Lê Văn Luyện "không thấy bị oan"

10/01/2012 19:10 GMT+7 | Pháp luật

"Bị cáo sai rồi. Bị cáo đã mắc lỗi với gia đình nạn nhân”, Luyện trình bày sau khi khai lại quá trình gây án tại tiệm vàng. Tuy nhiên, trước việc tòa đưa tên sát thủ này ra xét hỏi đầu tiên, người nhà nạn nhân đã phản ứng.

Chiều 10/1, phiên xử Lê Văn Luyện tiếp tục làm việc. Hai người đại diện cho vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích đã có mặt theo yêu cầu, sau buổi sáng không tới tòa. Gia đình bị hại đến dự đông đảo, ai cũng đeo khăn tang. Phòng xử rộng khoảng 60 m2 chật cứng người.

Trước khi VKS đọc bản luận tội, ông Trịnh Quốc Sinh (anh trai của nạn nhân Ngọc) cho biết nhiều chi tiết của vụ án chưa được VKS đưa vào cáo trạng. Theo chủ tọa, phần thắc mắc này của phía bị hại sẽ được trình bày khi tòa bắt đầu thẩm vấn.



Lê Văn Luyện bị truy tố tội giết người với các tình tiết dã man, côn đồ, giết nhiều người, giết trẻ em. Ảnh: Hà Anh

VKS cáo buộc, với mục đích trộm vàng để chuộc xe máy của chú đem cầm đồ trước đó, ngày 24/8/2011, Luyện đột nhập tiệm Ngọc Bích ở phố Sàn (Lục Nam, Bắc Giang). Hắn cắt hệ thống camera, chuông báo động, đâm chết vợ chồng chủ tiệm. Con gái lớn của họ (bé Bích) bị chém đứt lìa tay phải, bé út (18 tháng tuổi) bị giết.

Khi VKS nêu hành vi sát hại dã man vợ chồng nạn nhân Ngọc - Chính, tiếng sụt sịt vang lên trong khán phòng. Đến phần thuật lại việc Luyện "xuống tay tàn nhẫn" với hai đứa trẻ, nhiều người đã bật khóc, gọi tên những nạn nhân đã khuất.

"Các bị hại giữ bình tĩnh, chúng tôi chia sẻ mất mát, nhưng đây là phiên xử, cần giữ ổn định để HĐXX làm việc”, đại diện VKS đã không ít lần phải dừng lại trấn an. Lực lượng cảnh sát được bố trí dày đặc ngay sau các bị cáo thành hàng rào ngăn cách với người của gia đình nạn nhân. Cửa ra vào của phòng xét xử đều có cảnh sát được trang bị súng và các dụng cụ hỗ trợ đứng chốt.

Trong khoảng 50 phút nghe cáo trạng, Luyện cúi gằm mặt, phía sau là bị cáo Lê Văn Miên (bố Luyện). 5 người thân cùng đứng trong vòng móng ngựa với cha con Luyện là Trương Thanh Hồng, Lê Thị Định và Lê Văn Nghi và vợ chồng ông Trương Văn Hợp (bố, mẹ của Hồng) bị truy tố về các tội che giấu, không tố giác tội phạm.



Rất đông người thân của phía các nạn nhân đã tới phiên xử. Ảnh: Hà Anh

Luyện là người đầu tiên bị xét hỏi. Bị cáo nhanh chóng thừa nhận mượn xe máy của chú rồi mang đi cầm đồ lấy 5,5 triệu đồng để ăn tiêu. Với giọng lạnh lùng, Luyện bảo khi hết tiền anh ta mua dao phớ, dao gấp, đèn pin, balô để đi cướp.

Lặng thinh một lúc sau câu hỏi vì sao lại chọn tiệm Ngọc Bích, Luyện đáp không quen biết với ai ở đây cũng không biết gì về hiệu vàng đông khách này. Nhưng trong lần đi ngang qua phố Sàn, thấy tiệm có thể dễ dàng gây án nên đã chọn.

Luyện khai cụ thể việc đột nhập vào tiệm vàng bằng việc trèo cây, leo lên mái tôn nhà hàng xóm, đu lên lan can tầng 3, cậy cửa đi vào trong. Nhưng khi HĐXX yêu cầu trình bày các diễn biến khi đã vào trong căn nhà, Luyện bỗng lí nhí bảo đã trình bày hết với cơ quan điều tra. Bị cáo trả lời nhát gừng từng chi tiết khiến nhiều lần chủ tọa phải nhắc nhở.

Trước thái độ này của Luyện, người của gia đình bị hại lập tức phản ứng. Được động viên của vị chủ tọa, Luyện khai từng hành vi diễn ra bên trong căn nhà 3 tầng của tiệm vàng Ngọc Bích.

Luyện sau khi giết người đã dùng dao cậy tủ trưng bày vàng, vơ vét hết đồ bên trong. Không dám bỏ đi bằng cửa trước vì lúc ngày ngoài đường nhiều học sinh đang đến trường, Luyện gọi điện thoại cho anh họ Hồng đến đón, bảo: “Anh ra phố Sàn đón em và cầm thêm chiếc áo mặc”.

Luyện cũng không thoát ra bằng đường lan can tầng 3 như lúc đột nhập mà trèo qua chấn song sắt phía sau nhà. Khi ra thị trấn Vôi, Luyện đưa cho Hồng hai sợi dây chuyền, nói “bán và chuộc xe ra”. Theo lời gã, lúc ấy Hồng “mặt đơ ra khi nhìn thấy hai sợi dây chuyền”.

Sau hai ngày trốn ở nhà cô ruột Lê Thị Định tại Lạng Sơn, Luyện bị bố và ông chú Lê Văn Hợp (bố của Hồng) lên tìm. Hắn không giấu giếm mà thú nhận với họ đã gây án mạng tại tiệm vàng Ngọc Bích. “Mọi người còn cật vấn bị cáo có đồng phạm hay không nên khai ra để được giảm nhẹ tội. Nhưng lúc đó, bị cáo trả lời rằng mọi người không tin thì thôi”, Luyện khai.

"Bị cáo nhận thức thế nào về hành vi của mình?" chủ tọa hỏi. Luyện cúi đầu: “Bị cáo sai rồi. Bị cáo mắc lỗi với gia đình nạn nhân”. "Bị cáo có thấy mình bị oan không?", chủ tọa hỏi. "Không", Luyện đáp ráo hoảnh.

Sau phần thẩm vấn Luyện, lập tức một người nhà của bị hại đứng lên có ý kiến: “Việc xét hỏi bị cáo Luyện đầu tiên như vậy có hợp lý không? Các bị cáo phía sau nghe hết rõ câu chuyện thì còn gì để khai nữa”... Phiên tòa dừng lại gần một phút khi gia đình bị hại đề nghị được để di ảnh nạn nhân đối diện các bị cáo. Chủ tọa không chấp nhận mà chỉ đồng ý để gia đình bị hại cầm di ảnh đứng trong phiên xử.



Rất đông người đổ về khu vực tòa án để theo dõi diễn biến phiên xử qua loa phóng thanh. Ảnh: Hà Anh.

HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Hồng. Cũng như những gì Luyện khai trước đó, Hồng trình bày rất “khớp”. Anh ta khai, lúc Luyện đưa vàng để đi chuộc lại chiếc xe đã nghi ngờ đứa em họ gây ra vụ cướp ở tiệm vàng. “Bị cáo chỉ nghi chứ không nói ra, song tin chắc chắn Luyện có liên quan vụ án”, Hồng khai.

Hồng bảo sau khi được Luyện chia cho 2 sợi dây chuyền vàng, đã cầm về nhà và gọi điện cho bố Luyện để đưa giấy cầm đồ đi chuộc xe.

Còn bố của Luyện (Lê Văn Miên) khai sau khi nhận hai sợi dây chuyền vàng do Hồng đưa đã linh tính rằng con mình có liên quan vụ cướp tiệm vàng đang gây xôn xao dư luận. Ngay sáng hôm sau, ông lên nhà em gái ở Lạng Sơn để tìm con. Lúc đầu Luyện không thừa nhận rồi sau đó thú tội. Ông Miên khuyên con ra đầu thú nhưng rồi cũng định để "thưa thưa vài ngày" sẽ khuyên con tiếp.

Tòa hỏi ông Miên: "Vì sao bị cáo lại theo hướng dẫn của con mang vàng đi chôn trong vườn mà không trình báo?". Bố của Luyện đáp: "Bị cáo đã làm việc sai trái".

Có mặt tại tòa, Lê Văn Long (em trai của Luyện) khai, khi đi học về thì thấy bộ quần áo của anh trai trong máy giặt nên đem đi phơi. Hai ngày sau, Long lấy bộ này để mặc thì phát hiện trong túi quần có sim điện thoại nên lấy ra sử dụng. Ngày 29/8/2011 (5 ngày sau khi xảy ra vụ án) Long đi qua tiệm vàng Ngọc Bích và phát hiện sim có số điện thoại giống của chủ tiệm ghi trên bảng hiểm nên đã giao nộp công an.

Sau phần thẩm vấn nhóm bị cáo liên quan vụ án do che giấu và không tố giác tội phạm, HĐXX chuyển sang hỏi gia đình nạn nhân về tiền bồi thường. Được ít phút, HĐXX tuyên bố ngừng phiên tòa và tiếp tục phần xét xử vào sáng ngày mai. Phòng xử nhốn nháo với sự bức xúc từ phía gia đình nạn nhân... Hàng rào cảnh sát nhanh chóng được lập để đưa Luyện rời phòng xử.

Ngày mai, tòa tiếp tục làm việc.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm