Loay hoay tìm tên phố

01/08/2019 06:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ các tên đường phố hiện có, đồng thời tháo dỡ những biển tên phố tự phát (nếu có). Đó là thông tin mới nhất được đưa ra quanh vụ “đường Ngô Minh Dương”. Việc một con đường được gắn cái tên này “lạ đời” này vừa được xác định: đây là tấm biển do… một đơn vị thi công tự ý gắn lên.

Rà soát, xử lý việc tự ý gắn biển tên đường, phố trên địa bàn Hà Nội

Rà soát, xử lý việc tự ý gắn biển tên đường, phố trên địa bàn Hà Nội

Trước thực trạng một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội xuất hiện việc tự ý gắn biển tên đường, phố gây hiểu nhầm cho nhân dân và khó khăn trong công tác quản lý đô thị, ngày 30/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, xử lý vấn đề này.

Và từ câu chuyện rà soát các biển tên, nhiều người lại nhắc tới sự gần gũi đối với cộng đồng của những tên phố được đặt theo tên danh nhân, đồng thời suy nghĩ về những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đặt, đổi tên đường phố.

Thực tế, trong những cuộc tọa đàm về vấn đề này, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: một số danh nhân đã đặt tên cho các đường phố nhưng vẫn ít được người dân biết tới rộng rãi – đặc biệt là những danh nhân thuộc một lĩnh vực hoặc chuyên ngành hẹp.

Lý do của điều ấy khá đơn giản: với kiến thức chung của người dân, những nhân vật xuất chúng, có công lao nổi bật, làm thay đổi diện mạo chung của lịch sử và văn hoá dân tộc… không thể quá nhiều. Và theo thời gian, quỹ tên ấy cũng đã dần được sử dụng hết – khi mà Thủ đô hiện có khoảng 1.200 tên đường phố, đồng thời mỗi năm xuất hiện bổ sung thêm khoảng 30 cái tên mới.

Bởi thế, cũng cần thông cảm, nếu trong một số trường hợp, cộng đồng chưa hiểu rõ về tên một danh nhân mới xuất hiện trên đường phố. Nhưng tất nhiên, thông cảm không có nghĩa là bỏ qua chuyện này, mà cần có giải pháp phù hợp để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân đó.

***

Thật ra, để dễ nắm bắt và hiểu về các tên đường phố, Hà Nội từng có cách làm khá khoa học – mà người mở đầu là bác sĩ Trần Văn Lai – thị trưởng đầu tiên của Hà Nội. Cách phân bổ hệ thống tên đường của ông đến giờ vẫn được cho là tiện dụng và thông minh.

Chú thích ảnh
Đoạn đường có tên tự gắn Ngô Minh Dương. Ảnh: Internet

Chẳng hạn, khu vực Hồ Gươm gắn với các danh nhân thời kỳ đầu dựng nước như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ. Phố chính Trần Hưng Đạo giáp với một loạt phố nhỏ mang tên các cận tướng gần gũi như Nguyễn Chế Nghĩa, Dã Tượng, Yết Kiêu. Hoặc, phố Lê Thái Tổ nối với các phố mang tên những tướng Lam Sơn như Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ. Rồi, dù nhà Hậu Trần chỉ xuất hiện rất ngắn, nhưng các tướng lĩnh thời kỳ này cũng được “xếp cạnh nhau” ở gần Hồ Tây như Nguyễn Biểu, Đặng Tất, Đặng Dung.

Có nghĩa, dù thiếu kiến thức về lịch sử, người ta cũng có thể “ang áng” đoán được xuất xứ của danh nhân được đặt tên cho một con phố nào đó ở thủ đô. Và theo thời gian, cách làm này vẫn tiếp tục được thực hiện. Điển hình, khu vực gần trường Đại học Y Hà Nội gắn với những bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng – trong khi “bao vây” khu Văn Miếu là các danh nho Cao Bá Quát, Ngô Tất Tố, Nguyễn Khuyến.

Tất nhiên, khi Hà Nội phát triển và mở rộng diện tích, cách làm này không dễ để áp dụng – khi chúng ta thiếu khả năng dự báo và quy hoạch đồng bộ về sự xuất hiện của các phố mới, cũng như quỹ tên đường tương ứng.

***

Đã đến lúc, bên cạnh việc xây dựng ngân hàng tên đường phố - điều mà Hà Nội đang làm - thành phố cũng cần nghĩ tới những “giải pháp phụ” để giúp người dân hiểu về những danh nhân được chọn đặt tên.

Thẳng thắn, cách làm như bác sĩ Trần Văn Lai vẫn có thể nghiên cứu phần nào ở những khu đô thị mới, với những đường phố được đặt tên cùng một thời điểm.

Rồi, khoảng 7 - 8 năm trước, một số đường phố chính tại Hà Nội từng được gắn kèm “bảng chú giải” ở biển tên, với những chú giải ngắn gọn về xuất xứ và vai trò của danh nhân được chọn đặt tên phố. Rõ ràng, đó là một cách làm dễ áp dụng và phổ biến.

Đặc biệt, cần nói thêm, bản thân việc chọn lựa danh xưng của nhân vật được đặt tên phố cũng sẽ là điều phải được cân nhắc kĩ trong tương lai. Chẳng hạn, đã có ý kiến rằng cái tên Nguyễn Khắc Hiếu của con phố nằm gần Hồ Tây sẽ trở nên dễ nhận biết hơn với cộng đồng nếu thay bằng hai chữ “Tản Đà”. Hoặc, phố Nguyễn Hoàng ở quận Nam Từ Liêm nên được thay bằng “Chúa Tiên Nguyễn Hoàng” vừa trang trọng vừa… dễ hiểu.

Có thể phức tạp, nhưng những yêu cầu ấy cần sớm được nghiên cứu – khi mà đằng sau mỗi đường phố mang tên danh nhân là một câu chuyện rất dài về lịch sử, văn hóa và cả sự tri ân với tiền nhân của cộng đồng hiện tại.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm