Libya - giao tranh ngày càng dữ dội

03/03/2011 11:22 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 2/3, quân đội chính phủ Libya đã mở cuộc tấn công lớn nhằm vào phe nổi dậy, với hy vọng sẽ lấy lại được những vùng đất rơi vào tay đối phương. Các cuộc chạm súng này đã khiến giới phân tích cảnh báo về nguy cơ một cuộc nội chiến kéo dài có thể nổ ra tại quốc gia châu Phi này.

Từ sớm ngày 2/3, các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi đã mở cuộc tấn công lớn.

Nguy cơ nội chiến kéo dài

Lính chính phủ thậm chí đã có thời gian ngắn chiếm giữ Marsa El Brega, một cổng xuất khẩu dầu lửa, trước khi bị quân nổi dậy đẩy lùi. Phe nổi dậy hiện đã kiểm soát  Marsa El Brega, vốn nằm cách Tripoli chừng 800km, trong khoảng 1 tuần. “Họ đã cố chiếm Brega trong sáng nay nhưng thất bại. Thành phố đã trở lại tay lực lượng nổi dậy” - Mustafa Gheriani, một phát ngôn viên của phe nổi dậy mang tên Liên minh 17/2 nói với hãng tin Reuters.

Một tay súng nổi dậy đang trực chiến ở Marsa El Brega
Vụ tấn công là hoạt động quân sự đáng chú ý nhất của Gaddafi, kể từ khi các cuộc nổi dậy bắt đầu cách nay 2 tuần và tạo nên những cuộc xung đột được Mỹ đánh giá có thể chuyển thành nội chiến kéo dài, trừ phi Gaddafi từ chức. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo không nên vội vã đưa ra kết luận trong bối cảnh có nhiều diễn biến nhanh đang xảy ra ở Libya nhưng thông tin liên quan tới chúng lại hết sức mù mờ.

“Vụ tấn công đã củng cố ý tưởng rằng chính phủ vẫn có khả năng triển khai sức mạnh tới tận phía Đông” - Shashank Joshi, một nhà phân tích ở Viện nghiên cứu Royal United Services của Anh nhận xét - “Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng cả chính phủ và phe nổi dậy hiện đều muốn tạo nên hình ảnh thắng thế”. Ông cũng chỉ ra rằng ngay cả tại khu vực quanh Tripoli, nơi chính phủ có nhiều quân hơn nhưng các đợt tấn công của họ nhằm vào phe đối lập vẫn bị bẻ gẫy khá dễ dàng.

Phe nổi dậy, với lực lượng gồm các lãnh đạo bộ tộc, sĩ quan quân đội và nhiều đơn vị lính khác nhau, hiện đã trở nên có tổ chức hơn. Đại úy Faris Zwei, một trong những sĩ quan đã gia nhập phe nổi dậy, nói rằng họ có hơn 10.000 tình nguyện viên ở Ajdabiyah, một khu vực nằm cách không xa Marsa El Brega. “Chúng tôi đang tổ chức lại quân đội, vốn đã gần như bị phá hoại hoàn toàn bởi Gaddafi và những kẻ trung thành với ông ta” - ông nói. Tuy nhiên so với quân chính phủ, phe nổi dậy vẫn yếu thế hơn. Vì thế, phe nổi dậy tuyên bố họ có thể sẽ viện tới sự trợ giúp của quân đội nước ngoài để nhanh chóng kết thúc cuộc giằng co. “Chúng tôi có thể nhờ các cuộc không kích (của nước ngoài) nhằm vào một số vị trí chiến lược để đóng đinh lên quan tài của ông ta (Gaddafi)” - Gheriani tuyên bố.

Liệu quân đội nước ngoài có can thiệp?

Trước tuyên bố của phe nổi dậy, hôm 2/3, Gaddafi đã có một bài phát biểu dài hơi trước người ủng hộ và báo chí quốc tế ở thủ đô Tripoli, cảnh báo quân đội nước ngoài chớ can thiệp vào chuyện nội bộ của Libya. "Liệu họ muốn chúng tôi trở thành nô lệ một lần nữa, như chúng tôi đã từng là nô lệ của người Italia?” - Gaddafi nói - “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện đó. Chúng tôi sẽ bước vào một cuộc chiến đẫm máu và hàng ngàn người Libya sẽ thiệt mạng nếu Mỹ hoặc NATO vào đây. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho tới người đàn ông và đàn bà cuối cùng. Chúng tôi sẽ bảo vệ Libya từ Bắc tới Nam” - Gaddafi nói.

Tàu chiến Mỹ USS Kearsarge đang đi ngang qua kênh đào Suez để vào Địa Trung Hải

Trong ngày 2/3, 2 tàu chiến của Mỹ là USS Kearsarge với khả năng chở theo 2.000 lính thủy đánh bộ và tàu USS Ponce, đã đi vào kênh đào Suez  để tới Địa Trung Hải. Trước đó, tàu khu trục USS Barry cũng đã đi qua kênh đào này. Nhà Trắng nói rằng các con tàu được triển khai nhằm chuẩn bị cho những sứ mạng nhân đạo nhưng nhấn mạnh “chưa một lựa chọn nào bị loại bỏ”.

Thủ tướng Anh David Cameron thì tuyên bố nước này có thể làm việc với các đồng minh để triển khai một vùng cấm bay ở Libya. Ông cho biết thật khó chấp nhận khi Gaddafi sử dụng máy bay và trực thăng tấn công dân thường. Tuyên bố của ông Cameron có nghĩa bầu trời Libya sẽ nằm dưới sự khống chế của các máy bay Anh và đồng minh, một hình thức hạn chế sức mạnh không quân đã từng được áp dụng và phát huy tác dụng tại Nam Tư và Iraq.

Tuy nhiên tướng James Mattis, tư lệnh Bộ chỉ huy Trung ương của quân đội Mỹ đã nói trong một phiên điều trần trước Thượng viện rằng việc triển khai vùng cấm bay ở Libya sẽ rất khó khăn. "Các anh phải xóa bỏ khả năng phòng không của đối phương để triển khai vùng cấm bay. Vì thế sẽ không có sự ảo tưởng nào ở đây cả. Đó sẽ là một chiến dịch quân sự được tính toán cẩn thận” - ông tuyên bố.

Ngoài ra, khả năng phương Tây sử dụng sức mạnh quân sự để can thiệp vào Libya cũng rất nhỏ bởi theo các chuyên gia, họ đã có được bài học đắt giá từ Iraq. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây hẳn vẫn còn nhớ rằng Iraq đã trải qua nhiều năm đổ máu cùng bạo lực dữ dội sau cuộc lật đổ Saddam Hussein hồi năm 2003 và chắc chắn họ không muốn kịch bản tương tự xảy ra ở Libya. Vì lẽ đó, sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ, cũng như ý tưởng thiết lập vùng cấm bay, hiện chỉ như một biện pháp nhằm tăng cường sức ép ngoại giao và quân sự, để buộc Gaddafi phải từ chức.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm