(TT&VH cuối tuần) – Với Quang Trãi, Văn Giàu, Thanh Giang và Phan Văn Santos, ĐT.LA đang sở hữu hàng thủ có độ tuổi trung bình cao nhất V-League. Thì đã sao, khi từng cá nhân họ vẫn hoạt động nhưng những cỗ máy, không ngơi nghỉ.
Khỏe & đa năng như Quang Trãi
Ngay từ hồi còn đỉnh cao phong độ, chơi bóng trong màu áo HA.GL, cũng như trên bình diện ĐTVN, Quang Trãi cũng chưa bao giờ phải chạy nhiều và chơi nhiều vị trí như trong màu áo của ĐT.LA hiện tại. Ở Tân An, khi người ta thấy Trãi đá trung vệ, lúc chơi dạt ra biên trái và có khi còn lên tiền vệ trung tâm. Với người Việt, khi đã bước qua tuổi “băm” (Quang Trãi sinh năm 1977), thì chỉ riêng việc “nuốt” 90 phút/tuần ở giải đấu khốc liệt như VLeague, đã là xa xỉ rồi, chứ chưa nói phải thích ứng với các vị trí khác nhau, theo chỉ định của HLV.
Rõ là ĐT.LA của Quang Trãi chỉ có rất ít sự lựa chọn ở tuyến phòng ngự, ở mùa giải năm nay. Vạn bất đắc dĩ, HLV Jose Luis mới phải dùng anh Tây củi như Everton Rocha, bởi chắc chắn ông thầy người Bồ muốn 3 ngoại binh đá trên 2 tuyến đầu. Nhưng vào thời điểm mà Hải Phong còn khá non, người mới về - Minh Thông chưa hòa nhập, Quang Trãi vì thế trở thành mắt xích không thể thiếu. Đá 3 - 5 - 2 cũng vậy mà 4 - 4 - 2 vẫn xong. Văn Giàu đã yếu đi rất nhiều và nếu 1 trong 2 cái tên còn lại là Quang Trãi hoặc Thanh Giang phải nghỉ do chấn thương hay thẻ phạt, hệ thống phòng ngự của “Gạch” ngay lập tức phải chuyển đổi.
Lê Quang Trãi: 30 năm vẫn chạy tốt. Ảnh: Quốc An
Người ta cho rằng, với số lần để lọt lưới (28 bàn), tính đến trước vòng đấu 22 mùa này, là do hàng phòng ngự của ĐT.LA quá lởm. Thực tế, V-League 2008, dù hàng công của đội bóng có ghi đến 51 bàn thắng (cao nhất VLeague), thì “Gạch” vẫn để lọt lưới đến 37 bàn. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng một có một chi tiết ít ai để ý, là từng đôi ba năm nay, hàng tiền vệ của ĐT.LA cũng đã yếu đi trông thấy. Việc không đảm bảo được khu giữa sân (Tài Em, Minh Phương chấn thương liên miên), khiến cho hàng phòng ngự luôn bị đặt ở trạng thái báo động, trước khi dẫn đến sai lầm.
Phần nữa, thủ thành Santos cũng đã trở nên chậm chạp và thường đổ người rất chậm. Gã hộ pháp xứ samba, dù sở hữu chiều cao đến gần 2m, thì cũng chưa bao giờ chứng tỏ mình là ông chủ trong vòng cấm địa đội nhà. May cho ĐT.LA, khi các đối thủ ít khi khoét vào điểm yếu này, để nhồi bóng bổng. Quang Trãi, Thanh Giang hay Rocha là những nạn nhân trực tiếp, của sự mất cân đối nơi đội hình của “Gạch”. Đồng nghiệp có thể hiểu và thông cảm, nhưng những người như Trãi, không thể trình bày với khán giả (bộ phận thường có thói quen đòi hỏi thái quá) và... báo chí được.
Muốn chơi V-League đến... 40 tuổi
Ngày đó, khi còn đá cho Đồng Tháp, rồi mãn hạn hợp đồng, thì người ta đã tìm mọi cách để giữ chân Quang Trãi ở lại Cao Lãnh, bao gồm cả những đe dọa kỷ luật. Ở mùa giải 2002 - 2003, Trãi đang là tuyển thủ quốc gia và có vụ chuyển nhượng đình đám lên phố núi, với... không đồng lót tay. HA.GL chính là đội bóng đầu tiên ở Việt Nam làm cuộc cách mạng về chuyển nhượng, lương - thưởng và các chế độ đãi ngộ kèm theo. Phải thừa nhận rằng, việc được gia nhập “dream team” HA.GL khi ấy, là ước mơ của bộ phận rất lớn các cầu thủ ngôi sao của Việt Nam. Và ở đây, trung vệ người Đồng Tháp từng tỏa sáng trong đội hình HA.GL, với 2 chức vô địch V-League liên tiếp, chinh chiến ở đấu trường châu lục, cũng như khu vực. Thoạt nhìn, Quang Trãi với vẻ mặt khắc khổ, hệt như anh nông dân chân lấm tay bùn, với bản tính hiền lành, nhưng trên sân, lại là một Trãi rất khác: Băm bổ và đĩnh đạc.
Chuyện nhắc lại cũng cũ rồi. Không muốn mang tiếng là “gặm nhấm quá khứ”, thì Quang Trãi phải chứng minh được giá trị thương hiệu của một cựu tuyển thủ. Một mùa giải không thành công, sau khi Trãi hạ sơn về với Tiền Giang. Nhưng gần như ngay lập tức, ĐT.LA “trải thảm đỏ” mời anh, với bản hợp đồng 3 năm. Theo đó, Quang Trãi sẽ hết hạn hợp đồng với “Gạch” vào trung tuần tháng 9/2009 này. Trãi bảo, anh vẫn chưa muốn dừng lại. Thể lực, kinh nghiệm và tư duy chiến thuật, dựa trên nền tảng cơ địa rất tốt của Quang Trãi là sự đảm bảo. Song tuyệt nhiên, khi đặt khả năng trở lại khoác áo đội bóng quê hương Đồng Tháp (nơi vợ và 2 cô công chúa của anh vẫn mong mỏi từng ngày), thì Trãi lưỡng lự. Bóng đá Việt Nam lên chuyên rồi, và có lẽ những cấn cá trước đây, cũng nên dẹp qua một bên. Chỉ là một người “mộc” như “A Trải”, thì có muốn nghĩ khác cũng khó.
V-League là giải đấu khắc nghiệt, thì đã đành. Ở đây, người ta đòi hỏi cầu thủ phải chạy nhiều, chạy liên tục, bởi cứ chạy là ra... chiến thuật. Thế mới có chuyện mấy ông Tây “balô”, thường chỉ chơi hay được mùa đầu tiên, còn đến năm thứ 2 là “đuội”, vì tính chuyên nghiệp thấp. Nhưng cầu thủ Việt Nam thì khác. Họ ý thức rõ cái thể lực nền của mình và khi cảm thấy không thể cố được nữa, mới rẽ ngang. Khi Trường Giang, Văn Hải, Minh Quang (B.BD), hay Trung Tuấn (TP.HCM), Minh Đức (T&T HN), Như Thuần(K.KH) và cả đồng đội Văn Giàu ở “Gạch”..., vẫn ra sân đều đặn ở V-League, dù tuổi thậm chí còn nhiều hơn Trãi, thì chẳng có lý do gì Trãi phải dừng lại vào lúc này. Bản thân Quang Trãi thậm chí còn đảm bảo rằng, mình có thể chơi chuyên nghiệp đến 5 - 7 năm nữa. Nghĩ và đặt chỉ tiêu như thế, cũng là mừng rồi, bởi ở Việt Nam, cầu thủ tự mãn thì tự mãn thật, nhưng khi luống tuổi rồi, họ cũng tự ti lắm lắm. “A Trải” thì không!
Tùy Phong
Cách đây chục năm, ĐTVN khi ấy tập trung ở Nhổn - Hà Nội, sau đợt tập huấn dài ngày bên nước ngoài trở về. Quang Trãi cùng vài đồng đội ra tiệm vàng ở gần đó để đổi USD sang VND. Khi cô nhân viên người Hà thành nghe mãi, vẫn không hiểu Trãi nói gì, và lầm tưởng anh là cầu thủ bóng đá Lào, trung vệ này đã phải gắt lên bằng giọng địa phương đặc thù: “Tôi là người Việt mà”. Cái nick-name “A Trải” (giống như người dân tộc thiểu số) ra đời từ đó và rồi cứ mỗi bận gặp lại nhau, các đồng đội cũ của Quang Trãi trên Tuyển ngày nào, lại đem câu chuyện “Tôi là người Việt mà” ra làm quà... |