Đền Preah Vihear gây tranh cãi

12/07/2008 15:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Tại phiên họp thường niên lần thứ 32– diễn ra từ ngày 3 đến ngày 10/7 tại thành phố Quebec (Canada) - Ủy ban Di Sản thế giới của UNESCO đã công nhận thêm 27 di sản văn hóa và thiên nhiên là Di sản Thế giới.
 
 Ngôi đền Preah Vihear được công nhận là thuộc địa phận Campuchia nhưng đường lên đền lại nằm trên đất Thái Lan
Trong số 27 di sản mới được công nhận có 19 di sản văn hóa và 8 di sản thiên nhiên. Như vậy hiện này thế giới có tổng cộng 878 di sản (145 nước). 10 di sản mới của châu Âu được đưa vào danh sách các kỳ quan kiến trúc và thiên nhiên năm nay có các pháo đài Pháp - đại diện điển hình nhất trong các công trình của Sebastien Le Prestre de Vauban, kiến trúc sư thời Vua Louis XIV. Các di sản châu Á được tôn vinh trong năm nay có các thị trấn buôn bán lịch sử của Malaysia và di chỉ nông nghiệp ở Papua New Guinea. Trung Đông có 4 di sản, gồm quần đảo Scocotra của Yemen, di chỉ khảo cổ Al-Hijr của Saudi Arabia; thánh địa Baha’i ở Haifa và Tây Galilee ở Israel và quần thể tu viện Armiania ở Iran. Châu Phi có các khu rừng Mijikenda Kaya ở Kenya và khu phong cảnh văn hóa Le Morne ở Mauritius. Có 4 nước, gồm Papua New Guinea, San Marino, Saudi Arabia và Vanua, lần đầu tiên có tên trong danh sách này sau đợt công nhận năm nay.

Tuy nhiên, Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định tăng cường giám sát đối với 4 di chỉ, gồm cảng Bordeaux ở Tây Nam nước Pháp, Thánh đường Machu Picchu lịch sử (Peru), Timbuktu (Mali) và thành phố Samrkand (Uzbekistan), do có dấu hiệu bị xâm hại hoặc không được bảo quản chu đáo. 7 di sản khác vẫn tiếp tục nằm trong sự giám sát sau khi đã bị “để ý” từ năm ngoái, gồm thung lũng Elbe ở Dresden (Đức), Thành cổ Jerusalem và các bức tường thành (Israel) và 5 di sản của Cộng hòa Congo.

Gây tranh cãi nhất trong đợt công nhận các di sản mới này là ngôi đền Preah Vihear, tọa lạc trên đỉnh núi Dângrêk nằm giữa biên giới Campuchia và Thái Lan. Năm 1962, Tòa án Thế giới đã quyết định ngôi đền Hindu có niên đại từ thế kỷ 11 này thuộc về Campuchia, song lối đi chính lại nằm ở chân núi thuộc địa phận Thái Lan. Khi biết tin ngôi đền được công nhận là di sản thế giới, các quan chức Chính phủ Campuchia người dân ở đất nước này hết sức phấn khởi.
 
 Cảng Bordeaux ở Tây Nam nước Pháp nằm trong
danh sách các di sản cần được tăng cường giám sát
Thủ tướng Hun Sen nói: “Đây là niềm tự hào mới cho người dân Campuchia cũng như người dân thế giới khi ngôi đền Preah Vihear được ghi nhận là kiến trúc Khmer hàng đầu và mang các giá trị nhân văn toàn cầu. Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc và chân thành tới tất cả những người luôn ủng hộ công tác của Chính phủ và thể hiện sự hiểu biết, lòng kiên nhẫn của họ trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia và cư xử với người Thái như người bạn tốt và nước láng giềng thân thiện”.

Ngôi đền Preah Vihear là di sản Khmer thứ 3 được công nhận là di sản thế giới, sau đền Angkor Wat (được công nhận từ năm 1992) và múa Hoàng gia (năm 2003). Preah Vihear được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ thứ 9, nhưng phần lớn ngôi đền được hoàn thiện trong các triều đại Vua Suryavarman I (1002–1050) và Suryavarman II (1113–1150).
Hình ảnh ngôi đền Preah Vihear

Campuchia bắt đầu tìm kiếm danh vị Di sản Thế giới cho ngôi đền Preah Vihear từ năm 2001 và hy vọng sẽ hút được khách du lịch và các nguồn tài trợ quốc tế nếu như nó được công nhận. Thế nhưng, Thái Lan đã bác bỏ sự đề cử của nước láng giềng với lo ngại rằng danh vị này sẽ kéo theo việc tranh chấp khu đất dọc biên giới. Hồi tháng 5, Chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã “phớt lờ” Quốc hội và tán thành sự đề cử của Campuchia. Việc làm đó của Thủ tướng Samak Sundaravej đã bị các nhà phê bình chỉ trích là vi phạm chủ quyền của đất nước. Tuần trước, Campuchia đã đóng cửa khu đền sau khi người Thái tiến hành biểu tình xung quanh đó. Campuchia còn phải bố trí cảnh sát tại đại sứ quán Thái Lan ở thủ đô Phnom Penh vì lo ngại rằng sẽ có một cuộc biểu tình chống người Thái ở đây.

Việc ngôi đền 900 tuổi Preah Vihear được UNESCO công nhận là di sản thế giới đã khiến hôm 10/7 Ngoại trưởng Thái Lan Noppadon Pattama phải lên truyền hình quốc gia tuyên bố từ chức sau khi tòa án Thái Lan phán quyết ông đã vi phạm hiến pháp khi ký kết thỏa thuận với nước láng giềng Campuchia. Hồi tháng trước, ông Pattama đã đặt bút ký một thỏa thuận với Campuchia, ủng hộ nỗ lực của nước này trong việc đề nghị UNESCO công nhận ngôi đền Preah Vihear là di sản thế giới. Thỏa thuận trên đã được nội các Thái Lan thông qua. Tòa án Thái Lan cho rằng bản thân ông Pattama cũng như nội các nước này không có quyền ký kết thỏa thuận kể trên với Campuchia mà không thông qua Quốc hội.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm