04/05/2018 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm tranh chấp liên quan tới Thủa ấy. Xứ Đoài và Tinh hoa Bắc Bộ chưa ngã ngũ, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tìm gặp và ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc.
Đại diện cho ĐD Hoàng Nhật Nam, luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) đã có cuộc trao đổi với Thể thao và Văn hóa. Cần nhắc lại, vài ngày trước, ông Nam (tổng đạo diễn của Tinh hoa Bắc Bộ) đã nộp đơn kiện đạo diễn Việt Tú và Công ty DS.
Phải có bằng chứng về “đạo, nhái”
* Theo đơn kiện, ông Nam yêu cầu ĐD Việt Tú và DS phải chấm dứt hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân mình dưới mọi hình thức, phải công khai xin lỗi đạo diễn này trên truyền thông… Động thái này có ý nghĩa thế nào với ông Nam?
- ĐD Nhật Nam khởi kiện Việt Tú liên quan đến việc đạo diễn này đã có những phát ngôn trên truyền thông rằng Tinh hoa Bắc Bộ “đạo”, “nhái” tác phẩm Thủa ấy. Xứ Đoài của Việt Tú.
Phát ngôn trên được đưa ra khi chưa có bất cứ kết luận nào được đưa ra từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ĐD Nhật Nam. Theo quan điểm của tôi, việc khởi kiện này của đạo diễn Nhật Nam là có cơ sở pháp lý.
Bởi, căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, “quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín” là quyền bất khả xâm phạm của một cá nhân. Không ai được quyền truyền bá những thông tin sai sự thật, hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
* Theo luật sư, yêu cầu mà ĐD Hoàng Nhật Nam đưa ra trong đơn kiện có khả thi không?
- Đối tượng được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ.
Trong quá trình khai thác quyền của chủ sở hữu kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, ông Hoàng Nhật Nam và bà Đào Thụy Phương Thảo đã gặp phải sự ngăn cản từ phía Công ty DS.
Cụ thể, Công ty DS đã gửi đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ. Tuy nhiên Cục Bản quyền tác giả từ chối vì lý do, những tài liệu, chứng cứ mà Công ty DS đưa ra chưa đủ cơ sở để hủy hiệu lực của Giấy chứng nhận.
Tôi lưu ý rằng, quyền tác giả được bảo hộ trên cơ chế tự động không phụ thuộc vào việc đăng ký. Nghĩa là, nếu tác phẩm được tạo ra trên cơ sở độc lập, mang tính nguyên gốc và được định hình thì nó sẽ được pháp luật bảo hộ.
Do đó, để kết luận kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ “đạo”, “nhái” kịch bản chương trình Thủa ấy. Xứ Đoài thì phải có bằng chứng chứng minh kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ đã có sự sao chép, đạo nhái kịch bản chương trình Thủa ấy. Xứ Đoài.
Yêu cầu mà ĐD Hoàng Nhật Nam đưa ra có khả thi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, tôi chưa thể đưa ra kết luận ở thời điểm hiện tại.
* Theo ông, để giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp giữa “Thủa ấy. Xứ Đoài” và “Tinh hoa Bắc Bộ”, những căn cứ pháp lý nào là quan trọng nhất?
- Vụ việc giữa ĐD Hoàng Nhật Nam và ĐD Việt Tú là một vụ tranh chấp dân sự thông thường. Do đó, nguyên tắc thỏa thuận trong việc giải quyết tranh chấp luôn được ưu tiên.
Điều đó có nghĩa, nếu hai bên thống nhất được tất cả các vấn đề đang tranh chấp, thì vụ việc sẽ dễ dàng được giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, nếu như hai bên không thỏa thuận được thì để giải quyết tranh chấp, cần phải căn cứ vào các quy định pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, các văn bản hướng dẫn và kể cả Luật Sở hữu Trí tuệ - vì gốc rễ của việc tranh chấp trên là liên quan đến các phát ngôn về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều người ngộ nhận về xâm phạm bản quyền
* Luật sư có thể nhận định về thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam thời gian qua?
- Ở nước ta, vấn đề vi phạm quyền tác giả của tác phẩm nghệ thuật vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, để xem xét có hành vi vi phạm hay không, cần phải xác định rõ đâu là hành vi xâm phạm quyền tác giả và đâu không phải là hành vi xâm phạm?
Cụ thể, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 liệt kê các hành vi bị xem là xâm phạm quyền tác giả. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ khi thực hiện một trong những hành vi đã được liệt kê thì mới bị xem là xâm phạm quyền tác giả.
* Trong trường hợp hai tác phẩm có chung một nội dung, một ý tưởng thì sẽ giải quyết như thế nào?
- Trong trường hợp, hai tác phẩm có chung một nội dung, một ý tưởng thì chưa thể khẳng định được có hành vi xâm phạm xảy ra. Bởi lẽ Luật Sở hữu Trí tuệ quy định quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện, không bảo hộ nội dung, ý tưởng của tác phẩm.
Thực tế, tôi đã gặp nhiều khách hàng bị cáo buộc là xâm phạm quyền tác giả vì phía đưa ra cáo buộc tự nhận định rằng nội dung của hai tác phẩm giống nhau. Tuy nhiên, đó hoàn toàn là sự ngộ nhận của phía cáo buộc, do không nắm vững quy định về sở hữu trí tuệ.
* Cảm ơn chia sẻ của luật sư!
(Còn tiếp)
Nhằm có cái nhìn đa chiều quanh sự việc, trong hai ngày vừa qua, Thể thao và Văn hóa cũng đã liên hệ với đạo diễn Việt Tú và đề nghị phỏng vấn anh (hoặc luật sư đại diện) về một số vấn đề. Cụ thể, đó là những căn cứ để phía ĐD Việt Tú khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ "đạo", "nhái" tác phẩm của mình; nhận định của anh về các yêu cầu mà đạo diễn Hoàng Nhật Nam đưa ra (trong đơn kiện)… Tuy nhiên, cho đến ngày hôm qua 3/5, khi bài báo này lên khuôn, phóng viên của Thể thao và Văn hóa vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía đạo diễn Việt Tú. Thể thao và Văn hóa sẽ tiếp tục cập nhật về sự việc nếu phía ĐD việt Tú có những phản hồi với Thể thao và Văn hóa. |
Anh Vũ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất