(TT&VH) - Đã qua ba ngày trọng tâm trong chương trình làm việc, gồm có buổi khai mạc gặp gỡ, bốn cuộc hội thảo chuyên đề, trưng bày triển lãm sách dịch, gặp gỡ nhà văn trẻ và đại diện các nhà xuất bản lớn, Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới dường như vẫn loay hoay chưa biết giới thiệu cái gì, cho ai, và giới thiệu như thế nào?
Danh mục tác giả, tác phẩm tiêu biểu vẫn chưa có
Ngay từ mấy tháng trước khi chuẩn bị cho chương trình hội nghị, lãnh đạo Hội Nhà văn cho biết, sẽ thành lập tiểu ban soạn thảo nội dung, trong đó có việc chuẩn bị những công trình lớn tập hợp các tác phẩm tiêu biểu từ trước đến nay để giới thiệu. Đó sẽ là các công trình: Lược sử các tác gia Việt Nam, Tuyển tập truyện ngắn hay thế kỷ 20 và Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20. Nhưng cuối cùng thì những cuốn sách này đã không thể soạn thảo và in ấn kịp trong dịp hội nghị.
Dịch giả Gunter Giesenfeld tìm hiểu danh mục sách của NXB Thế giới. Đây là NXB hiếm hoi có tờ catalogue bỏ túi giới thiệu danh mục sách đã xuất bản, nhưng lại chủ yếu là sách đã được dịch ra các thứ tiếng. |
Ban tổ chức cho biết, tài liệu chính sẽ là cuốn kỷ yếu, trong đó thống kê các danh mục tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam từ cổ chí kim để nhằm cung cấp sơ bộ cho các dịch giả quốc tế một cái nhìn toàn cảnh, hệ thống và tiêu biểu về văn học Việt Nam qua các thời kỳ.Vậy nhưng, khi hội nghị khai mạc, vẫn không thấy cuốn kỷ yếu đâu. Hỏi một thành viên trong Ban tổ chức thì được trả lời là ngày mồng 7 mới có. Và cho đến hôm qua, 7/1, trong buổi gặp gỡ tiếp xúc của các dịch giả nước ngoài với các nhà xuất bản, hỏi ông Đỗ Văn Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn VN thì được biết, phải đợi đến tuần sau. Trong khi, hội nghị sẽ kết thúc và các đại biểu sẽ về nước vào cuối tuần này.
Ông Đỗ Hàn nói, do điều kiện soạn thảo và in ấn không thể kịp, Hội sẽ tìm cách gửi tới các đại biểu quốc tế sau.
Cách thức hội thảo quá “cổ điển”, tham luận ít tập trung
Cả bốn cuộc hội thảo được tổ chức vừa qua ở bốn địa điểm khiến không một đại biểu nào có thể dự đầy đủ để có hình dung tổng quát về văn học Việt Nam.
Hơn thế, tham luận tại các buổi thảo luận chuyên đề phần nhiều đi chệch hướng chính của nó. Cả bốn hội thảo về văn học cổ, văn xuôi hiện đại, thơ và gặp gỡ văn trẻ theo một cách cổ điển nhất là từng đại biểu đọc tham luận. Mà các tham luận chủ yếu đề cập đến những điều vĩ mô, chung chung, mơ hồ và “cũ kỹ”, trong đó phần nhiều khẳng định lại ý nghĩa, giá trị lịch sử, truyền thống và đổi mới... của văn học. Rất hiếm có những ý kiến đưa ra các giải pháp cụ thể hay những kinh nghiệm về dịch thuật và xuất bản văn học Việt Nam ở các nước.
Một số tham luận trong đó có thể rất có giá trị trong một hội thảo văn học chuyên sâu về vấn đề học thuật, nhưng lại dường như không mấy thiết thực trong một cuộc thảo luận tìm giải pháp xuất khẩu văn học.
Ngay tại cuộc gặp gỡ các nhà văn trẻ, thay vì một buổi tiếp xúc giới thiệu, làm quen với các giả, tác phẩm mới của Việt Nam, các đại biểu lại ngồi nghe... tham luận. Mà phần lớn trong số đó lại bàn về hậu hiện đại - một thứ đã cũ ở các nước phương Tây. Một số nhà văn trẻ cũng không ý thức được rõ đây là cơ hội để cho bạn bè thế giới biết mình là ai, mình có gì. Thay vì đó, họ lại chuẩn bị những bài phát biểu tự vấn kiểu như nhà văn, bạn là ai, bạn sáng tạo như thế nào.v.v...
Sách dạy nấu ăn được trưng bày tại Hội nghị Giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới(!)
Tại buổi làm việc với các nhà xuất bản, hoạt động được kỳ vọng là sẽ tạo ra các cơ hội tiếp xúc gặp gỡ ban đầu để mở ra cánh cửa thiết thực trong giao lưu văn học hôm qua, chương trình làm việc lại vẫn quá ư cứng nhắc. Thay vì ngồi bàn tròn hoặc tự do đi lại trong một không gian trưng bày sách văn học Việt, thì các đại biểu lại ngồi trong hội trường, bên trên sân khấu là Đoàn chủ tịch và giám đốc các nhà xuất bản lần lượt lên phát biểu. Những lời giới thiệu về danh mục các tác giả, tác phẩm mà nhà xuất bản của họ in ấn, phát hành dường như cũng lọt thỏm trong cái hội trường rộng lớn. Và cũng trái với hình dung của nhiều người, gian trưng bày sách của các nhà xuất bản để chung quanh ba góc hội trường quá sơ sài và lẻ tẻ. Thiếu vắng các nhà xuất bản lớn ở phía Nam như NXB Trẻ, không có mặt các công ty phát hành sách lớn như Fahasha, Phương Nam Books, và cũng không hề có mặt một công ty sách tư nhân nào.
Đừng để bạn bè quốc tế “chưng hửng”
Đáng ngạc nhiên hơn, trên quầy trưng bày giới thiệu về sách văn học Việt Nam trong hội nghị được cho là tầm cỡ quốc tế, còn có cả những cuốn sách dạy nấu ăn, sách về kỹ năng sống... Hỏi một câu hỏi chung, ông (bà) tìm thấy tác phẩm nào mà mình ưa thích tại đây không? Nhà văn Amitava Chakraborti (Ấn Độ) và Pert Komers (CH Séc) đều có cùng câu trả lời là “ít quá”. Hơn nữa, họ muốn có tờ giới thiệu bằng tiếng Anh tóm tắt về các tác phẩm, tác giả, chí ít cũng là danh mục sách của NXB. Nhưng tại đây, chỉ có một vài NXB có catalogue, nhưng lại bằng tiếng Việt.
Một số tham luận của các đại biểu nước ngoài như Yulia Starshinova (Nga), Sim. Vanna (Campuchia) Andrzei Grabowski (Ba Lan) cho thấy rằng văn học Việt Nam vẫn là một cái gì đó hết sức chung chung, mơ hồ đối với chính họ. Phần lớn những đại biểu nước ngoài được mời đến hội nghị lần này, hầu như chưa biết gì về văn học Việt Nam. Những người khác biết một số ít ỏi tác giả, tác phẩm và đã có sự tiếp xúc từ hơn nửa thế kỷ trước. Những tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi... đối với họ là những kỷ niệm đẹp. Nhưng từ bấy đến nay, họ hầu như không được cập nhật gì thêm. Và tại hội nghị này, chính bản thân những dịch giả cũng loay hoay không biết tìm hiểu thêm ở đâu về các tác giả, tác phẩm mà họ chưa biết ở đâu cả. Nhà văn, dịch giả người Đức Gunter Giesenfeld Vorsitzender chia sẻ, ông quan tâm đến tác giả trẻ Di Li vì được nghe nói về những cuốn sách của cô ấy gần đây, nhưng không biết tìm cô ấy ở đâu. (Trong lúc đó thì, tác giả Di Li được mời đến hội nghị). Còn bà Porpen Hantrakool, đại biểu Thái Lan cho biết, bà thích thơ Nguyễn Bính, nhưng cũng không biết tìm mua ở đâu.
Điểm chung nhất về giải pháp mà các đại biểu nước ngoài đưa ra là chúng ta cần phải có những bản tóm tắt về tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam để họ có thể có được một hình dung sơ bộ. Về lâu dài, cần thiết phải thành lập một Quỹ dịch thuật văn học, một cơ quan chuyên trách, và đặc biệt, là nỗ lực của từng cá nhân như là những “đại sứ văn hóa”. Theo họ, Việt Nam có một nền văn học có bề dày và giá trị vô giá, nhưng đúng là chưa biết cách làm thế nào để tiếp cận được với bạn bè thế giới.
Nhật Vũ