11/06/2024 07:23 GMT+7 | Giải trí
Là sự kiện điện ảnh thường niên diễn ra tại Đà Nẵng, Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng được kỳ vọng trở thành một tiền đề quan trọng để thành phố này ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Và, lần tổ chức thứ 2 của sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 2 tới ngày 6/7 tới đây.
Ngay ở lần đầu tiên tổ chức, Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (Da Nang Asian Film Festival - DANAFF)đã được báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của năm. Trong lần thứ 2 diễn ra, sự kiện trở thành thường niên này tiếp tục do UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức.
Đà Nẵng chỉ "đáng sống" khi có chiều sâu về văn hóa
Cần nhắc lại, cuối năm 2023, Việt Nam có thêm 2 thành phố được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, gồm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trong lĩnh vực âm nhạc và Hội An (tỉnh Quảng Nam) trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam có 3 thành phố gắn với mạng lưới này (cùng với trường hợp của Hà Nội -được công nhận Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kếvào năm 2019).
Trước đó, vào năm 2022, trong chương trình nghiên cứu tiền khả thi của Bộ VH,TT&DL về việc phát triển Đà Nẵng là thành phố thuộc Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, các chuyên gia đã nêu quan điểm rằng: Thành phố Đà Nẵng chỉ thực sự "đáng sống" khi có chiều sâu về văn hóa.
Theo đó, Đà Nẵng đánh giá cao và ghi nhận vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo phát triển tại địa phương trong đó có lĩnh vực điện ảnh. Như vậy, "lộ trình" tổ chức DANAFF thường niên là hoàn toàn phù hợp với chủ trương này của Đà Nẵng.
TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL), Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), đánh giá cao những nỗ lực của DANAFF - một sự kiện thường niên được cả giới điện ảnh Việt Nam và khu vực châu Á chờ đón. "Điều này phản ảnh sự phát triển năng động của điện ảnh nước nhà trong năm qua. Thành công của DANAFF cũng sẽ góp phần định vị và khẳng định thương hiệu thành phố Đà Nẵng trong văn hóa, sáng tạo, hướng tới đưa thành phố gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong thời gian tới" - bà Nguyễn Phương Hòa chia sẻ.
Còn theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng, DANAFF được tổ chức với mong muốn tạo dựng thêm những thương hiệu sự kiện, khẳng định vị thế "điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á" của Đà Nẵng. Ông Trần Chí Cường cũng bày tỏ sự vui mừng khi DANAFF II quy tụ được các bộ phim xuất sắc cũng như dàn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và quốc tế.
"Đây là sự kiện mang tầm quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, tạo cơ hội trao đổi, xúc tiến và kết nối trong tương lai cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng" - ông Trần Chí Cường khẳng định - "Bên cạnh Lễ hội Pháo hoa quốc tế, DANAFF được xác định là 1 trong 4 sự kiện văn hóa trọng điểm của Đà Nẵng trong năm 2024; đồng thời là sự kiện mang tính thương hiệu, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của thành phố".
"Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 sẽ diễn ra từ ngày 2 tới ngày 6/7 tới đây".
"Bữa tiệc" của điện ảnh Việt Nam và quốc tế
Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF II, so với DANAFF lần thứ I chỉ có 46 phim tham dự, năm nay con số này đã được nâng lên 63 phim. Tuy nhiên, điểm khác biệt theo bà Ngô Phương Lan đánh giá không chỉ nằm ở số lượng mà đáng chú ý là ở "chất lượng".
Cụ thể, tham gia tranh giải ở hạng mục Phim Việt Nam dự thi có những cái tên vừa "gây sốt" phòng vé: Đào, phở và piano, Lật mặt 7: Một điều ước, Mai… Hai bộ phim Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế là Bên trong vỏ kén vàng ("Phim đầu tay xuất sắc nhất" tại LHP Cannes lần thứ 76) và Culi không bao giờ khóc ("Phim đầu tay xuất sắc nhất" tại LHP Berlin lần thứ 74) cũng sẽ tham gia tranh tài ở hạng mục Phim châu Á dự thi. Bên cạnh đó, một số phim Việt Nam và quốc tế cũng chọn DANAFF II để ra mắt.
Các chương trình "Điện ảnh Việt Nam hôm nay", "Tiêu điểm Điện ảnh Pháp", Tuyển chọn phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh… cũng góp phần làm phong phú "tiệc phim" ở DANAFF II. Chia sẻ về 7 phim được chọn chiếu của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh (Bao giờ cho đến tháng 10; Cô gái trên sông; Đừng đốt; Hà Nội mùa Đông năm 46; Hoa nhài; Mùa ổi; Thương nhớ đồng quê), bà Lê Thị Hà - Viện trưởng Viện Phim Việt Nam - cho biết: Đây là những bộ phim thường xuyên được các đơn vị trong nước và quốc tế đề nghị Viện cung cấp để trình chiếu, giao lưu. Vì thế, bà kỳ vọng các bộ phim này có thể mang lại trải nghiệm thú vị cho khán giả Việt Nam và quốc tế tại DANAFF II.
Ông Jérémy Segay - đại diện Viện Pháp tại Việt Nam - cũng cho biết: Lần đầu tiên, bản phim đầy đủ của Người tình (The Lover/ 1992) nổi tiếng sẽ được giới thiệu tới khán giả Việt Nam trong chương trình "Tiêu điểm Điện ảnh Pháp" tại Liên hoan. Và ông cũng rất vui mừng vì 2 phim trong số các phim tham dự DANAFF II nằm trong chương trình hợp tác Việt - Pháp.
Quy tụ dàn giám khảo danh tiếng
Ban tổ chức DANAFF II khẳng định sẽ lựa chọn và vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giàu tính nhân văn, có khám phá mới mẻ, nghệ thuật thể hiện độc đáo; khích lệ tài năng, giới thiệu rộng rãi đến công chúng những tác phẩm điện ảnh mới, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật của các nền điện ảnh Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng các bộ phim chọn lọc của điện ảnh thế giới.
TS Ngô Phương Lan cho biết thêm: "DANAFF I được đánh giá là thành công. Và trong lần thứ 2 tổ chức, chúng tôi kỳ vọng sẽ để lại nhiều dấu ấn hơn. Thuận lợi ở kỳ DANAFF II này là khi Liên hoan phim đã có thương hiệu nhất định thì nhiều nhà làm phim quốc tế tin tưởng gửi phim dự thi".
Thực tế, đáp lại sự tin tưởng này, những người "cầm cân nảy mực" ở DANAFF II cũng phải thuyết phục được các nhà làm phim. Ở hạng mục Phim châu Á dự thi, Chủ tịch Ban Giám khảo là đạo diễn, nhà văn Pháp gốc Hoa tên tuổi Đới Tư Kiệt. Thành viên Ban giám khảo có cựu Giám đốc CineFondation LHP Cannes Georges Goldenstern (Pháp); giám đốc LHP Berlin (2019-2024) Meriette Rissenbeek (Đức); diễn viên Trần Nữ Yên Khê; đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm.
Ở hạng mục Phim Việt Nam dự thi, Chủ tịch BGK là đạo diễn Hong Kong (Trung Quốc) nổi tiếng Quan Cẩm Bằng; các thành viên: Nhà sản xuấtTrần Thị Bích Ngọc, NSND Lê Khanh, đạo diễn Leon Quang Lê và nhà sản xuất Lorna Tee - Tổng Thư ký Liên minh điện ảnh châu Á (AFAN).
Ở giải NETPAC, Chủ tịch Ban giám khảo là ông Jean-Marc Thérouanne - đồng Giám đốc LHP châu Á Vesoul (Pháp); các thành viên: TS Mara Matta, Đại học Sapienza (Italy), PGS-TS Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM.
"Thuận lợi ở kỳ DANAFF II này là khi liên hoan phim đã có thương hiệu nhất định thì nhiều nhà làm phim quốc tế tin tưởng gửi phim dự thi" - TS Ngô Phương Lan, Giám đốc DANAFF II.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất