LHQ thành lập nhóm điều tra tội ác chiến tranh ở Syria

22/12/2016 14:48 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 21/12 đã nhập trí thành lập một nhóm đặc nhiệm chịu trách nhiệm "tập hợp, thống nhất và phân tích bằng chứng" cũng như chuẩn bị cho các vụ tố tụng liên quan đến các tội ác chiến tranh và cáo buộc về nhân quyền trong cuộc xung đột ở Syria.

ĐHĐ LHQ đã thông qua nghị quyết do Liechtenstein soạn thảo với 105 phiếu ủng hộ, 15 phiếu chống và 52 phiếu trắng, theo đó thành lập nhóm đặc nhiệm có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Điều tra Syria của LHQ.

Phát biểu tại ĐHĐ trước phiên bỏ phiếu, Đại sứ Liechtenstein tại LHQ Christian Wenaweser cho biết nhóm đặc nhiệm sẽ có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, tạo điều kiện và xúc tiến công tác xét xử công bằng và độc lập đối với các hành vi phạm tội theo đúng tiêu chuẩn luật pháp quốc tế tại các tòa án quốc gia, khu vực hoặc quốc tế có quyền hạn xét xử những tội ác này.


Người dân Syria sơ tán khỏi các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát để đến các khu vực đã được quân Chính phủ giải phóng ở Aleppo ngày 13/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghị quyết của LHQ kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên liên quan trong cuộc xung đột cũng như các nhóm xã hội dân sự hỗ trợ cung cấp thông tin và tài liệu cho nhóm đặc nhiệm.

Tuy nhiên, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja'afari chỉ trích quyết định trên, cho rằng một cơ chế như vậy là "sự can thiệp trắng trợn" vào tình hình nội bộ của một quốc gia thành viên LHQ. Đại diện các nước Nga và Iran cũng lên tiếng phản đối nghị quyết trên.

Cùng ngày, một cơ quan điều tra của LHQ công bố báo cáo khẳng định vụ tấn công nhằm vào đoàn xe cứu trợ của LHQ và Tổ chức Chữ Thập đỏ Arab Syria (SARC) tại thành phố Aleppo của Syria hồi tháng 9 vừa qua là một vụ không kích.

Tuy nhiên, báo cáo do Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đệ trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cho hay chưa thể kết luận đây là một vụ tấn công có chủ đích cũng như do bên nào tiến hành. Cho đến nay, Nga và Mỹ vẫn cáo buộc lẫn nhau gây ra vụ trên.

Trong một diễn biến khác, hai nước Anh và Pháp đã đệ trình lên HĐBA LHQ một dự thảo nghị quyết về việc cấm bán máy bay trực thăng cho chính quyền Syria và áp đặt lệnh trừng phạt, bao gồm phong tỏa tài sản và cấm đi lại, đối với 4 cá nhân người Syria và 10 thực thể của nước này do tình nghi liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Lâu nay Damascus vẫn luôn phủ nhận những thông tin cho rằng các lực lượng chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm