Lối sống mới 'mặc kệ cuộc đời mục rữa' hấp dẫn đến đâu mà khiến giới trẻ Trung Quốc chạy theo điên cuồng?

14/11/2022 13:00 GMT+7 | Văn hóa Xã hội 247

Lối sống mới 'mặc kệ cuộc đời mục rữa' hấp dẫn đến đâu mà khiến giới trẻ Trung Quốc chạy theo điên cuồng?

Người trẻ Trung Quốc đang ngày càng thất vọng, mất hết niềm tin với công việc và cuộc sống. Cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều người từ bỏ ước mơ và chọn bỏ mặc tất cả, sống bên lề xã hội.

Tháng 3/2022, mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một thuật ngữ mới: Bailan - "Mặc kệ nó mục rữa", đang được thế hệ trẻ Trung Quốc sử dụng để bày tỏ sự thất vọng và mô tả tư duy nghiêng về sự buông thả bản thân, tránh xa những kỳ vọng trong cuộc sống dường như không có ý nghĩa cũng không thể đạt được.

“Bailan” được cho là sự phát triển một tầm cao mới của lối sống “pingtang” (nằm im) đã và đang thịnh hành trong giới trẻ Trung Quốc từ năm 2021. “Nằm im” chỉ lối sống đề cao sự thư giãn, không cần quá nhiều mục tiêu.

Bailan - lối sống mới “mặc kệ cuộc đời mục rữa” của giới trẻ Trung Quốc

Lối sống mới 'mặc kệ cuộc đời' hấp dẫn đến đâu mà khiến giới trẻ Trung Quốc chạy theo điên cuồng? - Ảnh 1.

Đầu tiên, “bai” chủ yếu có nghĩa là sắp đặt, an bài; “lan” có nghĩa là thối rữa, mục rữa. Ghép hai từ lại với nhau, “bailan” có nghĩa: mặc kệ nó mục rữa.

Do đó, “bailan” chỉ một việc không thể phát triển theo hướng tốt đẹp, vậy thì dứt khoát buông bỏ, mà không cần áp dụng bất kỳ phương pháp cứu vãn nào, cứ để chuyện đó tiếp tục phát triển theo hướng đi xuống, chỉ sự buông xuôi và chấp nhận lao mình vào tuyệt vọng sâu thẳm.

Thuật ngữ mới này, nghe thì có gì đó hài hước và sáo rỗng, nhưng lại chứa đựng cả một thực trạng trong xã hội Trung Quốc hiện nay. 

Thuật ngữ "bailan" được cho là xuất phát từ một chiến lược thụ động trong bóng rổ. “Bailan” chỉ một đội thua cuộc ngừng cố gắng giành chiến thắng để trận đấu kết thúc nhanh hơn.

Các bài đăng liên quan đến chủ đề này tính đến hiện tại đã có hơn 91 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Để thể hiện việc bản thân đang đắm mình trong lối sống “bailan”, nhiều người chia sẻ lên Xiaohongshu (nền tảng chủ yếu đăng tải hình ảnh tương tự Instagram), bày tỏ sự nghỉ ngơi, mệt mỏi và buồn bã với với những hashtag #tired  #f---it, đồng thời khuyến khích “buông bỏ tất cả và cùng nhau mục rữa”. Hashtag có hơn 2,3 triệu kết quả trên nền tảng.

Người trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên 18,7% vào tháng 8/2022, giá nhà ở có thể đắt gấp 14 lần mức lương trung bình, môi trường tìm kiếm đối tượng kết hôn phức tạp, cả sự bất lực trong việc chăm sóc cha mẹ già và nuôi con.

Lối sống mới 'mặc kệ cuộc đời mục rữa' hấp dẫn đến đâu mà khiến giới trẻ Trung Quốc chạy theo điên cuồng? - Ảnh 3.

Năm 2021, Lý, một nhà thiết kế tự do và cũng là người "nằm im", nói rằng anh thừa biết làm việc ở công ty có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhà ở và cái ăn cái mặc cũng được cải thiện. Nhưng thật sự không đáng khi phải đánh đổi cuộc sống thoải mái bằng “ngủ 3 giờ mỗi ngày và gần như không có thời gian rảnh rỗi”.

"Bây giờ bát mì đơn giản cũng rất ngon đối với tôi, chăn nệm hiện tại cũng đủ ấm và mềm. Tôi thấy không có lý do gì để cố gắng hơn nữa", Lý chia sẻ.

“Bailan” phản ánh sự phản đối chống lại cạnh tranh quá mức và chứng kiến bạn bè làm việc cho đến chết trong văn hóa làm việc "996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) do thị trường lao động ngày càng thu hẹp. Nhưng "nằm im" ít nhất vẫn còn mục tiêu “sống cho hiện tại”, còn “bailan” dường như là cảm giác tê liệt khi đối mặt với tương lai không thể thay đổi và không lý tưởng.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại xu hướng này có thể làm tổn hại đến một nền kinh tế vốn đang chậm lại và tác động thêm đến tỷ lệ sinh vốn đã thấp kỷ lục ở Trung Quốc. 

"Có thể ban đầu chỉ một nhóm nhỏ người thực sự 'mặc kệ nó mục rữa', nhưng khi thuật ngữ này được đưa lên mạng xã hội và phóng đại bởi sức mạnh lan truyền, hiện tượng này tạo ra tác động rất lớn trong xã hội hiện tại", giáo sư Đại học Phúc Đán Thượng Hải, Thạch Lỗi cho biết.

Nghiêm Kiệt, một nhân viên IT tại Thượng Hải, nói với SCMP, “bailan” là lý do bao biện cho đạo đức nghề nghiệp của anh đang ngày càng suy đồi.

"Tôi cố gắng trốn tránh để không phải đảm nhận các nhiệm vụ trong công ty. Nếu buộc phải làm việc, tôi vẫn sẽ làm nhưng không đến nơi đến chốn".

Người trẻ khó tìm việc làm, “thành gia lập nghiệp” gần như trở thành điều không thể

Lối sống mới 'mặc kệ cuộc đời mục rữa' hấp dẫn đến đâu mà khiến giới trẻ Trung Quốc chạy theo điên cuồng? - Ảnh 4.

Quách Tinh Tinh, 30 tuổi, chia sẻ bình thường mỗi công việc mà cô làm không thể duy trì quá nửa năm hoặc 1 năm. Cô gọi điều này là lối sống mới “làm việc không liên tục và kiên trì nằm im”. Hiện tại, chưa đến 1 năm, cô đã bị sa thải 2 lần.

Người trẻ Trung Quốc đang ngày càng thất vọng, mất hết niềm tin với công việc và cuộc sống. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến nhiều người từ bỏ ước mơ và chọn bỏ mặc tất cả, sống bên lề xã hội.

“Thuật ngữ này phản ánh áp lực và sự thất vọng của người trẻ”, Giả Diểu, giáo sư xã hội học tại trường đại học New York tại Thượng Hải nói. “Nằm im” chính là từ chối lao động quá độ, chỉ làm những việc cơ bản trong cuộc sống, bao gồm ăn uống ngủ nghỉ.

“Mục rữa là việc giới trẻ từ bỏ mọi nỗ lực trong cuộc sống, vì họ không thể tìm thấy bất kỳ hy vọng nào”, Giả Diểu bổ sung, “mục rữa” tiêu cực hơn rất nhiều so với “nằm im”, người trong cuộc không còn ôm bất kỳ hy vọng với tất cả mọi việc.

Giả Diểu nói, “nằm im” và “thối rữa” là hai từ hiện hành phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt mà giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt.

“Mặc dù cạnh tranh là phần không thể tránh khỏi trong xã hội, nhưng hiện thực lại quá khốc liệt, người trẻ hiện nay tìm việc rất khó khăn”.

Theo thống kê của Trung Quốc, tháng 7/2022, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi 16 đến 24 lên đến 20% (năm 2021 là 16,2%), cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố trong cả nước là 5,6%.
Lối sống mới 'mặc kệ cuộc đời' hấp dẫn đến đâu mà khiến giới trẻ Trung Quốc chạy theo điên cuồng? - Ảnh 5.

Quách Tinh Tinh bị sa thải 2 lần trong thời gian chưa đến 1 năm. Lần đầu tiên là tháng 7/2021, khi đó cô đang làm việc trong một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ giáo dục, nhưng bị buộc nghỉ vì chính sách đổi mới của Trung Quốc. 

Sau đó, cô quyết định nghỉ ngơi nửa năm để đi du lịch nhiều nơi trong nước. Tháng 2/2022, cô trở về quê nhà ở Thâm Quyến, làm việc trong công ty bất động sản. Nhưng chưa được bao lâu, cả bộ phận của cô đều bị cho nghỉ việc.

“Tôi không thể chịu đựng được nữa… Thị trường việc làm năm nay quá chua chát. Khi tôi cố gắng tìm công việc khác, ngành khoa học công nghệ cũng thông báo cắt giảm nhân sự trên diện rộng. Tôi tìm việc đến điên loạn, nhưng không thể tìm được công việc phù hợp”.

Thế là cô “nằm im” để “trốn tránh hiện thực”. Quách Tinh Tinh chỉ làm công việc bán thời gian để chi trả vừa đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Khưu Hiểu Thiên, 31 tuổi, cũng “nằm im”, và gần như chạm đến trạng thái "mục rữa". Anh chàng làm nghề nhiếp ảnh chia sẻ: “Lối sống mặc kệ cuộc đời giúp tôi buông bỏ những kỳ vọng trong xã hội. Ví dụ như nếu giá nhà cao như thế, tôi không cần thiết phải có nó nữa, vì cưỡng cầu khiến tôi chịu rất nhiều áp lực”.

“Thành gia lập nghiệp”, có nhà có sự nghiệp là một định nghĩa của thành công của người Trung Quốc. Có nhà, có xe, có công việc đầy tự hào, còn sở hữu tài sản khổng lồ.

Song nhiều người không còn hy vọng quá nhiều trong thị trường việc làm bất ổn hiện nay, mặc dù họ vẫn đang cố gắng làm việc mỗi ngày.

Giả Diểu đưa ra ví dụ người trẻ Trung Quốc muốn mua nhà, mua căn hộ ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh là điều gần như không thể.

“Do đó, nhiều người lựa chọn cách trốn tránh vấn đề. Họ từ chối việc cạnh tranh vì tiền, căn hộ và hôn nhân”, Giả Diểu nói.

“Cho dù tôi đã kết hôn, nhưng tôi cũng không muốn có con. Tôi không thể cho con cuộc sống tốt”, Khưu Hiểu Thiên bộc bạch.

Nguồn: SCMP, Insider

Trung Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm