Loạt thủ môn tại ASEAN Cup 2024 sai lầm: Màn 'tấu hài' của những người gác đền

16/12/2024 06:22 GMT+7 | AFF Cup 2024

Hazig Nadzli đã trải qua một đêm mất ngủ khi trở thành tội đồ khiến Malaysia thất thủ trước Thái Lan. Điều duy nhất có thể an ủi thủ thành này: đó không phải màn "tấu hài" duy nhất ở AFF Cup 2024.

ASEAN Cup 2024 đã mang đến nhiều khoảnh khắc ấn tượng, nhưng cũng chứng kiến không ít sai lầm đáng tiếc từ những người gác đền. Trong số đó, những pha xử lý như bị… Andre Onana "nhập" của các thủ môn Malaysia, Campuchia và Việt Nam đã trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.

Từ Hazig Nadzli đến Đình Triệu

Trở lại với trận cầu Malaysia vs Thái Lan, một cuộc so tài được xem như chung kết của bảng A. Malaysia đã có một trận đấu không tồi trên sân Rajamangala của nhà đương kim vô địch Thái Lan. Hệ thống phòng ngự của đội khách đã có một hiệp một chắc chắn để hạn chế tối đa sự nguy hiểm từ các chân sút chủ nhà. Nhưng đến hiệp hai, khi họ chủ động tấn công tìm bàn thắng thì sai lầm xuất hiện và nó đến từ chốt chặn cuối cùng.

Từ đường chuyền về của đồng đội, Hazig đã chuyền bóng thẳng vào chân Suphanat Mueanta. Thần đồng Thái Lan chỉ chờ có thế để chuyền bóng cho Patrik Gustavson ghi bàn duy nhất. Trận thua 0-1 này khiến Malaysia có nguy cơ bị loại ngay từ vòng bảng. Không ngạc nhiên khi cộng đồng mạng Malaysia chỉ trích nặng nề Hazig. Họ còn moi lại ký ức buồn của anh ở chung kết SEA Games 2017 (trước U22 Thái Lan). Khi ấy, Hazig đấm bóng phản lưới nhà khi cố gắng hóa giải một quả phạt góc.

Hazig buồn một thì Vireak Dara "gấp đôi nỗi sầu". Thủ thành 21 tuổi đã trở thành một gã hề thực sự bởi hai sai lầm chết người trong trận đấu với Singapore. Đầu tiên là cú phá bóng trượt ở phút thứ 9 sau một đường chuyền về, giúp Faris Ramli lao xuống ghi bàn mở tỷ số cách dễ dàng. Chưa dừng lại ở đó, phút 16, Vireak lại chuyền lỗi khiến Shawal Anuar ghi bàn thứ hai cho Singapore. Bất chấp những nỗ lực sau đó, Campuchia chỉ tìm được một bàn gỡ, chứ không thể tránh khỏi thất bại. Cây bút Gabriel Tan của Singapore sau đó đã phải thốt lên rằng: "Campuchia đã tặng Singapore hai món quà".

Không đến nỗi trả giá đắt như hai người đồng nghiệp, song thủ thành Đình Triệu cũng gián tiếp mắc lỗi dẫn đến bàn thua duy nhất của Việt Nam trước Lào. Phút bù giờ cuối hiệp 2, anh chuyền bóng lỗi, tạo ra tình huống tranh chấp khiến Duy Mạnh phạm lỗi trong vòng cấm địa. Lào ghi bàn danh dự nhờ cú sút phạt đền của Bounkong, chấm dứt chuỗi 26 năm không ghi bàn vào lưới Việt Nam trong các trận chính thức.

Một loạt thủ môn tại ASEAN Cup 2024 mắc sai lầm: Màn “tấu hài” của những người gác đền - Ảnh 1.

Một loạt các thủ môn mắc sai lầm ở ASEAN Cup 2024 tuần vừa qua

Giải đấu thiếu vắng các thủ môn giỏi

Các sai lầm liên tiếp trong giải năm nay đặt ra câu hỏi về chất lượng thủ môn tại khu vực. So với những mùa trước, ASEAN Cup 2024 thiếu vắng nhiều thủ môn hàng đầu vì nhiều lý do khác nhau.

Đặng Văn Lâm, người hùng trong chiến tích vô địch AFF Cup 2018 của Việt Nam đã bị loại vào phút chót vì chấn thương. Nguyễn Filip là một thủ môn giỏi, nhưng không được bắt chính ở trận gặp Lào có lẽ vì hạn chế về ngôn ngữ. Neil Etheridge, thủ thành từng bắt ở Anh, đã không được Buriram United nhả về dự ASEAN Cup 2024 cùng Philippines do giải đấu này không nằm trong hệ thống của FIFA. Tương tự là trường hợp của Maarten Paes (FC Dallas), thủ thành số một của Indonesia.

Sự thiếu hụt những thủ môn chất lượng đã buộc nhiều đội bóng phải dựa vào các gương mặt trẻ hoặc ít kinh nghiệm, dẫn đến những sai lầm đáng tiếc. Đây là một lời cảnh báo về việc cần phải xây dựng chiều sâu đội hình tốt hơn, đặc biệt là ở vị trí thủ môn. Nhưng trước mắt, các HLV cần tìm kiếm các giải pháp tức thời để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực từ những lỗi cá nhân của thủ môn trong phần còn lại của giải đấu.

Giải pháp nào để giảm thiểu "tấu hài"?

Một điều dễ nhận thấy ở Campuchia sau khi thua liên tiếp hai bàn trong vòng 7 phút hiệp một là họ gần như không chuyền về cho Vireak Dara nữa, và thậm chí thà đá ra biên còn hơn là chuyền về. Đó là phản ứng dễ hiểu khi Vireak đang bị tâm lý. Rõ ràng, các hậu vệ cần duy trì sự tập trung cao độ, tránh thực hiện các đường chuyền về mạo hiểm, đặc biệt trong điều kiện thủ môn chịu áp lực từ đối phương. Bên cạnh đó, họ cần hỗ trợ bằng cách tạo khoảng trống hoặc mở ra những tùy chọn chuyền bóng an toàn cho thủ môn.

Sự điều chỉnh chiến thuật dĩ nhiên cũng rất quan trọng. Cụ thể: các HLV có thể yêu cầu hạn chế chuyền ngắn qua thủ môn trong khu vực nguy hiểm. Thay vào đó, ưu tiên phát bóng dài để giảm nguy cơ mất bóng trước áp lực pressing từ đối thủ. Tất nhiên, điều quan trọng không kém là tăng cường sự giao tiếp giữa thủ môn và hàng phòng ngự, tránh những hiểu lầm dẫn đến sai sót. Và chính các thủ môn phải tự rút ra bài học cho chính mình bằng cách phân tích kỹ từng tình huống để hiểu rõ nguyên nhân và xử lý hiệu quả hơn ở các tình huống tương tự.

Bên cạnh vấn đề chuyên môn, tâm lý và sự tự tin cũng rất quan trọng. Sau những sai lầm, tâm lý của thủ môn thường bị ảnh hưởng. Đội ngũ ban huấn luyện và đồng đội cần động viên, tạo điều kiện để thủ môn lấy lại tự tin, sẵn sàng đối mặt với những thử thách kế tiếp.

Giải pháp dài hạn cho vấn đề thủ môn

Để cải thiện chất lượng thủ môn và tránh lặp lại những sai lầm trong tương lai, các liên đoàn bóng đá trong khu vực Đông Nam Á cần thực hiện một số biện pháp:

+ Đầu tư đào tạo chuyên sâu: Các liên đoàn cần xây dựng chương trình đào tạo thủ môn chuyên biệt từ cấp độ trẻ, tập trung vào kỹ năng cơ bản như chơi chân, phát bóng và xử lý tình huống áp lực.

+ Học hỏi từ các nền bóng đá phát triển: Việc cử các thủ môn trẻ sang tập huấn tại các CLB lớn ở châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ giúp họ nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

+ Tăng cường số lượng trận đấu chất lượng cao: Các thủ môn cần được tham gia thường xuyên vào các trận đấu có cường độ cao tại giải quốc nội hoặc quốc tế để rèn luyện tâm lý và phản xạ.

+ Sử dụng chuyên gia thủ môn: Mời các HLV thủ môn có kinh nghiệm quốc tế về làm việc tại các đội tuyển, giúp các thủ môn cải thiện các điểm yếu cụ thể trong thời gian ngắn.

+ Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ: Những thủ môn trẻ cần được tạo điều kiện thi đấu nhiều hơn ở cấp CLB và quốc gia để trau dồi kinh nghiệm.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm