Stylist (Bài 4): NTK Đặng Chương - Tất cả sẽ dựa trên quy luật đào thải

25/09/2009 08:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Đặng Chương còn ít được biết đến trong giới thiết kế thời trang vì làm việc chủ yếu với các nhãn hàng nước ngoài. Hiện anh đang là nhà thiết kế cho nhãn hàng Devout (Anh quốc). Nhưng cái tên Đặng Chương trong giới stylist thì bắt đầu được để ý.

* Được biết ngoài công việc của một nhà thiết kế, anh còn làm stylist?

- Thực sự cũng không nhiều lắm! Thỉnh thoảng tôi làm hình ảnh cho trang web của mình và một số tạp chí, sử dụng trang phục của tôi. Có một số cái là tôi không trực tiếp làm mà người bạn của tôi làm nhưng ý tưởng thì của tôi. Tôi làm stylist nội thất nữa chứ không chỉ thời trang. Tôi hay làm việc với nhiếp ảnh gia Phan Quang, gần đây nhất là Hải Đông.

* Anh đến với stylist như thế nào?

- Công việc này rất là tình cờ, khi tôi làm bộ thời trang của mình. Đầu tiên thiết kế sau đó làm luôn stylist và khi đưa ra thì mọi người rất thích. Đó cũng dự án đầu tiên tôi làm chung với nhiếp ảnh gia Phan Quang. Trước khi chụp hình tôi có gửi kịch bản cho mọi người trong ê kíp, khi làm rất là nhanh. Tôi nhận ra là công việc stylist khá dễ dàng với mình, như là cái duyên ấy!

* Anh có học thêm ở đâu không hay chỉ nghĩ sao làm vậy?

- Có chứ, tôi đọc thêm nhiều sách, coi nhiều chương trình nữa! Khi coi sẽ phát hiện ra ở mỗi chương trình cái style của nó, hay hay dở..., từ đó mà biết cách phát triển nghề của mình. Tôi có mấy người bạn nhiếp ảnh gia ở nước ngoài, thường cho xem nhiều tài liệu rất hay về thời trang và nhiếp ảnh, rất là chuyên nghiệp, nó dạy cho mình, mở rộng cho sự hiểu biết của mình. Nhưng để ứng dụng hay là làm theo như vậy thì không thể nào làm được.


Mẫu thiết kế hình ảnh được thực hiện bởi N.T.K Đặng Chương

* Là người đi nhiều, chắc anh thấy sự khác biệt giữa các stylist ở trong và ngoài nước?

- Tôi có một số người bạn của tôi làm stylist ở nước ngoài, vai trò của stylist ở đó mạnh hơn và rõ ràng hơn ta. Ở ta gần đây người ta mới nhận thấy stylist có vai trò của nó chứ trước đấy nhiếp ảnh gia làm tất cả. Ở nước ngoài các stylist có nhiều công việc hơn. Những người nổi tiếng luôn cần phải có người tạo phong cách cho họ trong những lần xuất hiện trước công chúng, trước đám đông. Những người giàu có cũng muốn sử dụng stylist. Rồi các nhu cầu cá nhân như tiệc tùng hay event của các công ty... đều cần tới stylist. Trong một dây chuyền quản lý sự kiện, người ta cũng cần đến stylist. Bày biện một cửa hàng cũng cần tới stylist. Muốn nổi bật, muốn gây sự chú ý phải có phong cách. Người tạo nên điều ấy chính là các stylist. Họ làm rất ấn tượng, nói chung là để tạo sự hấp dẫn trong mắt của khách hàng. Ở nước ngoài người ta quan tâm rất nhiều đến điều ấy, trong khi ở Việt Nam thì hầu như không có, rất ít, rất hạn chế... Các cửa hàng ở Việt Nam hình như còn suy nghĩ đơn giản về chuyện này. Vì vậy ở Việt Nam mình stylist chưa có nhiều việc làm.

* Anh đánh giá thế nào về “tầm vóc” của các stylist ở ta hiện nay?

- Gần đây tôi thấy có một số stylist trẻ là có ý tưởng. Nhìn qua ảnh là mình biết là bộ ảnh này có người làm stylist. Mình thấy gần đây chuyện làm stylist đang có chiều hướng phát triển. Trước đây ai hỏi “anh làm nghề gì”, nếu trả lời “tôi làm stylist” thì chẳng ai hiểu nghề đó là nghề gì cả. Bây giờ có thể người ta sẽ biết nhiều hơn. Tôi nghĩ là nó đang phát triển. Còn chất lượng ư? Đơn giản thôi, tất cả dựa vào qui luật đào thải. Không chỉ riêng ngành nghề này, bước chân vào mà không đủ khả năng thì sẽ không thể tồn tại, vấn đề chỉ là thời gian, sớm hay muộn. Tất cả mọi sự cố gắng mà không có cái nền tảng nó đều có một kết thúc giống nhau.

Hải Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm