Lam Sơn Thanh Hóa: Giữa con người với con người

04/02/2010 13:48 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Với một địa phương đã bán cả đội bóng gốc và mua một đội bóng ở nơi khác về chỉ để thỏa mãn yếu tố thành tích (có chỗ ở V-league và có đủ lực để có vị trí) thì người ta dù không muốn, cũng phải làm quen với cách nhìn mọi vật đều trên nguyên tắc công bằng.

Người ta đã và đang đặt ra vấn đề là mỗi trận đấu của Lam Sơn Thanh Hóa, có bao nhiêu cầu thủ uống nước sông Mã đá ở trên sân? Sự săm soi ấy là một sức ép không dễ hóa giải.

Trận Siêu Cúp QG, đếm trong danh sách xuất phát, nếu không tính cầu thủ ngoại, chỉ có đúng 1 cầu thủ có hộ khẩu Thanh Hóa đá chính: Lê Văn Thắng. Trận đấu vòng 1 V-League, cũng chỉ có 1 cầu thủ làm đại biểu cho đội bóng Thanh Hóa gốc đứng trong đội hình chính: Đình Tùng. Cũng có cầu thủ Thanh Hóa khác, là Công Huy, đá tiền vệ ngay từ đầu trận hôm ấy. Nhưng Huy (tập cùng lứa Mai Tiến Thành) lại là người bị Thanh Hóa thải loại từ khi mới 17 tuổi, và sau này người xứ Thanh mới biết là họ đã bỏ đi một tiềm năng; nên gọi Huy là người Thể Công (ăn tập 6 năm) vẫn đúng hơn.

Và điều đáng suy nghĩ và có thể là mầm mống của một số sức ép, “người ta” ở đây lại có cả những người trong cuộc.


 Đình Tùng (2) là cầu thủ chính gốc Thanh Hoá hiếm hoi đủ năng lực đá chính ở LS.Thanh Hoá hiện tại.

Thực ra, với bất cứ đội bóng nào, với bất cứ cá nhân lãnh đạo (hoặc ông chủ nào), họ đều quan tâm tới yếu tố địa phương, tới màu cờ sắc áo. Nó là cốt lõi, là nền tảng. HPHN trước khi có HLV Nguyễn Thành Vinh (người Nghệ An), họ luôn cố săn tìm các cầu thủ có gốc gác bóng đá Thủ đô (dù không hẳn là người Hà thành). HNACB cũng thế.

Tư duy “về cội”, “bản địa” có sẵn trong tiềm thức con người. Đó giống như một phẩm chất ưu tú của con người. Chỉ đôi khi, nó bị đẩy tới trạng thái tiêu cực, thì người ta chuyển sang gọi là nó là “cục bộ địa phương”.

Những người làm bóng đá Thanh Hóa đặt ra vấn đề người Thanh Hóa trong thành phần đội bóng Lam Sơn Thanh Hóa không sai. Chỉ có điều, phải trả lời được là họ có “quyền” và có điều kiện để thực hiện nó hay không đã!

Khi Thanh Hóa mua về cả đội bóng Thể Công để có được một dàn cầu thủ có trình độ và kèm theo đó (nhưng không kém quan trọng) là có chỗ ở mâm cao (V-League) của làng bóng Việt, rồi thẳng thừng xóa sổ đội bóng Thanh Hóa gốc, bán đi hơn chục cầu thủ có hộ khẩu tỉnh Thanh và uống nước nguồn sông Mã từ tấm bé, cũng có thể hiểu, là họ đã không đặt yếu tố bản sắc và truyền thống lên trên hết nữa rồi.

Thanh Hóa đã đôn lên (hoặc chuyển ngang sang) gần chục cầu thủ từ đội bóng đã bị xóa sổ (rút khỏi giải hạng Nhất). Nhưng có mấy người trong số đó đủ khả năng đá chuyên nghiệp? Thực tế chỉ ra rằng, suốt 3 mùa Thanh Hóa đá V-League, cũng chỉ có Đình Tùng trong số đó là luôn có vị trí chính thức, dù đó là Trần Văn Phúc, Văn Tiến, Quang Hà dẫn dắt.

Đình Tùng cũng không chỉ đủ khả năng đá V-League, mà còn thừa cả những phẩm chất để so đọ với quân Thể Công, những người cùng tuổi hoặc chơi cùng vị trí. So sánh công bằng phải thừa nhận điều đó và phải khẳng định nếu nói về chân sút nội ở Lam Sơn Thanh Hóa, Tùng vẫn là số 1.  

Những người còn lại không có đủ những phẩm chất đó, kể cả Văn Tuấn hay Văn Thắng và một cầu thủ vẫn tự coi mình chưa phải là người Thể Công (dù đã cầm 3 tỉ của Viettel và ăn lương 40 triệu/tháng trong suốt mùa 2009), là Mai Xuân Hợp.

HLV Vũ Trường Giang chưa bao giờ được đánh giá là một chiến lược gia cự phách. Nhưng cũng chưa ai nghi ngờ ông ở tính công bằng, bên cạnh một triết lý sống phải có tình và phải có đầu có cuối. Nếu Lam Sơn Thanh Hóa có “mệnh hệ” gì ở cuộc chơi khốc liệt này, thì đó chỉ là vấn đề chuyên môn, chứ không phải giữa con người với con người.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm