Nga, Mỹ đạt được sự đồng thuận về quá trình chuyển giao vũ khí hóa học ở Syria

15/09/2013 09:10 GMT+7 | Trong nước

(thethaovanhoa.vn) - Nga và Mỹ ngày hôm nay đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá để loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hóa học ở Syria trong cuộc đàm phán song phương ở Thụy Sĩ.

Nga và Mỹ đạt được tiếng nói chung trong vấn đề Syria

"Sự kiện có thể nói là hiếm hoi trong lịch sử khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận chung trong một vấn đề nhức nhối ở Trung Đông", Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thống nhất về kế hoạch chuyển giao vũ khí hóa học của chính phủ Syria.

Theo đó Syria sẽ phải cung cấp cho Liên Hợp Quốc bản danh sách đầy đủ số lượng và vị trí kho vũ khí hóa học mà chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cất giữ. Các thanh sát viên quốc tế giám sát quá trình chuyển giao và tiêu hủy kho vũ khí hóa học sẽ có mặt ở Syria ít nhất trong tháng Mười một tới.

"Những bước đi trong kế hoạch giải giáp vũ khí hóa học ở Syria cần được thực hiện đồng bộ và đúng thời điểm", ông Kerry cho biết. Dự kiến đầu năm sau số vũ khí hóa học và nguyên liệu chế tạo vũ khí hóa học ở Syria sẽ được tiêu hủy hoàn toàn. "Tốt nhất là số vũ khí hóa học này cần được tiêu hủy bên ngoài phạm vi Syria", ông Kerry nói thêm.

Tránh trường hợp xảy ra ở Iraq khi chính phủ của cựu Thổng thống Saddam Hussein đã kéo dài thời gian và đưa ra những thông tin sai lệch làm chậm quá trình thống kê số lượng vũ khí hóa học cần phải tiêu hủy ở Iraq, Mỹ yêu cầu các thanh sát viên quốc tế được tiếp cận với những số liệu vũ khí hóa học của Syria ngay lập tức.

Chương VII trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc để ngỏ khả năng Hội đồng Bảo an có thể đưa ra một lệnh sử dụng vũ lực với Syria nếu quá trình chuyển giao vũ khí hóa học không được chính phủ Syria hợp tác. Tuy nhiên với tư cách là hai thành viên chủ chốt trong Liên Hợp Quốc, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phủ quyết những hành động quân sự nhắm vào Syria.

Những động thái mang tính ngoại giao

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ca ngợi Tổng thống nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Lavrov về những sáng kiến dẫn tới một cuộc đàm phán thành công tốt đẹp trên cơ sở hòa bình ở Geneva. Ông Kerry cũng bác bỏ những thông tin cho rằng chính quyền Mỹ yêu cầu Syria phải chuyển giao kho vũ khí hóa học trong vòng một tuần như một số phương tiện thông tin truyền thông đã đưa ra trong tuần này. 

Ông Kerry bắt tay thân mật cùng Ngoại trưởng Nga Lavrov

"Tôi không hề có ý định yêu cầu Syria phải chuyển giao kho vũ khí hóa học trong vòng một tuần như những gì đã thảo luận ở London. Tôi không hi vọng chính phủ Syria vào một biện pháp có thể cho thấy hiệu quả ngay tức thời", ông Kerry nói.

Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng ca ngợi sự hợp tác thân thiện của chính phủ Mỹ về vấn đề Syria. "Kế hoạch giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria sẽ giúp tránh được một cuộc tấn công quân sự vô ích", Ông Lavrov cũng cho rằng hiệp định ở Geneva mới chỉ là bước khởi đầu nhưng đã cho thấy cộng đồng quốc tế có một cái nhìn chung về một thỏa thuận khiến chính phủ Syria đồng ý từ bỏ kho vũ khí hóa học.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tỏ ra hoan nghênh kế hoạch đã được thông qua bởi Nga và Mỹ. Ông Fabius cho rằng đây là một bước tiến quan trọng mang tính lịch sử. Pháp dự định sẽ có cuộc họp với Anh vào thứ Hai tuần tới nhằm thống nhất những khả năng hỗ trợ có thể để đẩy nhanh quá trình chuyển giao vũ khí hóa học ở Syria.

Ngoại trưởng Anh William Hague hoàn toàn đồng thuận với bản kế hoạch trong hiệp định Geneva. "Sau khi có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Vương quốc Anh hoàn toàn tán thành kế hoạch giải giáp vũ khí hóa học trên cơ sở hòa bình".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ông Ban ki-Moon đưa ra những quan điểm tích cực sau cuộc hội đàm giữa Nga và Mỹ. "Liên Hợp Quốc cam kết đóng vai trò trung gian hỗ trợ quá trình chuyển giao vũ khí hóa học ở Syria", phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cho biết. Ông Ban ki-Moon cũng hi vọng hiệp định ở Geneva sẽ chấm dứt khả năng sử dụng vũ khí hóa học không chỉ ở Syria mà trên toàn thế giới trong tương lai. "Một giải pháp chính trị sẽ góp phần chấm dứt những nỗi đau mà người dân Syria phải gánh chịu", ông Ban ki-Moon cho biết.

Lực lượng nổi dậy ở Syria tỏ ra lo lắng

Nếu như cộng đồng quốc tế và Syria đều đang đi đến một thỏa thuận chung mang tính tích cực thì lực lượng nổi dậy ở Syria (FSA) lại tỏ ra khá lo lắng và hoài nghi. Tướng Salim Idriss, người đứng đầu lực lượng FSA cho rằng chính phủ Syria đã bắt đầu cất giấu và vận chuyển một phần kho vũ khí hóa học khổng lồ tới Lebanon và Iraq. "Chúng tôi có những nguồn tin đáng tin cậy cho thấy Syria đang vận chuyển vũ khí hóa học tới Lebanon và Iraq".

Nhà lãnh đạo lực lượng nổi dậy lo ngại rằng chính phủ Syria sẽ đồng ý tiêu hủy phần lớn kho vũ khí hóa học nhưng giữ lại một phần nhỏ để chống lại những chiến binh giải phóng Syria. "Quân đội chính phủ có dự định sử dụng kho vũ khí hóa học nhằm đẩy lùi lực lượng nổi dậy", Tướng  Idriss cho biết.

Sự lo lắng của lực lượng nổi dậy thực chất ngoài vấn đề vũ khí hóa học còn có một nguyên nhân sâu xa rằng nếu Mỹ ngừng kế hoạch tấn công Syria vô thời hạn, quân đội chính phủ sẽ dần chiếm ưu thế ở những khu vực giao tranh chiến lược.

Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm