Inter = Milan - 8: Chết ở nơi sự sống bắt đầu

18/04/2011 12:10 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Bắt đầu ở Tardini, và kết thúc cũng ở Tardini. Thất bại thứ 4 trong 5 trận gần đây trên mọi đấu trường, khoảng cách với Milan bị nới rộng lên thành 8 điểm, tất cả đang bày ra trước mắt Inter sự diệt vong.

Ba năm trước, vòng đấu cuối cùng của Serie A, Inter cũng trải qua một hiệp đầu khó khăn trước Parma, cũng tại Tardini (kết thúc với tỉ số 0-0), trước khi Zlatan Ibrahimovic vào sân trong hiệp hai, lập một cú đúp và Scudetto từ Tardini bay về Giuseppe Meazza. Đó là năm cuối cùng Roberto Mancini nắm Inter, trước khi Jose Mourinho đến.

Inter gây thất vọng tràn trề-Ảnh Getty

Ba năm sau ngày đó, Sneijder biến thành Ibra: Anh bị cất lên ghế dự bị trong suốt hiệp một, chỉ vào sân trong hiệp hai, và suýt chút nữa đã đem về ít nhất 2 bàn Inter, một cách trực tiếp (một cú sút đi sạt cột dọc) hoặc gián tiếp (khá nhiều đường chuyền phát động tấn công sắc sảo). Nhưng khác với sự nhàn hạ của Ibra trong một ngày đẹp trời 3 năm về trước, Sneijder đã phải chạy khắp sân, trong khi chỉ mới bình phục chấn thương, nhưng hiệu quả lao động, được cụ thể hóa bằng bàn thắng hay đường chuyền thành bàn, thì là zero.

Rất nhiều ý kiến cho rằng Ibra là một nguồn động lực kinh khủng cho bất kỳ đội bóng nào có ý định giành Scudetto, nhưng không ai đặt vấn đề ngược lại rằng Ibra đã được yểm trợ tốt đến thế nào bởi cả một cỗ máy vận hành chính xác và giàu sự hy sinh như thế nào. Inter 3 năm trước là một thực thể như thế. Đội hình ra sân trong trận gặp Parma ngày ấy có quá nhiều những con "ong thợ": Rivas, Materazzi và Maxwell ở hàng thủ, cầu thủ chạy cánh trái Cesar, và bộ đôi không thể chăm chỉ hơn Stankovic - Zanetti ở tuyến giữa, cùng một Julio Cruz lặng lẽ trên hàng công (nhưng thành tích 19 bàn sau 38 trận mùa ấy thì chẳng lặng lẽ chút nào).

Ngôi sao Ibra thời kỳ ấy là trung tâm trên hàng công của Inter, và được quyền lười biếng nhờ sự bao bọc của những con người chăm chỉ và đầy hy sinh. Ngôi sao Sneijder cũng là trung tâm trong lối chơi của Inter hiện tại, nhưng đã phải chạy quá nhiều giữa một tập thể chỉ đứng nhìn anh lao động cật lực, liên tiếp phạm sai lầm và không có ý định chạy vì nhau. Ngay cả khi xét đến vai trò chiến thuật một cách thuần túy (Ibra là tiền đạo lùi, còn Sneijder đá hộ công), sự khác biệt ấy vẫn quá rõ rệt.

Tinh thần Inter đã bị cú ăn ba tiêu diệt

Và người gây thất vọng nhất lại là người bao năm qua đã luôn hy sinh một cách vô điều kiện và tận tụy nhất: Javier Zanetti. Sau một pha bắt người đầy hờ hững trong bàn thua đầu tiên (Giovinco lập công cho Parma), anh khiến tất cả phải sững sờ với đường chuyền thẳng vào chân của Amauri (tiền đạo này sau đó sửa bóng chạm xà ngang) đầu hiệp hai. Và đến bàn thua thứ 2, thì Zanetti cũng lại phòng ngự một cách uể oải và bàng quan.

Nhưng khi một cầu thủ 37 tuổi tỏ ra chán chường và mệt mỏi đến nhường ấy, những vệ tinh xung quanh anh cũng cần phải bị lên án. Stankovic chính là người đã mặc kệ Zanetti chuyền bóng một cách cẩu thả ở phần sân nhà, trong khi cầu thủ người Serbia khi ấy phải lùi sâu để nhận đường chuyền ấy của Zanetti. Các tiền vệ Inter không có ý định hỗ trợ hàng thủ và đùn đẩy nhau trách nhiệm tổ chức bóng ở giữa sân, dù Inter cần tấn công một cách bài bản để gỡ hòa (khi Sneijder vào sân, trách nhiệm này được đùn hẳn cho anh).

Một tập thể luôn sẵn sàng vì nhau chỉ một năm trước thôi đã biến thành một tập hợp những cá thể chơi bóng vì ý thích cá nhân và không cần biết đồng đội xung quanh anh ta đang cần giúp đỡ những gì. Trước Parma, Inter không có Maicon, nhưng nếu có mặt trên sân, anh ta sẽ giúp được gì, với "sở thích" tấn công đến mức quên mất cả vai trò của chính mình đã bộc lộ rõ ràng mùa bóng này? Diego Milito? Một người đã chơi bóng với sự cần cù và tằn tiện cơ hội đến mức tối đa mùa trước, đã kết thúc trận đấu với Parma bằng một cú đá cẩu thả vô trách nhiệm đến mức thủ môn Mirante đã ôm dính lấy bóng.

Cú ăn ba đã làm thay đổi quá nhiều. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự diệt vong của một Đế chế chưa hẳn đã là sự ra đi của Mourinho, mà ở bản thân chính đội ngũ đã xây dựng nên Đế chế ấy. 3 năm trước, tại Tardini, họ siết lại với nhau thành một khối. 3 năm sau, họ nhìn nhau, và nghĩ rằng người kia phải lao động vì mình...

Phạm An

4 Inter đã thua trận thứ 4 trong 5 trận gần nhất, tất cả đều trong tháng Tư. Họ thua Milan 0-3 và Parma 0-2 ở Serie A, thua cả 2 trận trước Schalke 04 ở tứ kết Champions League (2-5, 1-2).

4 Inter cũng chỉ ghi được 4 bàn trong 5 trận gần nhất ở Serie A và “tịt ngòi” trong 2 trận (0-3 Milan, 0-2 Parma). Trong 13 trận trước đó dưới thời Leonardo, họ ghi được tới 34 bàn và chỉ 1 lần chịu im tiếng (thua Juve 0-1).

4 Inter đang kém cùng kỳ mùa trước 4 điểm (63-67), ghi ít hơn 5 bàn thắng (58-63), thủng lưới nhiều hơn 7 bàn (37-30). Sau 33 vòng mùa trước, Inter đứng thứ 2, ít hơn Roma 1 điểm.

Kết quả vòng 33

Roma - Palermo 2-3

Milan - Sampdoria 3-0

Parma - Inter 2-0

Catania - Lazio 1-4

Cesena - Bari 1-0

Chievo - Bologna 2-0

Fiorentina - Juventus 0-0

Genoa - Brescia 3-0

Lecce - Cagliari 3-3

Lịch vòng 34

Thứ Bảy 23/4 18h30: Roma - Chievo (2-2), 20h00: Bari - Sampdoria (0-3), Bologna - Cesena (2-0), Cagliari - Fiorentina (0-1), Genoa - Lecce (3-1), Inter - Lazio (1-3), Palermo - Napoli (0-1), Udinese - Parma (1-2) Chủ nhật 24/4 00h00: Brescia - Milan (0-3), 02h00: Juventus - Catania (3-1) Trong ngoặc là tỷ số lượt đi

Chân sút hàng đầu

26 bàn: Di Natale (Udinese)

25 bàn: Cavani (Napoli)

19 bàn: Di Vaio (Bologna), Eto’o (Inter)

18 bàn: Matri (Juventus)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm