05/03/2016 10:23 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Sân Thống Nhất sẽ lại sáng đèn vào mỗi cuối tuần, sau ba năm bầu không khí bóng đá nơi đây gần như nguội lạnh, kể từ khi Navibank Sài Gòn, rồi XMXT Sài Gòn biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, đồng thời CLB TPHCM xuống hạng..., nếu việc chuyển CLB Hà Nội vào ngụ tại Sài Gòn thành hiện thực.
Ngày đó, sau khi CLB TP.HCM (tiền thân là TMN.CSG), xuống hạng Nhất, lãnh đạo HFF khi ấy, ông Lê Hùng Dũng, khẳng định chắc nịch, TP.HCM sẽ không thể là vùng trắng trên bản đồ V-League. Và thật, không chỉ có 1 đại diện, mà những 2, mặc dù vậy, người hâm mộ bóng đá nơi này lại khá thờ ơ. Họ vẫn quá nặng nợ với các cái tên Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Hải Quan và ngoài ra, còn đau đáu với số phận của CLB TP.HCM...
Trong nỗ lực kéo khán giả trở lại sân Thống Nhất và cũng muốn đội bóng được xem như đứa con tinh thần của đội bóng, XMXT Sài Gòn rất nhiều lần thay đổi phiên hiệu và từng mang tên Sài Gòn FC một thời gian ngắn. Lãnh đạo đội bóng này cũng chủ động cấy vào cabin BHL, cũng như trong lòng đội bóng các nhân tố bản địa... Nhưng, lòng người vẫn tản mác và XMXT Sài Gòn thậm chí còn bị ví như gánh xiếc rong.
Bằng với cả việc kéo giới show-biz vào cuộc chơi, một số trận đấu của XMXT Sài Gòn đón lượng khán giả khá đông đảo, lên tới hàng vạn. Nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang, một ngày nọ, XMXT Sài Gòn bất ngờ tuyên bố giải thể, vì bất phục quyết định của BTC giải từ nghi vấn nhường điểm ở trận đấu với K.Kiên Giang. Họ đã đến như thế nào, thì cũng ra đi theo cách đó.
So với XMXT Sài Gòn, thì Navibank Sài Gòn nhận được nhiều sự chia sẻ hơn, khi nhà đầu tư ít nhiều cũng là người Sài Gòn. Nhưng theo chia sẻ của cựu chủ tịch Ngân hàng Nam Việt, Nguyễn Vĩnh Thọ, ông đã phải trả một khoản học phí quá đắt lên tới 365 tỷ đồng, chỉ sau 3 năm đầu tư cho bóng đá. Miệng ăn núi cũng phải lở, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khiến bầu Thọ phải dừng cuộc chơi.
TP.HCM trở thành vùng trắng trên bản đồ V-League thật, cho đến cách đây vài ngày, những thông tin về việc CLB Hà Nội sẽ chuyển khẩu vào đây. Cũng giống như nửa thập niên, người hâm mộ bóng đá Sài Gòn sau một đêm ngủ dậy, bỗng dưng được xem V-League ngay tại sân Thống Nhất, thay vì phải tìm xuống Long An hay lên Bình Dương.
Mang một cảm giác hơi khác một chút, BHL và các cầu thủ CLB Hà Nội cũng bỗng dưng thức dậy sau một đêm và biết mình không ngủ cạnh vợ con, người thân, mà là ở Sài Gòn. Việc chuyển khẩu đột ngột khiến một bộ phận người của CLB Hà Nội không khỏi không sốc về chặng đường trước mặt nơi xứ người. Rất nhiều các câu hỏi đặt ra trong đầu...
Bóng đá đích thị là trò chơi của các ông chủ, theo cách này hay cách khác. Trước khi chuyển khẩu vào TP.HCM, đã có thông tin về việc bầu Hiển (Chủ tịch T&T Group, Đỗ Quang Hiển, người đứng đằng sau lo vấn đề kinh tài cho CLB Hà Nội và vài đội khác) gần như đã đạt được thoả thuận nhượng lại đội bóng tân binh V-League 2016 này cho một doanh nhân người Thái Nguyên. Nhưng vào phút chót, vụ áp phe đổ bể.
TP.HCM được xem là môi trường sống khá lý tưởng, tự bản thân nó có khả năng đồng hóa. Không màng xuất xứ, người dân từ mọi miền đất nước, khách thập phương hoặc thậm chí là khách trọ, đều được đón nhận và đối xử tử tế như nhau. Nhưng bóng đá, một địa hạt rất nhỏ của xã hội, lại mang những đặc thù, trong khái niệm về tình yêu và niềm tin, vốn dĩ cần rất nhiều thời gian để gầy dựng.
Thế nên, những bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi, khi CLB Hà Nội nhập khẩu vào đây và dù có mang bất cứ cái tên bản địa nào. Bóng đá ở bất cứ đâu cũng thế, chỉ cần được khán giả chống lưng, tin yêu và cổ vũ, tự nó sẽ sống khoẻ và ngược lại. Lịch sử V-League 16 năm tuổi vốn dĩ quá nhiều viện dẫn rồi.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất