Kịch bản nào cho nội chiến ở Libya?

02/03/2011 11:07 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Abdel Fattah Younes, người từng được xem là nhân vật số 2 ở Libya, đã nắm tới ghế Bộ trưởng Nội vụ và lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm, song lại có quyết định từ chức đột ngột vào đầu tuần trước để đứng về phe biểu tình, qua đó chỉ huy một lực lượng vũ trang mạnh. Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt với hãng tin Al Jazeera hôm 28/2, Younes đã giải thích vì sao ông từ chức, đồng thời có những đánh giá và dự báo về kịch bản sẽ xảy ra tại Libya trong tương lai.

“Tôi gia nhập lực lượng nổi dậy vào ngày thứ 2 kể từ khi các cuộc biểu tình diễn ra ở Benghazi và tôi tự hào về điều đó” - Abdel Fattah Younes bắt đầu câu chuyện với phóng viên Al Jazeera.

Từ chức vì không chịu được cảnh bắn dân

Ông giải thích động lực lớn nhất để mình đứng về phe biểu tình là tránh các cuộc bắn giết người vô tội. “Khi tôi thấy việc bắn giết nhiều thanh niên trẻ không vũ trang diễn ra mà không có lý do thỏa đáng, tôi đã ra lệnh cho cảnh sát và các đơn vị đặc biệt hoạt động dưới quyền không được nổ súng vào dân thường, dù vì bất cứ lý do gì. Họ chỉ được bắn để tự vệ và cũng chỉ được nhằm vào tay chân người biểu tình, không phải để giết họ” - Younes kể.

Ông nói rằng sự lựa chọn đứng về phía người biểu tình là hoàn toàn đúng đắn và đã tạo động lực cho những cá nhân khác noi theo. “Khi tôi quyết định đứng về phía người biểu tình và sự từ chức của tôi được truyền hình đưa tin, tất cả các sĩ quan ở những tỉnh phía Đông và một bộ phận lớn ở các tỉnh phía Tây cũng chuyển sang hàng bên kia cùng với tôi” - Younes cho biết.

Quân nổi dậy ở Libya chuẩn bị súng đạn trước một cuộc đụng độ với lính chính phủ
Ông đánh giá các tay súng đối lập sẽ phải đối đầu với lực lượng trung thành với ông Gaddafi, vốn được trang bị và huấn luyện tốt. Họ gồm có Sư đoàn Cận vệ Tổng thống, Đơn vị Thiết giáp số 9, Lực lượng An ninh ngăn chặn, các sư đoàn an ninh và tiểu đoàn Khamis Gaddafi. Theo Younes, các lực lượng này có trong tay đủ loại vũ khí hiện đại gồm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa chiến thuật... Ngoài ra họ còn có pháo hạng nặng có thể sử dụng để tấn công trên không hoặc trên bộ, chống các mục tiêu con người.

Younes cũng cho rằng Gaddafi hiện đang được bảo vệ bởi 2 dạng sĩ quan quân đội. “Một  trong số họ vì quá sợ hãi mà không dám đào ngũ và buộc phải bảo vệ Gaddafi. Số còn lại vì có các hành động phạm tội ở quy mô trong nước hoặc trên quốc tế nên có muốn cũng không thể trốn chạy. Một ví dụ điển hình là Thiếu tướng Abdulla al-Senosi, người đã bị tuyên phạt tù chung thân vì vụ đánh bom chuyến bay UTA 772 thuộc hãng hàng không Pháp Union des Transports Aériens, khiến 170 người thiệt mạng. Ông này đang bị truy nã trên toàn thế giới và còn dính dáng tới vụ thảm sát Abu Sleem. Những con người như al-Senosi sẽ chiến đấu cùng Gaddafi cho tới hơi thở cuối cùng” - Younes nói.

Theo Younes, Gaddafi đã mang lính đánh thuê về để bảo vệ quyền lực của ông. Nhưng một khi chính quyền Gaddafi sụp đổ, các lực lượng này cũng sẽ hạ vũ khí.

Kịch bản Gaddafi chết trận

Younes cho biết phe nổi dậy có trong tay nhiều loại vũ khí và thậm chí cả xe tăng, bên cạnh một nguồn lương thực dồi dào cùng cơ sở hậu cần tốt nên không ngại đương đầu với phe ủng hộ Gaddafi.

Theo ông, có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi đã tình nguyện tham gia lực lượng nổi dậy. Những con người chưa từng cầm súng giờ được huấn luyện quân sự và sẽ cùng nhau tiến về Tripoli. “Tôi cũng kêu gọi các thành phố xung quanh Tripoli, vốn đông dân và có thời gian dài sống trong cảnh đói nghèo, hãy hành động. Họ sẽ tham gia quân nổi dậy. Khi đó một lực lượng vũ trang mạnh sẽ tiến tới Tripoli và chúng tôi hy vọng họ sẽ có thể làm điều gì đó” - Younes tuyên bố.

Nhận xét về viễn cảnh tương lai của Gaddafi, Younes cho rằng ông này sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. “Tôi đã phục vụ cùng Muammar Gaddafi và trước các cuộc biểu tình, chúng tôi đã là bạn. Tôi biết ông ta khá rõ. Tôi làm việc với ông ta trong 42 năm. Ông ta là kẻ cứng đầu, rất cứng đầu. Ông ta thích thách thức. Thách thức, với ông ta là tất cả.

Kết thúc của chuyện này sẽ là bi kịch. Giờ Gaddafi không có chỗ nào để đi cả. Thế giới đang chờ đón ngày ông ấy ra tòa vì các tội ác chiến tranh. Đây không phải là vấn đề đơn giản và ông ấy là người tự cho mình là trung tâm nên sẽ không chấp nhận bị đưa ra tòa. Có thể Gaddafi sẽ tự sát. Song tự sát là một tội lỗi trong Hồi giáo nên chắc ông ta sẽ xách theo khẩu súng trường ra trận, đối đầu với một lực lượng khổng lồ để rồi bị bắn chết. Kịch bản này có tới 90% khả năng xảy ra” - Younes tuyên bố.

Tình hình an ninh vẫn rất tệ hại

Hiện các lực lượng trung thành với Gaddafi vẫn đang vất vả giành giật quyền kiểm soát các thành phố chiến lược từ tay lực lượng nổi dậy. Hôm 1/3, phe đối lập ở thành phố Az Zawiyah nằm gần Tripoli, với sự hỗ trợ của súng máy, súng chống tăng và xe tăng, đã đánh bật các cuộc tấn công của lực lượng trung thành với Gaddafi nhằm chiếm lại thành phố này, sau 6 giờ đấu súng dữ dội. Chưa rõ con số thương vong trong trận Az Zawiyah nhưng phe nổi dậy khẳng định sẽ bảo vệ thành phố bằng mọi giá.

Với việc quân chính phủ và quân nổi dậy bắn nhau tại nhiều khu vực ở Libya, tình hình an ninh của quốc gia châu Phi này đã trở nên vô cùng nguy hiểm. Valerie Amos, quan chức phụ trách hoạt động nhân đạo của LHQ cho trang tin Al Jazeera biết : “Có thông tin nói rằng từ 600 - 2.000 người đã bị giết ở Tripoli. Chúng tôi rất muốn đi vào Libya để giúp đỡ người đang gặp hoạn nạn”.

Amos cũng kêu gọi các quốc gia láng giềng Libya tiếp tục mở cửa biên giới để người tị nạn có thể chạy trốn vùng chiến sự. Tính tới sớm ngày 28/2 đã có 61.000 người chạy sang Ai Cập, 1.000 người sang Niger và 40.000 người sang Tunisia.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm