Liverpool đã có chủ mới: Từ người Mỹ đến... người Mỹ

07/10/2010 11:23 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Cuối cùng thì thời đại của Tom Hicks và George Gillett ở Anfield cũng sắp kết thúc sau khi một hợp đồng bán lại Liverpool cho công ty Mỹ New England Sports Ventures (NESV) vừa được hoàn tất vào ngày 7/10.

Thỏa thuận nói trên giờ chỉ còn chờ sự chuẩn y của ban tổ chức Premier League và một nghị quyết chính thức từ ban quản trị CLB sau khi họ đã có cuộc gặp mặt kéo dài xuyên đêm thứ ba. Chủ tịch điều hành của Liverpool Martin Broughton tuyên bố: “Ban quản trị đã chấp nhận đề nghị của NESV trên cơ sở phù hợp nhất với các điều kiện mà chúng tôi đề ra ban đầu với chủ nhân mới của CLB. Chúng tôi đã có các cuộc gặp ở Boston, London và Liverpool trong vài tuần qua và tôi hết sức ấn tượng với những gì họ đã đạt được cũng như tầm nhìn của họ về CLB. Với việc trả dứt điểm các khoản nợ, điều này sẽ cho phép chúng tôi đầu tư vào đội bóng. Tôi chỉ hơi thất vọng là các ông chủ hiện giờ đã tìm mọi cách để ngăn cản hợp đồng này và chúng tôi đã phải mất quá nhiều thời gian hoàn tất việc bán lại CLB”.

Henry, ông chủ mới của Liverpool - Ảnh Getty

NESV sở hữu một danh mục đầu tư vào các công ty khá danh tiếng, bao gồm đội bóng chày Boston Red Sox, thuộc sở hữu của John William Henry II, một tay đầu tư quỹ tín thác nổi tiếng với tài sản vào khoảng 545 triệu bảng, hiện đang đầy tham vọng mở rộng công việc làm ăn ở lĩnh vực thể thao. Henry đã trao việc thương lượng cho Giám đốc điều hành của đội bóng chày, Larry Lucchino, một chuyên gia về mua lại và xây mới sân vận động. Chính sự tham gia của Lucchino giúp tăng khả năng thành công cho thỏa thuận bởi Broughton và Giám đốc điều hành Liverpool Christian Purslow luôn nhấn mạnh vào việc chủ mới phải đầu tư để xây một sân bóng khác ở Stanley Park.

Ngoài ra, Henry tỏ ra khá có duyên với các đội thể thao. Ông mua lại Red Sox vào năm 2002 với giá gần 420 triệu bảng và kể từ đó họ đã giành hai chức vô địch World Series. Tuy nhiên, nhà tài phiệt 61 tuổi này cũng từng có nhiều quyết định gây tranh cãi liên quan đến đội bóng chày của Boston, bao gồm việc buộc họ thay đổi áo đấu truyền thống và tăng giá vé 200%.

*Khi Hicks và Gillette phải nhượng bộ

Tranh cãi giữa một bên là Hicks và Gillett, bên kia là những thành viên người Anh trong ban quản trị Liverpool về vụ bán lại CLB đã trở nên hết sức gay gắt vào tối thứ Ba. Trong khi Broughton và Purslow coi hợp đồng mới là rất triển vọng, bộ đôi người Mỹ muốn câu giờ để có thể tìm người mua với giá hời hơn. Tình hình nghiêm trọng đến mức Hicks đã muốn loại Purslow và Giám đốc thương mại của Liverpool Ian Ayre khỏi ban quản trị vài phút trước cuộc gặp để thảo luận về đề nghị từ NESV để nắm lại việc bán CLB. Họ muốn đưa đưa Mack Hicks, một trong số con trai của Tom Hicks và Lori Kay McCutcheon, Giám đốc tài chính của công ty Hicks Holdings, vào thay thế, nhưng rốt cuộc một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ ban quản trị đã đảo ngược quyết định đó khi Broughton ủng hộ Purslow và Ayre tiếp tục tại vị.

Sở dĩ Hicks và Gillett không làm gì được Broughton vì trên thực tế, ông là người đại diện của Ngân hàng Royal Bank of Scotland, chủ khoản nợ 282 triệu bảng của Liverpool sẽ đáo hạn vào tuần tới và lúc này đang là tổ chức nắm giữ quyền định đoạt tương lai đội bóng áo đỏ. Bộ đôi người Mỹ hiểu rằng nếu RBS chính thức tiếp quản tài sản thế chấp, tức CLB Liverpool, như một hình thức siết nợ, họ sẽ không nhận được gì, trong khi thành tích trên sân bóng của HLV Roy Hodgson và các học trò ngày càng tồi tệ, dẫn đến giá trị đội bóng tiếp tục rớt thảm hại. Lẽ đó, họ đã chấp nhận lùi bước.

Trong một tuyên bố ngày thứ Ba, bộ đôi người Mỹ vẫn cố gắng vớt vát: “Chúng tôi cũng đã đầu tư 270 triệu bảng tiền mặt vào đội bóng và trong thời gian đó doanh số ở CLB đã tăng gấp đôi, tiền đầu tư vào cầu thủ và cơ sở hạ tầng cũng tăng giúp CLB trở thành một trong những đội bóng làm ăn tốt nhất ở Premier League. Thế nên, chúng tôi tin rằng ban quản trị đã đề xuất các đề nghị bán lại mà chúng tôi cho rằng giảm giá trị CLB rất nhiều. Chúng tôi giữ nguyên cam kết tìm một người muốn mua lại Liverpool với giá hợp lý và bù đắp cho các khoản đầu tư chúng tôi đã bỏ ra. Tuy nhiên, chúng tôi phản đối việc bán lại CLB không theo tiến trình như thế”.

Dẫu vậy, giờ đây trở ngại duy nhất còn lại để Liverpool đổi chủ là sự xác nhận của ban tổ chức Premier League rằng NESV là một chủ sở hữu hợp luật. Công ty này, ngoài đội bóng chày Boston Red Sox, còn đang sở hữu các công ty con New England Sports Network, Fenway Sports Group và Rousch Fenway Racing.

Trần Trọng


Hicks và Gillett đã đến và đi như thế nào?

Tháng 2/2007: Hai thương gia Tom Hicks và George Gillett hoàn tất thương vụ mua lại đội bóng vùng Merseyside với cái giá 218,9 triệu bảng. Kèm theo lời hứa về kế hoạch khởi công xây dựng 1 SVĐ mới trong vòng 60 ngày. Họ còn đảm bảo sẽ không can thiệp vào công việc chuyên môn của HLV lúc bấy giờ là Rafael Benitez.

Tháng 11/2007: Mối quan hệ giữa Hicks – Gillett và Benitez đổ vỡ vì những bất đồng về tiền bạc. Bộ đôi này muốn bán đi những ngôi sao sáng nhất của CLB vì khoản nợ 237 triệu bảng và thậm chí đã thảo luận với Jurgen Klinsmann để thay thế vị trí của chiến lược gia người TBN.

Tháng 1/2008: Bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn giữa các quan chức cấp cao của The Kop khi Hicks và Gillett muốn bán cổ phần CLB cho tập đoàn Dubai International. Tuy nhiên chủ tịch David Moores và giám đốc tài chính Rick Parry phản đối quyết liệt điều này. Không thỏa thuận nào thành công và vụ việc nhanh chóng chìm xuống.

Tháng 10/2008: Đánh dấu 18 tháng kể từ khi Gillett công bố kế hoạch xây dựng SVĐ mới. Nhưng tất cả tiến triển rất chậm chạp bới hàng loạt lý do: kinh tế thế giới suy thoái, không xin được giấy phép hay gặp rắc rối với hội đồng thành phố.

Tháng 1/2009: Hoàng gia của Kuwait, Al-Kharafi, bày tỏ sự quan tâm và muốn ra tay cứu vớt Liverpool nhưng bất đồng với bộ đôi Hicks – Gillett khiến mọi chuyện đổ bể.

Tháng 6/2009: Christian Purslow được bổ nhiệm thay thế Rick Parry làm giám đốc điều hành với nhiệm vụ tìm kiếm khoản tài trợ 100 triệu bảng.

Tháng 4/2010: Sau khi từ chối lời đề nghị trị giá 110 triệu bảng của Rhône Group cho 40% cổ phần Liverpool, những khoản nợ từ ngân hàng RBS khiến những Hicks và Gillett bổ nhiệm Martin Broughton (cũng là giám đốc hãng hàng không Vương quốc Anh) làm chủ tịch CLB. Broughton có nhiệm vụ tìm kiếm những ông chủ tiềm năng mới. Sau đó, Hicks tuyên bố ông hy vọng nhận được khoản tài trợ 800 triệu bảng cho tình hình hiện tại của CLB.

Tháng 8/2010: Hicks và Gillett tiếp tục từ chối lời đề nghị của tỷ phú Trung Quốc, Kenny Huang, cũng như thương nhân người Syria, Yahya Kirdi. Lý do là Broughton nghi ngờ nguồn gốc tiền bạc của những ƯCV này.

Tháng 10/2010: 2 ông chủ người Mỹ đạt được thỏa thuận chung với công ty New England Sports .

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm