần chạy là chạy ngay, vừa có bài vở, vừa vui. Sếp thỉnh thoảng đáo qua tòa soạn, thấy mình chạy về còn mừng tuổi to nữa chứ”, Vân nói. Trong mắt đồng nghiệp, cô là một người xởi lởi, vui vẻ, nhiệt tình. Ít người biết rằng đằng sau vẻ vô tư, hài hước và bận rộn ấy là cả khối cô đơn mà cô muốn dùng công việc để lấp đi. Nhưng Vân tự thấy mình làm điều đó khá thành công, bởi công việc đem lại cho cô nguồn vui lớn, kể cả trong những ngày Tết khi thiên hạ có đôi có cặp.

Nói về chuyện xung phong trực Tết, Vân chia sẻ: "Nói mình đi làm để trốn Tết cũng đúng, nhưng cũng không hẳn là trốn. Thay vì ngồi một xó ôm nỗi buồn, mình kiếm việc để làm, để thấy cuộc sống vẫn vui và ý nghĩa. Mình đang chờ duyên, cũng phải vui vẻ thì duyên mới đến chứ".

Theo Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm