Lịch Tây, lịch Ta…

03/02/2014 07:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đơn giản như… tờ lịch, đếm ngày tháng, nhưng lại chứa đựng cả một lịch sử phức tạp của 12.000 năm cũng như nhiều biến thiên của lịch sử và văn hóa.

Theo chiết tự trong chữ Nho, lịch có nghĩa là trải qua. Thời gian trôi qua theo giây phút giờ ngày tháng năm thì chữ lịch viết với bộ nhật là Mặt trời. Bước chân trải qua của mỗi người trong cuộc sinh tồn thì viết với bộ chỉ là bàn chân bước đi. Phần gốc còn lại của chữ lịch là vẽ sườn núi (hán) và hai cây lúa (hòa). Trong văn minh nông nghiệp, định cư là ở vùng đồi núi nào và trồng lúa vừa để sống, vừa để sinh hoạt với cộng đồng.

Loài người - kẻ duy nhất ý thức về thời gian

Cách ghi nhớ thời gian hình thành cùng với văn minh nông nghiệp, cách đây khoảng 12.000 năm, khởi đầu với những vạch chạm khắc trên xương, trên đá. Có lẽ con người tách lìa với thế giới động vật sâu sắc nhất từ khi có ý thức về tự thân, truyền thông với đồng loại bằng ngôn ngữ, và nhận biết về cái chết – tức ý thức về thời gian. Vì biết tự thân và những người thương yêu phải chết, nên con người đặt ra tập tục chôn cất, cúng vái, tang ma giỗ chạp cho người thân. Vì không muốn nát với cỏ cây nên con người tìm cách lưu giữ kỷ niệm, trải nghiệm sống bằng chuyện kể bên bếp lửa cho gia đình, bộ tộc, thôn xóm − và khi có văn tự thì ghi chép thành lịch sử của cá nhân, tập thể để lưu giữ tiếng nói nhỏ nhoi của mình hay kiếp sống bi hùng của tộc người mình trên trần gian này.

Trái đất xoay quanh tự thân nó một vòng là một ngày và đêm, cũng như quy trình thức và ngủ sinh học của con người là tiết điệu tự nhiên và phổ quát nhất nên được dùng làm đơn vị cơ bản cho mọi thứ lịch. Tuy nhiên ngày và đêm vẫn còn là những thời khắc khá dài. Nhà thơ Tản Đà từng than “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”. Đó là chỉ về khoảng thời gian tâm lý. Khi phải chờ đợi chúng ta thấy lâu như thể thời gian đi chậm lại; khi hạnh phúc, chúng ta thấy thời gian đi quá mau. Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài. Một ngày dài hơn trăm năm. Trăm năm cô đơn. Đó là những công thức đã trở thành câu nói cửa miệng. Thời gian tâm lý mang tính chủ quan biến thiên từ người này tới người khác, từ lúc này qua lúc khác cho nên xã hội cần một thước đo thời gian khách quan hơn. Đó là thời gian vật lý.

Vì sao thế giới tồn tại những bộ lịch khác nhau?

Hai vật thể trên trời to lớn và ban phát ánh sáng cho cả Trái đất cũng như thiết yếu cho mọi sinh vật là Mặt trời và Mặt trăng. Mặt trời được dùng để tính ngày và Mặt trăng để tính tháng. Tuy nhiên, vòng xoay tự thân của Trái đất, quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất, và của Trái đất quanh Mặt trời đều là những chu kỳ biến thiên phức hợp và không phải là những số nguyên. Từ đó nảy sinh hai phép làm lịch khác nhau: phép quan sát kinh nghiệm, và phép toán học thiên văn.

Phép quan sát kinh nghiệm có trước từ hàng chục ngàn năm và hiện vẫn còn được áp dụng trong đời sống bình dân, gắn liền với đất đai, với con nước, với phong tục tín ngưỡng. Những cự thạch (Stonehenge) ở Anh, lịch đá Mặt trời (Sun Stone) của người Aztee, các kim tự tháp ở Ai Cập và Trung Mỹ, được các nhà thiên văn xác nhận là những kỳ quan đo đạc thời xưa bằng quan sát về chu kỳ Mặt trời và các tinh tú xuất hiện để tính lịch cho chuẩn xác. Các đền đài thường được kiến tạo để trông về hướng Đông Mặt trời mọc (như các tháp Chăm ở miền Trung Việt Nam). Phương Tây là hướng Mặt trời lặn thường được dùng để chỉ cõi chết, cõi vĩnh hằng (Tây phương cực lạc quốc).

Khoa học được quý trọng, thậm chí được thần thánh hóa và giữ bí mật nhất trong các thứ tri thức thời cổ đại, chính là khoa học thiên văn, đặc quyền của giới tăng lữ, giáo hội, hoặc đẳng cấp giáo sĩ trí thức. Chỉ đến thời Copernicus (1473−1543) và Galileo (1564−1642), bằng sự phát triển của thiên văn toán học và những viễn vọng kính, khoa học mới chứng minh được rằng Trái đất (hành tinh) quay quanh Mặt trời (định tinh), và Mặt trăng (vệ tinh) quay quanh Trái đất. Phát kiến này đi ngược lại giáo điều của Giáo hội La mã lúc đó nên Bruno bị đưa lên giàn hỏa thiêu (1600). Còn Galileo phải quỳ công khai xin lỗi và chối bỏ thiên văn học theo Copernicns mới được Tông giáo pháp đình tha cho cái tội dị giáo (1633). Chính những giáo sĩ Dòng tên (Society Of Jesus) đã dùng kiến thức toán học thiên văn này để gây uy tín và thế lực với các triều đại Minh, Thanh ở Trung Quốc và thời Trịnh – Nguyễn ở Việt Nam từ thế kỷ 16.

Ngày trước, dưới chế độ quân chủ phong kiến, hoàng đế được gọi là thiên tử đại diện cho Thượng đế Ngọc hoàng và làm chủ cả trời, đất, và người. Khi đó Tòa Khâm thiên giám đặc trách việc quan sát các hiện tượng trên trời và trực thuộc triều đình. Đây cũng là cơ quan phụ trách việc soạn lịch hàng năm để ấn định ngày tháng thống nhất cho toàn thể nền hành chính, và quan trọng nhất là cho các tế lễ.

Nghi thức ban lịch của triều đình này gọi là lễ ban sóc – theo lịch Mặt trăng sóc là ngày mồng một và vọng là ngày rằm. Hàng năm cứ đến tháng Chạp triều đình gửi lịch cho quan lại ở các địa phương. Vào ngày 23 tháng Chạp (ngày lễ Vua bếp tức táo quân) thì các địa phương khóa sổ và gửi cả ấn tín về triều đình, ngưng làm việc để ăn Tết cho đến sau ngày mồng 7, tức là lễ hạ nêu, mới hoạt động bắt đầu lại cho năm mới. Cuối thế kỷ 19, Trần Tế Xương làm bài thơ Xuân mở đầu bằng hai câu “Xuân từ trong ấy mới ban ra/Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà”, là theo nghĩa đó. Chỉ vua mới có thẩm quyền ban lịch.

Từ khi nước ta nằm dưới quyền bảo hộ của Pháp (1884), lịch hành chính là Dương lịch. Vì thế cho đến năm 1945, nhiều người sử dụng tên tháng và tên ngày trong tuần bằng tiếng Pháp để phân biệt với Âm lịch. Ngày đầu tuần được coi là thứ Hai vì Ki-tô giáo coi Chủ nhật là ngày thứ nhất (chữ Chủ còn đọc là Chúa, Chủ nhật là ngày của Chúa).

Vì nhu cầu sinh hoạt nông thôn cùng với chài lưới vẫn theo mùa màng thời tiết và con nước lệ thuộc vào Mặt trăng, và nhu cầu nghi lễ giỗ chạp tổ tiên vẫn được tính bằng lịch Mặt trăng, từ đó các cuốn lịch song hành cả Dương lịch và Âm lịch. Những cuốn lịch đề huề cả ngày Tây ngày ta được phát hành đầu tiên ở Nam kỳ vào năm 1868 tức là sau khi chính quyền thực dân chiếm cả Nam kỳ lục tỉnh. Song song với nhà nước thực dân chủ nghĩa tư bản phôi thai, những công ty kinh doanh phát hành những cuốn lịch hàng năm để quảng cáo tiếp thị cho sản phẩm của mình và in lịch hàng ngày cả năm đóng thành cuốn sách để dân chúng giữ gìn suốt năm. Ngoài lịch sách, còn có lịch treo tường cho 12 tháng, và lịch tờ gồm 365/366 tờ rời để ghi chép và có thể xé đi mỗi ngày nhưng được dán thành khối hoặc đóng đinh và gọi là lịch khối thuận tiện với cả thông tin về tiết khí âm dương ngũ hành, ngày giờ xấu và tốt cho mọi sinh hoạt…

Dương lịch 4 năm mới có một năm nhuận (tức là ngày 29 tháng 2), và sau mỗi chu kỳ Dương lịch 28 năm thì ngày tháng Dương lịch quay trở lại trùng hợp. Còn Âm lịch trung bình cứ sau khoảng 19 năm những ngày Âm lịch xảy ra trùng hợp trở lại và trong khoảng đó có 7 năm là nhuận tức là phải cộng thêm 1 tháng để khỏi so le với Dương lịch.

Trước khi tiếp xúc với phương Tây, lịch Á Đông (Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản) − còn gọi là Nông lịch, tức lịch của nhà nông − không phải thuần túy Âm lịch mà là kết hợp cả âm và dương, nên chính danh phải gọi là Âm Dương hợp lịch trong đó nguyệt là tháng theo Mặt trăng và kiến là tháng theo Mặt trời để tính 24 tiết khí. Trong nhóm này, Nhật Bản triệt để Tây hóa, đã áp dụng hoàn toàn lịch châu Âu kể từ thời Minh Trị Thiên hoàng. Lịch Việt Nam có thay đổi thế nào còn là chuyện tương lai…

Nguyễn Tiến Văn (nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm