Hủy vũ khí hóa học Syria: Nói dễ, làm khó

16/09/2013 07:13 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Không có những đáp án dễ dàng và việc vô cùng thiếu các tiền lệ đang là những cản trở lớn nhất trong việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, vốn thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Trong lịch sử thế giới, chưa từng có tổ chức quốc tế nào chịu trách nhiệm chuyển một kho vũ khí hóa học lớn như của Syria ra nước ngoài để phá hủy. Đó là chưa kể tới việc người ta còn chưa biết đưa kho vũ khí đó đi đâu.

Thách thức khổng lồ

Tương tự, thế giới cũng chưa từng gửi các thanh sát viên tới một vùng chiến sự như Syria để tiêu hủy vũ khí hóa học. Ngoài ra, việc đốt cháy một lượng khổng lồ các hóa chất độc hại mà Syria đang sở hữu là công việc rất tốn thời gian và cực kỳ mạo hiểm.  

Các chuyên gia tin rằng Syria có cả ngàn tấn chất độc chết người, đặt rải rác ở 45 địa điểm khác nhau trên toàn quốc. Không ai biết rõ có bao nhiêu phần của kho chất độc này đã nằm trong các quả đạn.


Chuyên gia quốc tế bên cạnh các thùng chứa chất độc thần kinh tại Al Muthanna, Iraq, vào năm 1993

Khi được xử lý đơn lẻ, các loại hóa chất độc hại phải được bơm từng liều nhỏ vào trong lò và thiêu cháy. Hơi độc tỏa ra sẽ được đẩy tới một dãy các thiết bị lọc phức tạp.

Nhưng nếu chất độc ở trong đạn, quy trình xử lý sẽ phức tạp hơn nhiều. Theo Dieter Rothbacher, người giúp giải giáp chương trình vũ khí hóa học ở Iraq, các chuyên gia xử lý sẽ phải mặc đồ bảo hộ toàn thân. "Anh sẽ phải xử lý từng viên đạn và đưa chúng vào lò thiêu. Hoặc anh sẽ phải mở vỏ bọc của từng viên đạn với thuốc nổ đầy ở bên trong và dùng máy hút chân không hút hết chất độc ra" - ông nói - "Công việc vô cùng nguy hiểm và độc hại".

Khả năng hạn chế

Trong tuần này, khi Syria đâm đơn xin gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) - tổ chức hình thành để đảm bảo sự thực thi của Công ước cấm vũ khí hóa học từ 1993 -  đất nước này sẽ có nghĩa vụ quốc tế phải cung cấp khả năng khoa học, nhân lực và tiền bạc cho việc hủy bỏ vũ khí hóa học.

Thế nhưng, bên cạnh các rủi ro xảy tới từ cuộc nội chiến vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người, đất nước này hiện không có khả năng tiến hành hủy vũ khí hóa học như phần lớn trong số 189 nước đã gia nhập OPCW.

Nga và Mỹ, cả hai nước hiện vẫn đang phá hủy kho vũ khí hóa học khổng lồ của mình, là những nơi duy nhất trên thế giới có khả năng xử lý với quy mô công nghiệp các loại đạn có chứa chất độc mustard, VX, sarin hoặc cyanide.

Nhưng việc nhập khẩu vũ khí hóa học vào Mỹ bị luật pháp cấm triệt để. "Mỹ sẽ không thể nhận về vũ khí của Syria. Nga có thể nhận số vũ khí, nhưng công tác kho vận sẽ vô cùng khó khăn. Không nước nào khác ngoài hai nước này có chương trình phá hủy vũ khí hóa học đủ lớn để chứa kho vũ khí của Syria" - Ralf Trapp, một chuyên gia giải giáp vũ khí hóa học độc lập nhận xét.

Đức có một cơ sở chuyên tiêu hủy vũ khí hóa học với công suất 70 tấn một năm. Tuy nhiên nơi này không thể xử lý các chất độc thần kinh như sarin và VX, giống loại Syria sở hữu. Ngay cả khi Đức có khả năng, việc hủy bỏ kho chất độc thần kinh đó có thể kéo dài tới cả thập kỷ.

Những lựa chọn thực tế

Lựa chọn thực tế nhất hiện nay là xây dựng một mạng lưới các cơ sở phá hủy vũ khí hóa học tại Syria, với sự giúp đỡ về vốn từ nước ngoài và sự đảm bảo an ninh từ Liên Hợp Quốc.

Các cơ sở phá hủy vũ khí hóa học kiểu này thường gồm một lò thiêu, một lò phản ứng, một kho chứa đạn cần tiêu hủy và một kho chứa chất độc hóa học. Người ta cũng cần bổ sung một đơn vị bảo trì và lắp đặt các vòi tắm tẩy độc trong cơ sở. 


Tiêu hủy đạn pháo chứa khí mustard tại Iraq

Syria hiện có 60 ngày để báo cáo về toàn bộ quy mô chương trình vũ khí hóa học của nước này tới cho OPCW. Trong vòng vài tuần sau đó, các thanh sát viên OPCW sẽ được cử tới hiện trường để kiểm tra tính xác thực trong thông tin của phía Syria. Sẽ phải mất nhiều tháng trời để một đội gồm 15 - 20 thanh sát viên, kiểm đếm xong kho vũ khí của Syria.

Nếu Syria bị phát hiện di chuyển, che giấu vũ khí hóa học hoặc cản trở công việc của các thanh sát viên, nước này sẽ có nguy cơ bị Liên Hợp Quốc trừng phạt. Nhìn từ Iraq, hoạt động phá hủy vũ khí hóa học tại đây đã bị tạm ngưng do bùng phát bạo lực sắc tộc. Vì thế sẽ phải mất nhiều năm nữa trước khi Syria có thể bắt đầu tiêu hủy vũ khí hóa học của nước này.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm