30/04/2020 12:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Đến sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi có Phòng Truyền thống Bô Tư lệnh Mặt trận Đường 9 Quảng Trị, sẽ thấy ảnh và chân dung Liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân, cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh.
Thấy giới thiệu anh hùng Phạm Ngọc Khánh quá kiệm lời, tác giả bài viết hỏi người thuyết minh. Cô gái bèn lẽn “Chúng cháu không rõ, nhưng hình như về nhân thân Anh hùng Khánh, đơn vị không nắm được mấy, nên đang còn chờ bổ sung sau!”. Rất may, khi vào thăm Quảng Trị, lãnh đạo Sở TDTT Hải Dương (cũ) có mang theo cuốn Tạp chí Thể thao Hải Dương, trong đó có bài viết giới thiệu khá kỹ về thuở niên thiếu và quãng đời cầu thủ của Phạm Ngọc Khánh.
Anh Khánh sinh năm 1942 tại thị xã Hải Dương, trong một gia đình bố mẹ đều tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Thân phụ anh là Đại tá quân đội, mẹ anh hoạt động ở vùng tự do Hải Dương hồi quê hương bị giặc Pháp tạm chiếm. Khánh ở nhà với bà nội và vợ chồng người bác ruột. Sau hòa bình năm 1954, Phạm Ngọc Khánh là thủ quân đội bóng đá Trường cấp 2 thị xã, một lãnh đội giỏi của “đội bóng phố tôi” .
Năm 1960, phong trào TDTT Hải Dương phát triển khá mạnh, nơi đào tạo ra rất nhiều VĐV các môn, đặc biệt xuất hiện một số danh thủ xuất sắc cung cấp cho Trường Huấn luyện Kỹ thuật TDTT Trung ương (nay là Trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội), hoặc Đoàn TDTT Quân đội, trong các đội bóng mang tên Thể Công như: Lê Thế Thọ, Phùng Mạnh Ngọc, Nguyễn Huy Hinh, Hoàng Khoản, Phạm Lượng, Lê Thanh Căn, Nguyễn Thanh Thưởng… Trong đó Phạm Ngọc Khánh được tuyển vào đội bóng đá Thể Công.
Trong tuyên dương truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Khánh: Cầu thủ số 8 Phạm Ngọc Khánh thi đấu trong đội hình Thể Công vào những năm 1962-1964. Năm 1966 anh tình nguyện đi chiến đấu, sau khi tốt nghiệp khóa học chính quy Trường Sĩ quan Lục quân Sơn Tây. Tham gia chiến đấu tại chiến trường, anh Khánh hy sinh năm 1968.
“Liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần kiên quyết tấn công địch, chỉ huy sâu sát, mưu trí, linh hoạt, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong trận đánh ở Khe Sanh ngày 26-6-1968, đồng chí đã dẫn đầu đơn vị tiến vào đánh chiếm đồn địch, bị thương nặng 3 lần, có lần ngất đi, khi tỉnh lại đồng chí lại tiếp tục chỉ huy đơn vị thọc sâu chia cắt quân địch. Trong trận này riêng đồng chí đã tiêu diệt 4 ụ súng lợi hại của địch, diệt 26 tên giặc Mỹ góp phần tạo điều kiện cho bộ đội xung phong giành thắng lợi cho trận đánh"
(Trích báo Quân đội nhân dân số 3156 ngày 4/3/1970)
Trong cuốn sách nói về 55 năm phát triển, xây dựng của Đoàn TDTT quân đội (Thể Công), nói về Khánh rằng: “Phạm Ngọc Khánh một vận động viên xuất sắc trong thi đấu, một anh hùng Liệt sĩ trong chiến đấu ở chiến trường”.
Thực vậy, anh Khánh lên Thể Công và giữ vị trí tiền vệ khá xuất sắc. Trong một trận đấu tranh giải mùa bóng năm 1964 trên sân Vinh (Nghệ An), không may Khánh bị chấn thương rất nặng. Bên Quân đội phải điều xe đưa anh về cấp cứu tại bệnh viện 108 Hà Nội. Sau gần 3 tháng điều trị, vết thương khỏi nhưng nơi bị thương là khớp gối không cho anh trở lại cuộc đời cầu thủ nữa.
Đồng đội nghe bác sĩ, giám đốc bệnh viện nói: “Với Khánh chúng tôi đã chữa trị ở mức cao nhất, thuốc men tốt nhất, vận dụng các nhân tố khoa học điều trị chấn thương tối tân nhất để “cứu” cái khớp gối vàng của cầu thủ. Song, anh không thể thỏa mãn sự nghiệp sân cỏ của mình được nữa!”. Các bạn trong đội ôm Khánh khóc. Trưởng đoàn Hồ Quang Quới nghẹn ngào tiếc nuối cầu thủ đá tiền vệ Khánh.
Rời đội, Phạm Ngọc Khánh được cử đi học Sĩ quan rồi được điều động tham gia công tác giảng dạy, huấn luyện bộ đội cho chiến trường miền Nam tại Quân khu Việt Bắc. Năm 1968, sau Tổng tấn công Mậu Thân, chiến trường càng đòi hỏi nhiều lực lượng chính quy hơn. Trong một lần Thiếu úy Khánh được cử dẫn một đơn vị lớn cấp trung đoàn hành quân gấp vào mặt trận. Khi E vượt đường 9 để tiến vào sâu hơn nữa thì có lệnh đơn vị quay trở ra trợ chiến tại chiến trường Đường 9 (Khe Sanh).
Ở đây, trong trận chiến đấu vô cùng cam go, quyết liệt ở các cao điểm 260, 243, 268… bộ đội ta và quân Mỹ-ngụy giành nhau từng tấc đất, từng ụ súng. Mỗi hỏa điểm là một trận chiến khốc liệt.
Phóng viên mặt trận của báo Quân đội Đoàn Công Tính đứng trên một trảng cỏ rộng bên chân rừng nói: “Tôi đã đến đơn vị tăng cường của Thiếu úy Phạm Ngọc Khánh, trong lúc chiến đấu đánh chiếm cao điểm, anh chỉ huy đơn vị vô cùng khôn khéo, tiêu diệt hết hỏa điểm này đến hỏa điểm khác của quân Mỹ. Trong một khoảnh khắc, từ đâu trồi ra một hỏa điểm với súng máy, súng phun lửa chúng xả đạn vào mũi tiến công của anh. Và Khánh bị thương lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, lần thứ ba. Lúc một mũi tiến công của đơn vị xông lên tiêu diệt ồ đề kháng này trả thù cho người chỉ huy thắng lợi, thì cũng là lúc Phạm Ngọc Khánh trút hơi thở cuối cùng trên tay các đồng chí, đồng đội mà chưa kịp đặt anh lên cáng về phía sau!”.
Đơn vị mai táng anh ngay tại mặt trận đang còn nghi ngút khói bom bên một vạt rừng vẫn đủ nghi lễ. Trong hành trang của Thiếu úy Khánh nằm lại đây có đầy đủ khăn mùi xoa, mũ, bộ quần áo Quân giải phóng mới, bi đông đựng nước uống, cái tăng nilon thay cỗ áo.
Vào đầu năm 2000, một số đồng đội của Phạm Ngọc Khánh đã trở lại chiến trường xưa ở Khe Sanh. Họ loay hoay nhớ chỗ này, chỗ kia vì địa hình đã thay đổi ghê gớm. Tại một dấu mốc, người trực tiếp chôn Khánh đã khẳng định. Chỉ với một giờ đào bới, cỗ áo bằng tăng võng lộ dần lên. Bộ hài cốt hiện ra dần sau 35 năm yên nghỉ bên phía Nam Đường 9. Mọi người lo lắng, hồi hộp, đợi mong. Khi gỡ lớp tăng cuối cùng, trong đám cốt đen như bột kỳ nam, cùng với hình hài người chỉ huy là một chiếc bi đông… Một đồng đội cầm lên, nhẹ nhàng lấy khăn vải lau, lau… Đến khi thành bi đông sạch bùn đất, dòng chữ khắc “Khánh Thể Công” hiện ra. Mọi người cùng òa lên khóc.
Hiện nay chiếc bi đông có tên “Khánh Thể Công” được gia đình người chị tên là Hải trân trọng đặt trên bàn thờ của người Anh hùng trong ngôi nhà nhỏ ở phố Phạm Hồng Thái, thành phố Hải Dương. Giới TDTT thành Đông, lớp VĐV, cầu thủ những năm 1950, 1960 vẫn nhớ đến Phạm Ngọc Khánh bằng một niềm yêu quý, kính trọng.
Bao giờ bóng đá Hải Dương có đội chơi V-League? Cùng với danh thủ Phạm Ngọc Khánh, mảnh đất Hải Dương còn là nơi sản sinh rất nhiều danh thủ cho bóng đá nước nhà. Nổi bật nhất là danh thủ Lê Thế Thọ (sinh năm 1941) với biệt danh Thọ "lắc". Năm 2004, ông Lê Thế Thọ đại diện cho bóng đá Việt Nam nhận danh hiệu "Cầu thủ vàng" do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao tặng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập AFC (1954-2004). Đội bóng thị xã Hải Dương (cũ) cùng từng tham gia thi đấu hạng B của miền Bắc. Sau đó, tỉnh ta có đội bóng đá Đường 5 (trực thuộc Tỉnh đội, sau chuyển về Ty Thể thao). Những năm sau ngày đất nước thống nhất, Hải Dương có đội bóng Giao thông vận tải khá nổi tiếng thi đấu nhiều năm ở hạng A2 toàn quốc (khoảng năm 1977 - 1988). Năm 1989, đội bóng giành quyền lên thi đấu hạng A1. Nhưng thật đáng tiếc là đá được một mùa giải thì đội bóng phải giải tán vào năm 1990. Tới nay, có nhiều tài năng gốc Hải Dương đang tỏa sáng trong màu áo quốc gia như: Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Tiến Linh... nhưng câu hỏi - Bao giờ bóng đá Hải Dương có đội chơi V-League? vẫn chưa thể trả lời. |
Trương Từ Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất