24/09/2013 11:05 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Không hút liền tù tì vài điếu thuốc, uống rượu ừng ực hoặc “phát lộc” bằng tiền mặt khi đang biểu diễn. Đó là “khuyến cáo” của BTC Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội (sẽ diễn ra từ 25/9 đến 5/10 tới đây).
Sự thực, trong một số nội dung biểu diễn nghi lễ chầu văn (vốn rất gần với khái niệm “hầu đồng” mà dân gian quen sử dụng), người diễn xướng thường hút thuốc, uống rượu song song với những động tác đặc biệt. Thêm vào đó, việc “phát lộc” (ném tiền mặt từ mâm cúng) cho những khán giả xung quanh cũng là một thao tác thường thấy của nghi lễ chầu văn.
1. Yêu cầu không hút thuốc quá nhiều, uống rượu quá nhiều, hoặc khuyến khích “phát lộc” bằng hiện vật như oản, xôi nén... thay cho tiền mặt được BTC nhắc tới trong buổi họp báo giới thiệu Liên hoan (chiều 23/9). Về cơ bản, khuyến cáo trên được coi là hợp lý trong việc hạn chế những yếu tố phản cảm, thiếu thẩm mỹ trong biểu diễn chầu văn. Thế nhưng, những người đưa ra đề nghị này dường như cũng lúng túng khi chỉ sử dụng khái niệm “hạn chế” thay vì cấm hẳn.
Sau một thời gian dài không được tổ chức vì những biến tướng tiêu cực, nghi lễ chầu văn đã dần được nhìn nhận lại trong những năm gần đây. Ảnh: TTXVN |
“Quy định chặt quá cũng khó. Theo lý thuyết, khi ở trạng thái “nhập đồng”, thì người diễn xướng đã hóa thân trở thành ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười. Chẳng lẽ lại... mặc cả rằng các cụ có “về” thì tuyệt đối không được dùng rượu, thuốc” - GS Ngô Đức Thịnh, thành viên Ban giám khảo LH, nói vui. “Còn việc phát lộc bằng tiền mặt thì đã được hình thành từ rất lâu và gắn chặt với niềm tin về việc nhận tài, nhận lộc được Thánh ban của những người tham dự hầu đồng. Do vậy, tôi nghĩ rằng chỉ đề nghị phía diễn xướng tự giác hạn chế những điều này là hợp lý”.
2. Liên hoan Nghi lễ chầu văn Hà Nội được Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức với mục đích kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản chầu văn trên địa bàn thành phố. Ở vòng sơ khảo khoảng trên 40 nhóm chầu văn đang hoạt động tại 29 quận, huyện của Hà Nội sẽ tham gia biểu diễn nghi lễ này tại một số ngôi đền trong thành phố. Ở vòng chung khảo (các ngày 4, 5/10), 10 nhóm chầu văn tiêu biểu sẽ được lựa chọn để diễn xướng tại rạp Công nhân Hà Nội. Liên hoan không xếp hạng giải thưởng nhưng sẽ tổ chức trao các kỷ niệm chương.
Việc cùng lúc theo dõi cách biểu diễn của hàng loạt nhóm chầu văn tại Hà Nội sẽ là cơ hội tốt để học hỏi lẫn nhau, cũng như để các nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện những đánh giá về loại hình diễn xướng độc đáo này.
“Rất khó tách rời để phân biệt rõ giữa tính tâm linh và tính nghệ thuật của nghi lễ chầu văn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những diễn xướng chầu văn tinh tế và giàu giá trị văn hóa, nhiều chương trình chầu văn tại Hà Nội cũng được tổ chức xô bồ, thiếu hợp lý và có những biến tướng méo mó” - GS Ngô Đức Thịnh nói thêm - “Việc cùng lúc theo dõi cách biểu diễn của hàng loạt nhóm chầu văn tại Hà Nội sẽ là cơ hội tốt để học hỏi lẫn nhau, cũng như để các nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện việc đánh giá về loại hình diễn xướng độc đáo này”.
Vốn gắn chặt với khái niệm lên đồng, nghi lễ biểu diễn chầu văn đã từng có một thời gian dài bị cấm hoạt động vì những biến tướng liên quan tới mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, loại hình này đã dần được đánh giá lại và trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào cuối năm 2012, thậm chí được nghiên cứu về khả năng trình UNESCO để được xét tặng danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật Thế giới trong tương lai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất