15/03/2011 07:00 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Trung Nghĩa là nhà báo đã từng tác nghiệp ở nhiều LHP quốc tế như LHP Cannes (Pháp), LHP Melbourne (Úc), LHP Busan (Hàn Quốc), LHP Bangkok (Thái Lan)... kể lại những câu chuyện thực tế từ các thảm đỏ. Đọc bài Cannes có thể mường tượng rõ không khí thảm đỏ và quan trọng nhất là sự thôi thúc nghề nghiệp mà chính những khoảnh khắc chỉ có ở thảm đỏ (tất nhiên được tổ chức rất trang trọng) mới dang rộng cánh cho ước mơ bay xa.
Đêm hoa đăng
Nữ diễn viên Natalie Portman tại thảm đỏ Cannes. Ảnh: Trung Nghĩa
Những ngày ở LHP Cannes, bước chân tôi toàn chạy đua với thời gian. Ngày nào cũng mặc tuxedo chỉnh tề, lỉnh kỉnh đồ nghề máy ảnh, máy quay phim bước vào đúng vị trí được sắp xếp đâu ra đó theo từng ô quy định cụ thể cho từng người.
Ban tổ chức phát cho các nhiếp ảnh gia lịch công chiếu phim và danh sách những ngôi sao sẽ hiện diện trên thảm đỏ để thuận tiện cho việc tác nghiệp.
Cung cách tổ chức chuyên nghiệp và trang trọng ấy khiến chúng tôi không khỏi chút tự hào với nghề nghiệp của mình. Các nhiếp ảnh gia là một phần không thể thiếu của thảm đỏ. Trong mọi buổi tác nghiệp, tôi và các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới đã đứng thẳng liên tục hàng giờ liền không ngại chồn chân mỏi gối nơi thảm đỏ. Khi các yếu nhân đến thì tất cả như có luồng điện chích vào người, tiếng click máy ảnh vang lên với tốc độ kinh hoàng như kỷ lục gia thế giới Usain Bolt băng về đích trên đường chạy Olympic.
Trời sẩm tối, ánh đèn flash thi nhau lóe lên hệt đêm hoa đăng. Nhiều tay máy hò hét, kêu gào, réo tên các ngôi sao để họ hướng về phía mình. Công chúng từ phía xa tụ tập như đi trẩy hội, nô nức chờ xem mặt các ngôi sao hay xin chữ ký.
Đó là một bầu không khí tràn ngập âm thanh rất khó tả. Đó là những cảnh tượng thật khó phai. Tôi nhớ đôi môi quyến rũ của Angelina Jolie, vẻ điển trai của Brad Pitt, nét đẹp cổ điển của Natalie Portman, giọt mưa rơi trên vai Penelope Cruz, sự đĩnh đạc Sean Penn, điệu hài hước Jack Black - Dustin Hoffman, ánh mắt xanh biếc hút hồn của Madonna, mái tóc bạch kim của Sharon Stone, thế võ của Thành Long, tình yêu hồng của cặp Lương Triều Vỹ - Lưu Gia Linh...
Chốn thảm đỏ đã tạo điều kiện cho mọi người diện kiến nhiều nhân vật thú vị và tài năng. Những nhân vật bằng xương bằng thịt ở ngoài đời duyên dáng, xem ra đáng mến hơn cả hào quang tên tuổi chói lòa mà họ sẵn có.
Chỉ có trên thảm đỏ, bạn mới có dịp ngắm nhìn họ khác đi so với lúc hóa thân vào những vai diễn để đời trên màn bạc, song cũng không quá đời thường nơi họ vẫn hay lẩn tránh các paparazzi hoặc chạy trốn khỏi sự hâm mộ đôi khi phiền nhiễu từ các khán giả.
Ở thảm đỏ, các ngôi sao được trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp và tài năng. Cũng ở thảm đỏ, những người làm nghề có dịp tiếp xúc với công chúng một cách thân thiện và sẵn lòng hợp tác với các nhiếp ảnh gia để những bức ảnh chụp minh tinh đẹp nhất sản sinh ra từ sự giao hảo này.
Tại thảm đỏ Cannes, các ngôi sao được ban tổ chức xếp đặt giờ đến chính xác đến từng phút sao cho không có lúc nào lối đi trống vắng, cũng không có lúc nào quá đông các sao chen chúc nhau. Các sao sẽ đến theo một tuần tự được xếp đặt, được hướng dẫn bởi các thành viên ban tổ chức đặc trách đón khách quý ngay từ khi xe dừng lại và cửa mở. Các ngôi sao sẽ được giới thiệu đến khu vực phỏng vấn của truyền hình và tiến bước đến khu vực đứng chụp ảnh, nơi các phó nhòm hai bên đứng chật như nêm. Ở khu vực này, các ngôi sao sẽ phải chú ý “phục vụ” đội ngũ tác nghiệp đặc biệt bởi những tấm ảnh đẹp (hay xấu) từ đây sẽ phát đi toàn thế giới.
Do lực lượng nhiếp ảnh gia rất đông đảo nên các nghệ sĩ phải lần lượt đưa ánh mắt nhìn và gửi nụ cười của mình một lượt từ trái qua phải, ngó trước rồi lại quay phía sau để cho ống kính nào cũng có thể bắt được khoảnh khắc đẹp nhất. Nhiều tay máy liên tục kêu gào tên nghệ sĩ để yêu cầu họ nhìn chính xác về phía mình. Các nhân viên ban tổ chức đứng trên thảm làm nhiệm vụ hướng dẫn nghệ sĩ hướng về phía các nhiếp ảnh gia. Họ sẽ nhắc nhở các sao nếu có trường hợp… ở lại trên thảm đỏ khoe dáng quá lâu không chịu rời gót, khiến những người đến sau phải dồn lại chờ.
Người mẫu Doutzen Kroes và Noemie Lenoir tại thảm đỏ Cannes.
Ảnh: Trung Nghĩa
Toàn bộ chương trình thảm đỏ các LHP thường kéo dài trung bình trên hai giờ đồng hồ. Tôi có cảm giác những tiếng reo hò réo gọi, sự ồn ã náo nhiệt, những ánh mắt nụ cười cùng muôn vạn ánh đèn chớp từ các máy ảnh trôi qua rất nhanh.
Khi các ngôi sao đã bước qua hết thảm đỏ, ấy là lúc mọi người sẽ lục tục di chuyển vào địa điểm trọng tâm của sự kiện trong ngày: buổi công chiếu bộ phim đang được chờ đợi. Đạo diễn Phan Đăng Di ở Cannes từng chia sẻ với tôi rằng những người làm phim khi trông thấy không khí trang trọng, đậm chất điện ảnh nơi thảm đỏ các LHP đỉnh cao như Cannes thì luôn luôn bị “ấn tượng” và trong lòng bỗng dậy lên một niềm thôi thúc mãnh liệt về nghề, về nỗi trăn trở và khát khao thực hiện những tác phẩm hay nhất có thể để đóng góp cho nền nghệ thuật thứ bảy.
Đó không đơn thuần là không khí hào nhoáng hay phô trương mà là không - khí - điện - ảnh rất rõ nét. Không khí của những người đam mê và luôn khao khát cùng làm nên những tuyệt tác cho nhân loại.
Trung Nghĩa
Cái nhìn từ phía phóng viên (Bài viết ngắn của phóng viên ảnh Jay L.Clendenin của tờ Los Angeles Times tại giải Quả cầu vàng 2011). Đến hẹn lại lên, mùa thảm đỏ bắt đầu lại được trải dài. Theo phân công của tòa soạn, mùa này tôi sẽ trực chiến tại khách sạn Beverly Hilton, nơi sẽ diễn ra lễ trao giải. Thật ra tôi không thích chụp ảnh thảm đỏ bởi ở đó bạn phải tuân theo các luật lệ (bạn tôi từng bị mời ra ngoài vì gây gổ với đồng nghiệp), không sáng tạo được (bạn đủ sức gọi to tên cô diễn kia để cô ấy nhìn thẳng vào ống kính của bạn không?) nhưng nghề này cho tôi thấy, phải biết sáng tạo trong khuôn khổ cho phép. Thảm đỏ là mùa của lễ hội và bạn phải tuân theo quy tắc của từng lễ hội, cách sắp xếp của ban tổ chức, đứng ra sao, đăng ký trước thế nào, quần áo phải tươm tất (cái này tôi đồng ý, đã gọi là thảm đỏ thì dù là nhiếp ảnh báo chí bạn cũng phải giống minh tinh). Sáng dậy, con tôi giúp tôi cạo râu, vợ tôi chuẩn bị quần áo và tôi chuẩn bị dụng cụ. Đúng trưa, tôi có mặt, qua vòng kiểm tra an ninh và lên bục đứng. Lúc đó là 13h và tôi sẽ đứng đến 17h dưới cái nóng khủng khiếp mà lại có cả mưa lất phất. Vậy mà thảm đỏ cực kỳ trật tự, không một hỗn loạn nào, cho dù bạn nghe các tay máy gào to tên diễn viên thì không gian vẫn rất trật tự. Người vào, vẫy tay và chụp. Các tay tổ chức thì chạy lên chạy xuống rất ngăn nắp, mời người này, giới thiệu người kia và rồi mọi thứ đều tăm tắp. Thảm đỏ là một nghi lễ thật sự và tôi nghĩ rằng cái khó nhất của thảm đỏ là công việc tổ chức, chỉ nội một minh tinh ngắc ngứ không biết đi đứng ra làm sao cũng đủ làm mất điểm ban tổ chức rồi. Và tôi cứ chụp, từ Olivia Wilde đến Michael Douglas, từ Brad Pitt và Angelina Jolie đến gã cuối cùng Christian Bale thì chuông đồng hồ điểm đúng 17h. Sau đó bọn tôi đi về, chẳng ai cho vào, giấy phép chỉ được đứng ở ngoài, còn chụp bên trong là nhiệm vụ của người khác. Tôi có muốn, có quen ai giúp đỡ cho vào cũng không được. Luật là luật. Vào khách sạn, mua một chai nước suối, tu ừng ực một phát rồi tôi về. Và tôi thích thảm đỏ của Quả cầu vàng ngăn nắp như thế. |
Bài kết: Thảm đỏ kiểu Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất