Stylist (Bài 1): Stylist - phiên bản gốc

22/09/2009 08:25 GMT+7 | Văn hoá

CƠN BÃO MANG TÊN...

Stylist

Dăm năm trở lại đây, khi ngành công nghiệp giải trí ở ta đang trên đà “rộn ràng hóa” thì cũng là lúc công chúng được (bị) “tấn” thêm hàng lố danh xưng “thuần Tây” như: diva, vedette, idol... Có những “nhà” nổi tiếng ắt sẽ phải có thêm lắm nhà khác “giúp” và “giữ” họ nổi tiếng, thế là có thêm các nhà: production (nhà sản xuất), manager (nhà quản lý), photographer (nhiếp ảnh gia), make-up (trang điểm gia), hair designer (nhà tạo mẫu tóc)... Và có một chức danh rất phổ biến thời gian gần đây nghe có vẻ rất sang mà chỉ cần đủ “gan” thì ai cũng có thể sẵn sàng nhập cuộc, đó là stylist (người tạo dựng phong cách).

Stylist không xa lạ gì ở những nền show-biz chuyên nghiệp. Thế nên, công tâm mà nói, sống giữa thời “hội nhập” thì khi đứng trước cái “cũ người, mới ta” chúng ta cũng nên... mừng. Mừng vì rõ ràng phải “cần” thì nó mới “có” và không thể phủ nhận có những stylist ở ta hiện nay có đủ đam mê và nhiệt thành với nghề. Họ đã và đang góp phần tạo dựng phong cách của không ít ngôi sao và tạo ra được những hiệu ứng thú vị về phía công chúng. Hay ít nhất, dù chỉ là hình thức nhưng sự có mặt của các stylist cũng làm cho bộ mặt của show-biz Việt có vẻ đỡ nghiệp dư hơn. Tuy nhiên, trong cái mừng vẫn có những cái đáng lo. Lo vì không biết các stylist hiện nay ở đâu ra mà lắm thế? Thậm chí có cảm giác, vào một sáng đẹp trời nào đấy, nếu muốn thì bất kỳ ai cũng có thể đường hoàng vỗ ngực xưng ta là stylist. Có chắc là nhu cầu stylist ở ta đang “ngất ngưởng” đến thế không!? Trong khi thực hiện chuyên đề, chúng tôi đã tìm thấy được những câu chuyện cười ra nước mắt với cái nghề còn khá non trẻ này, kể cả những khoảng tối của nó. 

Nghề stylist gắn liền với thế giới thời trang và thế giới show-biz trước khi nó bước chân sang các lĩnh vực khác như các công ty, các tạp chí,... muốn tạo dựng hình ảnh về một phong cách riêng. Nhưng phổ biến nhất vẫn là thời trang và show-biz. Vì vậy, “stylist” không dùng độc lập, nó luôn gắn với lĩnh vực cụ thể: fashion stylist, wardrobe stylist (tạo phong cách thời trang), hair stylist (tạo phong cách tóc), thậm chí là celebrity stylist (tạo phong cách cho người nổi tiếng)...

Tổ chức thực hiện: CAO HẢI HÀ



(TT&VH Cuối tuần) - Dù biết chẳng thể mang bất kỳ thứ gì trong làng giải trí ở ta ra so với thế giới. Sẽ chênh và khập khiễng lắm! Và cũng biết rằng, do những đặc thù về văn hóa nên có những thứ du nhập vào Việt Nam sẽ được “giải phẫu” đôi chút cho vừa vặn với hoàn cảnh thực tế. Nghề stylist cũng vậy! Thế nhưng nếu không “xem lại” phiên bản gốc thì làm sao biết cái phiên bản ở ta tròn méo ra sao, lệch như thế nào và đang nằm ở đâu trong lòng thế giới?

Trong các sự kiện, như LHP Venice mới kết thúc tuần qua, phong cách của các ngôi sao qua sự xuất hiện của họ, qua việc họ lăng-xê một kiểu tóc mới hay khoác lên người bộ đầm gợi cảm, chiếc ví cầm tay, thậm chí là chiếc nhẫn nhỏ xíu v.v... luôn là tâm điểm chú ý của giới truyền thông và công chúng tò mò. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi sao thường... không biết sẽ mặc gì và xuất hiện như thế nào mà phải trông vào các fashion stylist (người tạo phong cách thời trang) hay các celebrity stylist (người tạo phong cách cho người nổi tiếng). Không chỉ cảm nhận về thời trang, các celebrity stylist biết làm thế nào để sự xuất hiện của “khách hàng” trở nên nổi bật, thu hút sự quan tâm của báo chí và công chúng. Đổi lại, những celebrity stylist hạng “top” có thể kiếm được 6.000 USD cho một ngày làm việc, thậm chí hơn nữa! Hình dung về “hào quang” của nghề stylist là như vậy, nhưng để trở thành một stylist thì không dễ!


 Bộ sưu tập Thu Đông 2008 của Calvin Klein dưới bàn tay của stylist Camilla Nickerson
“Bột” nào “gột” nên stylist?

Hiểu theo nghĩa rộng, công việc của một stylist không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn trang phục, trang sức, kiểu tóc, cách trang điểm... mà còn có thể tư vấn việc chọn lựa mẫu xe, cách trang trí nội thất v.v..., thậm chí còn có thể “nhúng” vào cả cách ứng xử, giao tiếp cho khách hàng. Stylist không đơn thuần là một người tạo phong cách mà còn có phần nào đó của công việc marketing, PR... Hiện nay trên thế giới chưa có trường đào tạo chuyên ngành này nhưng phần lớn các stylist đều có xuất phát điểm từ các trường đào tạo về thời trang. Song đào tạo bài bản chưa phải là yếu tố quyết định cho thành công của một stylist. Thành công của những stylist có tiếng tăm trên thế giới hiện nay đều nhờ vào thẩm mỹ cá nhân cùng với kinh nghiệm làm việc lâu năm, như Rachel Zoe, Patricia Field hay Bay Garnett - stylist cho tạp chí Vogue, Phillip Bloch cố vấn cho hai diễn viên Halle Berry và Sandra Bullock; Britt Bardo giúp Eva Mendez, Jennifer Lopez, Kate Hudson trở nên quyến rũ.

Nhiều stylist trên thế giới khởi đầu công việc từ một cửa hàng thời trang nhỏ và làm công việc bán hàng kiêm luôn tư vấn cho khách hàng cách phối hợp trang phục hợp với tính cách, hình thể. Họ cũng có thể thiết kế trang phục để bán cho khách hàng. Để làm được điều đó, một stylist phải là người có nền tảng, am hiểu về nghệ thuật nói chung và đủ lượng kiến thức trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Đặc biệt, họ phải có gu thẩm mỹ tốt và óc sáng tạo không ngừng.

Thời trang là lĩnh vực hoạt động sôi nổi nhất của những chuyên gia tạo phong cách. Nếu như nhà tạo mẫu là người thiết kế mẫu thời trang, người mẫu đảm nhận vai trò trình diễn mẫu thời trang đó, thì stylist là người “thông dịch” ý tưởng của mẫu thiết kế đến công chúng. Stylist giỏi thường là người phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực thời trang, nơi họ học hỏi được những kinh nghiệm cần thiết, những mối quan hệ tốt với các nhà tạo mẫu, người mẫu... Đó là những tiền đề quan trọng để tạo dựng một thương hiệu stylist. Con đường đi tiếp theo của họ có thể là tìm chỗ đứng trong những kênh truyền hình, các tạp chí chuyên ngành về thời trang, người mẫu...
 
Đẳng cấp của stylist

Ở những nền show-biz chuyên nghiệp như Mỹ, stylist được chia thành hai nhánh rạch ròi, phần nào phản ánh đẳng cấp: PS (Personal Stylist) và CS (Celebrity Stylist).

PS là người tư vấn tạo phong cách riêng cho cho một cá nhân hay một nhóm người cụ thể từ trang phục mặc lên người, cách trang điểm, kiểu tóc, phối hợp màu sắc để sao cho họ tự tin nhất khi xuất hiện trước đám đông.

CS khác PS ở chỗ khách hàng của họ là những người nổi tiếng. Muốn trở thành một stylist có tiếng, cách nhanh nhất là tìm kiếm, nắm bắt lấy cơ hội hợp tác với những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc. Ngôi sao nào cũng muốn có một phong cách riêng và hợp thời trang khi xuất hiện trước ống kính của các tay nhiếp ảnh trong các sự kiện truyền thông. Không phải ai sinh ra cũng có gu thẩm mỹ tốt để tự diện cho mình một bộ cánh ưng ý, nên CS là những người các sao nhờ cậy.


 Rachel Zoe
Mảnh đất tốt nhất cho CS tung hoành không đâu khác ngoài Hollywood, nơi các diễn viên thường trưng diện khi bắt đầu vào mùa tranh giải Oscar. Rachel Zoe là người có vai trò quyết định các ngôi sao nổi tiếng nhất ở kinh đô điện ảnh này sẽ ăn vận như thế nào trên thảm đỏ. Các nữ diễn viên ở Hollywood muốn nhờ cậy đến Zoe để xây dựng cho họ một vẻ bề ngoài ấn tượng nhất, hợp với khuynh hướng thời trang đang thịnh hành. Zoe đã thay đổi làm thay đổi hình ảnh của Nicole Richie và Lindsay Lohan trước công chúng. Chính Zoe đã biến họ từ những người từng có một thời là đề tài cho nhiều chuyện đàm tiếu trên các báo lá cải về cách ăn mặc của họ trở thành biểu tượng của thời trang. Danh sách khách hàng của Zoe còn dài với những cái tên như Keira Knightley, Kate Beckinsale, Mischa Barton, Molly Sims, Mischa Barton, Salma Hayek... Thu nhập từ công việc tư vấn đi dạo mua sắm cùng sao đủ để giúp Zoe giàu hơn nhiều ngôi sao đang nhờ cô làm cố vấn. Và tất nhiên tự bản thân Zoe đã biến mình thành một ngôi sao ở kinh đô điện ảnh này. Zoe cũng là ngôi sao truyền hình thực tế trong series Rachel Zoe Project For Bravo.

Trở thành stylist nổi tiếng ở đây đồng nghĩa với việc Zoe cũng là người có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp thời trang. Cô là người cùng Francisco Costa, giám đốc ý tưởng của CK phác thảo nên một số bộ sưu tập cho nhãn hàng này. Chanel, De La Renta, YSL, Gucci, Valentino, Dior... không ít lần hợp tác cùng cô.

Những stylist nặng ký

     Stylist phải là người có “con mắt xanh” với những thứ “hot và mới”, là người luôn nhìn thấy khuynh hướng mới (The Times)

Gok Wan, lai hai dòng máu Trung Quốc- Anh, tốt nghiệp từ trường biểu diễn nghệ thuật, nhưng sau đó thì nghề stylish đã chọn Wan.  Nghề này đã đưa đến cho Wan cơ hội tiếp xúc với những người nổi tiếng, rồi đến các cơ hội cộng tác với các tạp chí người mẫu, thời trang như People, Clash, The Face. Làm cố vấn thời trang cho các kênh truyền hình MTV, LK..., đến 2006, Gok Wan trở thành chủ của show thời trang trên truyền hình How to Look Good Nake.

Camilla Nickerson là biên tập đồng thời là stylist thời trang của tạp chí thời trang hàng đầu nước Mỹ W. Để trở thành stylist, cô bắt đầu từ công việc kinh doanh cho tạp chí Vogue ở Anh, Italia và các tạp chí The Face, Harper’s & Queen. Là stylist cho một tạp chí thời trang, vai trò của cô là đưa ra những ý tưởng hay nhất, độc đáo nhất quyết định cái hồn cho hình ảnh của một bộ sưu tập thời trang xuất hiện trên tạp chí của mình. Những cộng sự của Camilla là những nhiếp ảnh gia chuyên về thời trang hàng đầu như Steven Meisel, Annie Leibovitz, Mario Testino, Juergen Teller, Nick Knight, Mario Sorrenti.

Một cơ hội cho các stylist chuyên nghiệp là tham gia vào các bộ phim lớn. Họ được mời để tư vấn, thiết kế, mua sắm trang phục để góp phần tạo nên một phong cách cho các nhân vật trong phim. Bộ phim Sex & the City thành công rực rỡ có đóng góp không nhỏ của một người phụ nữ không xuất hiện trên màn ảnh, đó là Patricia Field. Bà chính là stylist cho bộ phim thời trang này. Các cô nàng trong phim thay đổi trang phục xoành xoạch với hơn 300 bộ trang phục được Patricia lôi về. Để chọn được bộ váy cho ngày cưới của Carrie - một trong các nhân vật chính, Patricia Field đã phải sơ tuyển từ hàng chục mẫu thiết kế để cuối cùng chọn ra thiết kế của nhà tạo mẫu Vivienne Westwood. Chắc hẳn nhiều người xem phim này để được chiêm ngưỡng bốn cô nàng có thú shopping sẽ mặc những trang phục nào của Balenciaga, Louis Vuitton, Proenza Schoule, Karl Lagerfeld..., sẽ lủng lẳng trên tay túi xách của Chanel hay Dior hay có tiếp tục chọn giày của Manolo Blahnik? Không! Bốn cô nàng ấy không chọn. Đó là công việc của Patricia Field, bà đã chọn giúp họ.

Sự nghiệp của Patricia cũng bắt đầu từ một cửa hàng thời trang nhỏ, may mắn đến với bà quen biết với Sarah Jessica, diễn viên đóng vai Carrie trong serie phim truyền hình Sex & the City những năm 1990. Bà là người hướng dẫn cho Sarah mặc gì khi lên phim. Tiếp đến là The Devil Wears Prada (Quỷ cái vận đồ Prada), bộ phim nói về công việc của những người làm công tác biên tập cho các tạp chí thời trang, Patricia đã được đề cử cho giải Oscar cho thiết kế trang phục. Và khi đã ngoài tuổi 60 bà mới thực sự bước vào công việc thiết kế thời trang khi hợp tác với M&S.

Minh Luân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm