Liên hoan Hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022: Xẩm đang nở hoa

20/09/2022 07:30 GMT+7 | Văn hoá

Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022 (tổ chức từ 16 - 18/9) vừa khép lại trong niềm hân hoan của "làng xẩm".

45 tiết mục xuất sắc được trao giải tại Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022

45 tiết mục xuất sắc được trao giải tại Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022

Ngày 18/9, tại thành phố Ninh Bình, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức tổng kết và trao giải Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022.

Và nhìn từ liên hoan, không quá lời khi nói hát xẩm đang “nở hoa” sau những năm lận đận trong quá khứ.

Ưu ái đặc biệt

Hiếm có cuộc liên hoan, hội diễn cùng quy mô nào mà lại được sự quan tâm, ưu ái đặc biệt từ trung ương đến địa phương như Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 lần này. Tại đó, đơn vị đứng ra tổ chức là UBND tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, còn đồng tổ chức là Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) - đơn vị cấp giấy chứng nhận cho các giải thưởng của Liên hoan. Chưa hết, suốt quá trình diễn ra, Liên hoan liên tục chứng kiến sự góp mặt của các lãnh đạo địa phương và lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch) và ông Nguyễn Mạnh Cường, GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình trao giải thưởng cho 5 tiết mục đoạt giải A

Về giá trị vật chất, giải thưởng của Liên hoan cũng không hề nhỏ. Giải cao nhất lên tới 20 triệu đồng (5 giải A), rồi lần lượt là 15 triệu (5 giải B), 10 triệu (5 giải C), 5 triệu (30 giải khuyến khích). Điều này khiến các nghệ sĩ gạo cội trong nghệ thuật truyền thống không khỏi ngạc nhiên và vui mừng. NSND Thúy Ngần, giám khảo nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu và chèo toàn quốc còn phải thốt lên: "Giải thưởng cao hơn cả giải chuyên nghiệp". Nói thế cũng không "ngoa" bởi thực tế, có khi giải thưởng cao nhất của Liên hoan cao tới gần gấp 3 lần so với giải tương đương ở các cuộc thi quy mô hàng đầu hiện nay.

Ngoài ra, mỗi câu lạc bộ tới tham dự đều được Ban tổ chức hỗ trợ một khoản tiền đáng kể. Do tỉnh Ninh Bình đang xây một nhà hát mới ở quy mô mấy trăm chỗ ngồi phù hợp với xẩm, Liên hoan được tổ chức ở trung tâm hội nghị nằm trong không gian của một khách sạn 4 sao tại thành phố Ninh Bình, vừa ấm cúng, sang trọng lại tạo sự gần gũi.

Chú thích ảnh
Tiết mục của CLB Hát Xẩm Bắc Hà

Hội đồng giám khảo của liên hoan cũng là những nghệ sĩ có uy tín như Chủ tịch hội đồng là NSND Thanh Ngoan và các thành viên là NSND Xuân Hoạch, NSND Thúy Ngần, NSND Mai Thủy (Phó giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình). Cùng trong ban giám khảo còn có Nguyễn Quang Long ở tư cách một nhà nghiên cứu gắn liền với hát xẩm trong nhiều năm qua.

Xẩm may mắn có được tất cả những điều này là nhờ sự tài trợ sát cánh của Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup, và sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý, tất cả vì sự hồi sinh của xẩm giữa Quỹ và tỉnh Ninh Bình.

Chú thích ảnh
Tiết mục của CLB Hát Xẩm Tâm Việt

Xẩm vui

Có tới gần 200 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 18 câu lạc bộ hát xẩm thuộc 8 tỉnh thành trên cả nước, gồm chủ nhà Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, TP.HCM. Trong đó người cao tuổi nhất là nghệ nhân Minh Sen (85 tuổi) đến từ Thanh Hóa và người nhỏ tuổi nhất là bé Lê Huyền My (6 tuổi) đến từ TP.HCM. Đáng nói, phần đa trong tổng số này là thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên.

Chú thích ảnh
Một tiết mục tại liên hoan

Điều mà các thành viên ban giám khảo băn khoăn nhất từ trước cuộc thi là tính chất một màu của xẩm, do loại hình này có thời gian hoạt động gián đoạn nhiều chục năm. Chưa kể, chủ yếu các nhóm xẩm hoạt động tự phát. Hầu hết, họ đều nhìn và học theo “biểu tượng” xẩm là cố nghệ nhân Hà Thị Cầu và một số bài bản của các nghệ nhân Hà Nội, Hải Phòng (những bài bản này được nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam phục hồi và công bố năm 2005).

Nhưng, sự băn khoăn đã được "hóa giải" trong Liên hoan lần này - khi hầu hết các đoàn tham dự đã thể hiện khá nhuần nhuyễn các điệu, bài bản cổ truyền, các điệu, bài cổ phục hồi. Và mừng nhất, họ đã chủ động lồng điệu xẩm vào những lời ca tự sáng tác để ra những bài xẩm mới ca ngợi quê hương, địa phương mình đang gắn bó cùng các chủ đề phù hợp khác.

Chú thích ảnh

Nghệ nhân Minh Sen dí dỏm, hài hước và cũng rất đáo để khi thể hiện bài xẩm Cây rau má, trong khi Ninh Bình với sự tham gia của 4 câu lạc bộ khẳng định được vị trí là địa phương có phong trào hát xẩm phổ biến rộng nhất đồng thời đạt chất lượng hiện nay. Hầu hết các “hạt nhân” xẩm nhỏ tuổi vừa đàn vừa hát đều thuộc địa phương này, trong đó có Khúc Hải Vân là một phát hiện mới của hát xẩm tại Liên hoan.

Gây chú ý nhất với ban giám khảo là nghệ nhân trẻ Bùi Công Sơn. Sơn vừa chơi đàn nhị và vừa hát xẩm. Quan trọng nhất, Sơn đã hoàn toàn làm chủ được các yêu cầu cơ bản và hoàn toàn chủ động dẫn dắt người nghe vào với những câu hát xẩm, tiếng đàn của mình. Có thể nói, phần dự thi của Sơn đã toát lên được yếu tố quan trọng nhất của người hát xẩm đó là "chơi xẩm".

Cũng thông qua Liên hoan, người ta còn nhìn thấy nhiều hạt nhân của hát xẩm đến từ nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa... Điều đó cho thấy sự lan tỏa về mặt số lượng cũng như kỳ vọng vào chất lượng được nâng cao trong tương lai.

Tất nhiên, cuộc thi nào cũng còn những mặt tồn tại, nhất là với hát xẩm - một nghệ thuật đã thất truyền và vừa mới hồi sinh. Những hạn chế về cách chọn chủ đề, cách lồng điệu, hơi nhạc... vẫn còn. Nhưng, ban tổ chức, nhà tài trợ, hội đồng giám khảo và các nghệ sĩ tâm huyết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các câu lạc bộ, nhóm xẩm để những cuộc liên hoan sau có số lượng đông hơn và chất lượng cao hơn.

Những nghệ nhân đặc thù của hát xẩm

Đáng chú ý, liên hoan đã xuất hiện trở lại những người khiếm thị hát xẩm. Bộ môn ca hát dân gian độc đáo này vốn có xuất xứ từ những người khiếm thị nhưng điều đó đã bị ngắt kể từ khi nghệ nhân hát xẩm Nguyễn Văn Gia (Hà Nội) về với tổ xẩm từ tháng 3/2013. Còn ở liên hoan lần này có sự xuất hiện của CLB Hát Xẩm Tâm Việt (Hà Nội) với gần 10 thành viên, trong đó có những thành viên đã nắm được hồn cốt của xẩm và hoàn toàn có thể nối nghiệp tổ nghề như các nghệ nhân Nguyễn Văn Hoan, Khúc Hải Vân.

Được biết, dù không xuất hiện trong liên hoan nhưng niềm vui hát xẩm còn bén duyên đến Bắc Ninh - nơi hiện có tới 2 câu lạc bộ hát xẩm của người khiếm thị ở các thành phố Bắc Ninh và Từ Sơn.

Quang Xẩm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm