09/06/2013 12:13 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Ngọc Đại bị phạt 30 triệu đồng vì album Thằng Mõ, BTC Đêm hội chân dài 7 bị phạt 35 triệu đồng, Cuộc thi Nữ hoàng biển 2013 bị tước giấy phép tổ chức, cục nghệ thuật biểu diễn dự kiến từ tháng 1/2014, ca sĩ có thẻ hành nghề mới được biểu diễn. Một tuần án phạt, những điều luật được xem xét, điều chỉnh để 'nắm' lại các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tự phát hành album Thằng mõ - Cái nường 8X với nội dung phản cảm mà không xin phép, nhạc sĩ Ngọc Đại bị phạt 30 triệu đồng. Án phạt này đã chính thức được đưa ra từ Sở VH,TT&DL Hà Nội. Bên cạnh đó, các sở VH,TT&DL trong cả nước vẫn đang tiến hành tịch thu để tiêu hủy Thằng mõ. (Hình1)
Hình 1
Trước đó, Sở VH,TT&DL TP.HCM cũng ban hành án phạt với Ban tổ chức chương trình Đêm hội chân dài 7, Công ty Venus. Đơn vị này sẽ phải nộp phạt 35 triệu đồng. Chưa hết, công ty này còn đứng trước nguy cơ rút giấy phép tổ chức biểu diễn vĩnh viễn hoặc tạm thời do đã nhiều lần vi phạm trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn.
Lần đầu tiên được tổ chức nhưng cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam, nằm trong khuôn khổ Festival Biển 2013 - Nha Trang biển hẹn, đã bị thu hồi giấy phép tổ chức do có rất nhiều sai phạm. Đơn vị tổ chức chương trình này, Công ty Rồng Việt đã không thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu… Tiếp nhận hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi không đúng quy định của pháp luật, không cung cấp được phiếu chấm điểm thí sinh và bảng tổng điểm của các thí sinh được lựa chọn vào vòng tiếp theo. Tổ chức thi sơ tuyển tại 3 khu vực Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang nhưng không thành lập ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động, chấm thi, không tổ chức vòng thi bán kết theo quy định trong đề án cuộc thi… Ngay sau khi có quyết định của Cục về việc này, tỉnh Khánh Hòa đã loại Nữ hoàng Biển ra khỏi Festival biển kỳ này. Nhưng ngay lập tức, đại diện BTC cuộc thi này đã tuyên bố sẽ khiếu nại và khởi kiện đối với Quyết định 215/QĐ-NTBD ngày 1/6/2013 về việc thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi. (Hình 2)
Hình 2
Nữ ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim và một số thành viên đoàn ca nhạc mà cô tham gia biểu diễn đã bị hơn 800 khán giả ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bao vây, ném đá và yêu cầu trả lại tiền vé vì chương trình không diễn ra như đã quảng cáo. Chương trình ca nhạc này do một doanh nghiệp có trụ sở tại huyện nói trên tổ chức, treo băng-rôn quảng cáo Ca nhạc đặc biệt live show teen vọng cổ với sự tham gia của ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim, Minh Hằng, Hồ Quang Hiếu, Bảo Thy, Phi Hùng với nghệ sĩ xiếc, hài và bán vé với giá 50.000 đồng/vé người lớn, 35.000 đồng/vé trẻ em. Tuy nhiên, ngoài Vĩnh Thuyên Kim, tất cả các nghệ sĩ có tên trên băng-rôn đều không có mặt. Khi tình trạng lộn xộn diễn ra, người quản lý của đoàn biểu diễn này đã bỏ trốn, trật tự chỉ được duy trì khi Công an huyện Thăng Bình can thiệp. (Hình 3)
Hình 3
Giữa lúc lĩnh vực tổ chức biểu diễn đang xảy ra sự việc nhiều lộn xộn thì Bộ VH,TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức hội nghị trực tuyến ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để lấy ý kiến cho đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu. Theo đó, những người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết mục đích quan trọng của việc cấp chứng chỉ hành nghề là để góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nghệ sĩ và kết quả một cuộc khảo sát Cục đã thực hiện cho thấy đa số những người được hỏi cho rằng đây là việc cần thiết. Mặc dù còn rất nhiều tranh luận về vấn đề này nhưng Cục vẫn thông báo sẽ trình lại đề án lên lãnh đạo Bộ VH,TT&DL chờ phê duyệt vào khoảng tháng 10 và lộ trình dự kiến áp dụng từ tháng 1/2014. Trước đây, vào năm 1999, Cục đã từng ban hành thẻ hành nghề nghệ sĩ nhưng sau 3 năm áp dụng đã bãi bỏ vì giống như một loại “giấy phép con”.
Vụ phân chia cổ vật từ con tàu bị đắm được trục vớt từ những năm 2004-2007 ở Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) mới đây lại làm dấy lên những câu hỏi về quy định phân chia cổ vật. Hóa ra chưa hề có quy định cụ thể cho việc phân chia cổ vật trục vớt và Văn phòng Chính phủ mới ra văn bản cụ thể về việc phân chia cổ vật trục vớt trên con tàu đắm nói trên vào tháng 2/2013 và đến 23/5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam mới có quyết định thành lập hội đồng phân chia cổ vật trục vớt trên con tàu đắm ở Cù lao Chàm. Đó là lý do đến bây giờ phía Sở VH,TT&DL Quảng Nam và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương mới tổ chức bốc thăm phân chia cổ vật, theo đó thì tỷ lệ phân chia giữa hai đơn vị này là 3/7 với số cổ vật lên tới 15.934 hiện vật. Phía Công ty Đoàn Ánh Dương chịu toàn bộ chi phí trục vớt, khai quật; UBND tỉnh chỉ cử người tham gia giám sát và nghiên cứu. Đại diện Công ty Đoàn Ánh Dương tuyên bố họ sẽ bán đấu giá các cổ vật để lấy lại số vốn hơn 20 tỷ đã bỏ ra cho việc trục vớt. (Hình 4)
Hình 4
Bộ phim tài liệu về nạn nhân da cam Việt Nam do Crea TV của Việt Nam phối hợp với Công ty Babel Entertainment của Canada sản xuất có tên gọi The Tale Of An Phuc House (Câu chuyện của ngôi nhà An Phúc) đã được LHP Quốc tế New York chọn vào danh sách 5 đề cử của hạng mục phim tài liệu. Bộ phim này dài 91 phút, do Ivan Tankuchev, một người Canada có vợ là người Việt Nam viết kịch bản, đạo diễn và quay phim. Có 20 nhân vật là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba xuất hiện trong phim, chính họ kể lại câu chuyện cuộc đời họ và những người xung quanh. Bộ phim sẽ được trình chiếu vào ngày 17/6 trong khuôn khổ LHP Quốc tế New York (Hình 5)
Hình 5
Bàn phím
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất