Trao giải Nobel Hóa học: Mỹ "vô địch" ở giải Nobel

11/10/2012 07:00 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Hai nhà khoa học của Mỹ là Robert Lefkowitz và Brian Kobilka đã vừa được trao giải Nobel Hóa học 2012 vì công trình nghiên cứu "cảm thụ quan" của protein. Thành tích của họ đã tiếp tục nối dài danh sách chiến thắng của Mỹ, nước cho tới nay vẫn có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel nhất thế giới.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết hôm 10/10 rằng, Robert Lefkowitz và Brian Kobilka đã có những phát hiện chấn động liên quan tới một nhóm "cảm thụ quan" có vai trò hết sức quan trọng, được gọi là cảm thụ quan theo cặp protein G.

Những người tìm ra cánh cổng vào tế bào

Cơ thể con người có khoảng 1.000 loại "cảm thụ quan" như thế, vốn giúp nó phản ứng với nhiều loại tín hiệu hóa chất khác nhau như adrenaline. Một số cảm thụ quan nằm trong mũi, lưỡi và mắt người, khiến chúng ta có thể ngửi, nếm và nhìn. Khoảng nửa số dược phẩm chữa bệnh hiện nay hoạt động dựa trên các cảm thụ quan này. Vì thế tìm hiểu về chúng giúp các nhà khoa học tạo ra những loại thuốc tốt hơn.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, cách thức tế bào tiếp xúc và thay đổi với môi trường xung quanh chúng lâu nay vẫn là một bí ẩn. Ví dụ như chất adrenaline khi bơm vào cơ thể sẽ làm tăng huyết áp và khiến tim đập nhanh hơn. Các nhà khoa học tin rằng bề mặt của tế bào hẳn phải có các cảm thụ quan hoặc hormon nào đó.

Ủy ban Nobel trong lễ xướng tên Robert Lefkowitz (trái) và Brian Kobilka, hai nhà khoa học giành giải Nobel Hóa học năm nay

Sử dụng tia phóng xạ, Lefkowitz và các cộng sự cuối cùng đã phát hiện ra nhiều cảm thụ quan khác nhau, trong đó có cảm thụ quan tiếp nhận adrenalin mang tên β-adrenergic. Đội nghiên cứu của ông đã có thể trích xuất các cảm thụ quan từ nơi chúng đang ẩn náu trong vách tế bào và thấu hiểu cách thức hoạt động của chúng.

Nhóm đã đạt được một bước tiến lớn trong những năm 1980 với sự tham gia của Kobilka. Ông đã chấp nhận thách thức trong việc cô lập một loại gene chuyên tạo ra các cảm thụ quan β-adrenergic, từ bộ gene khổng lồ của con người.

Hướng tiếp cận sáng tạo của ông đã giúp ông đạt được mục tiêu. Khi phân tích gene trên, các nhà khoa học thấy rằng cảm thụ quan tiếp nhận adrenalin cũng giống với một cảm thụ quan thu ánh sáng ở mắt. Sau đó họ nhận ra rằng có cả một "gia đình" các cảm thụ quan với vẻ ngoài giống nhau và cách thức hoạt động khá giống nhau, nhưng chức năng lại rất khác nhau.

Năm 2011, Kobilka đã đạt được một bước đột phá mới khi nhóm của ông ghi lại được hình ảnh của một cảm thụ quan adrenaline vào thời điểm nó bị một hormone kích hoạt và gửi tín hiệu tới tế bào. Ủy ban Nobel đã gọi bức ảnh này là "một họa phẩm xuất sắc ở cấp phân tử".

"Đờ cả người" khi nhận tin trúng giải

Lefkowitz, 69 tuổi, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Y dược Howard Hughes và còn là giáo sư ở Trung tâm Y tế Đại học Duke, Bắc California. Trong khi đó, Kobilka, 57 tuổi, là giáo sư ở Trường Y California, Đại học Stanford.

Lefkowitz cho hãng tin AP biết rằng ông đang ngủ khi Ủy ban trao giải Nobel gọi tới nhà. "Tôi chẳng nghe thấy tiếng chuông điện thoại vì đang đeo nút bịt tai, vì thế vợ tôi đã nghe điện thoại. Bà ấy đập vào khuỷu tay và bảo tôi rằng: Có điện thoại gọi cho ông từ Stockholm này. Lúc đó tôi biết rằng người ta không gọi tới để xem thời tiết ở Durham hiện đang ra sao" - ông kể.

Các cảm thụ quan được xem là những cánh cổng vào tế bào và chúng đã giúp mang lại cho chúng ta khả năng ngửi, nếm và nhìn ngắm thế giới

Lefkowitz cho biết ông không cảm thấy sự phấn khích giống như từng tưởng tượng về việc mình đoạt giải Nobel. Thay vào đó là cảm giác đờ hết cả người khi nhận tin. "Cảm giác hoàn toàn sốc và ngạc nhiên" - ông kể qua điện thoại. Lefktowitz thừa nhận ông không hề nghĩ sẽ có ngày mình nhận giải Nobel, dù rằng bản thân có "mơ mộng đôi chút" về giải thưởng danh giá này.

Về phần Kobilka, ông chỉ biết mình là người đoạt giải vào lúc 2h30 sáng, sau khi Ủy ban Nobel gọi tới nhà ông những hai lần. Kobilka cố tình không trả lời điện thoại khi nó rung lên lần đầu tiên. Nhưng khi nhấc máy vào lần thứ hai, ông đã được nói chuyện với 5 thành viên của Ủy ban. "Họ chuyền tay nhau chiếc điện thoại và chúc mừng tôi. Tôi đoán họ làm thế để tôi tin vào tuyên bố của họ. Khi một ai đó gọi tới và nói anh trúng giải Nobel, đó có thể là một trò đùa không hơn. Nhưng khi có tới 5 người, với giọng đặc chất Thụy Điển gọi cho anh, thì đó không còn là trò đùa nữa" - ông nói.

Người Mỹ tiếp tục "bội thu" giải Nobel

Thành tích của Robert Lefkowitz và Brian Kobilka đã tiếp tục nối dài thành tích giành giải Nobel của các nhà khoa học Mỹ. Tính tới nay, Mỹ đã có 333 người đoạt giải Nobel, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Quốc gia thứ hai đứng trong bảng tổng sắp là Anh cũng chỉ có 116 người.

Từ năm 1901 tới năm 2012, Ủy ban Nobel cũng đã trao tặng 103 giải Nobel Hóa học cho 160 nhà khoa học trên khắp thế giới. Frederick Sanger là người duy nhất giành giải Nobel tới 2 lần. Chỉ có 4 trong số đó là phụ nữ. 2 người trong số này, gồm Marie Curie và Dorothy Crowfoot Hodgkin, đã nhận giải Nobel Hóa học một mình và không phải chia sẻ với ai.

Nhà Curie có lẽ cũng là gia đình nhận giải Nobel nhiều nhất. Hai vợ chồng Marie Curie và Pierre Curie đã được trao giải Nobel Vật lý vào năm 1903. Bà Marie Curie nhận giải Nobel Hóa học vào năm 1911. Con gái của họ là Irene Joliot-Curie được trao giải Nobel Hóa học vào năm 1935, cùng với chồng Frederic Joliot.

Tường Linh (Theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm