18/12/2010 11:09 GMT+7 | Văn hoá
TT&VH xin giới thiệu bài viết của KTS Đoàn Đức Thành về giải thưởng này.
Giải thưởng Kiến trúc học Chernozemia được tổ chức hàng năm ở thành phố Voronezh, Nga. Sau khi đoạt giải Nhì năm ngoái với đồ án “Trường trung học phổ thông dành cho 860 học sinh”; chàng sinh viên Việt Nam Lê Ngọc Anh (quê tại Việt Trì, Phú Thọ, hiện đang học Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Tambov) lại tiếp tục đoạt giải trong cuộc thi lần thứ 4 năm nay. Đây là năm cuộc thi được mang tầm quốc tế với chủ đề: “Bảo tồn các di sản kiến trúc và hướng phát triển các thành phố lịch sử”. BTC đã đưa ra danh sách 15 thành phố lịch sử của Nga làm đề tài như: Voronezh, Bobrov, Bogutrar, Borisoglebsk, Novoxopersk, Ostrogozhsk, Pavlovsk... Cuộc thi yêu cầu các thí sinh phải thể hiện sự hiểu biết về lịch sử phát triển của các thành phố cổ Nga, nghệ thuật kiến trúc nói riêng và văn hóa Nga nói chung. Đã có hơn 200 phương án tham gia của các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị và sinh viên Trung Quốc, Đức, Italia, các nước SNG và các vùng thuộc Nga.
KTS, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học kiến trúc và xây dựng Nga Aleksandr Asadov (Chủ tịch HĐGK) chụp ảnh chung với các tác giả đoạt giải, SV Lê Ngọc Anh ở bìa trái ảnh. Ảnh trong bài: Viktoria Kuznetsova |
Phương án của SV Lê Ngọc Anh đề xuất thiết kế Cửa ô thành phố Ostrogozhsk, phản ánh ý nghĩa lịch sử vốn là thành phố pháo đài trong hệ thống tường thành Belgorod.
Ostrogozhsk được thành lập năm 1652 như là thành phố - pháo đài ở phòng tuyến Belgorod cho tuyến phòng thủ Sosensky từ các cuộc tấn công Crimea và Nagaysky. Thành phố Ostrogozhsk có 4 cửa ô dẫn vào thành phố từ các hướng khác nhau. Tác giả đề xuất vị trí đặt ở mỗi lối vào một cửa ô và đưa ra phương án thiết kế cụ thể một cửa ô. Mỗi cửa ô được đặt ở vị trí đắc địa (khu cửa ngõ, nơi giao nhau của 2 tuyến đường chính vào thành phố: từ ga xe lửa, và đường quốc lộ), ở nơi cao nhất, kết hợp với thiết kế đài quan sát bên trong, vườn hoa và bãi đậu xe, giúp du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi và quan sát toàn bộ cảnh quan thành phố, cũng như khu vực dọc sông Sosna.
Tác giả đồ án đã nghiên cứu lịch sử phát triển của thành phố, bắt đầu từ khi hình thành pháo đài (1652). Kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương như gỗ thông.
Cửa ô gồm 3 thành phần chính tương ứng với các giai đoạn phát triển chính của thành phố như nền móng (tháp canh) => xây dựng (làng mạc) => pháo đài (thành phố). Phần đầu tiên, thấp nhất, đặt ở hướng bắt đầu vào thành phố, với ý nghĩa chào đón, cũng như gợi lại thời điểm hình thành đầu tiên của thành phố, khi còn là những tháp canh. Phần thứ hai tái hiện lại sự xây dựng, với những bức tường thành còn dang dở, tương ứng với quá trình phát triển của thành phố. Phần thứ ba - pháo đài, nói lên sự hoàn thiện của Ostrogozhsk. Tác giả đã tìm hiểu kết cấu gỗ mà người Nga sử dụng khi xây dựng tường thành, nghiên cứu những mảng chi tiết đặc trưng của pháo đài cổ Ostrogozhsk thế kỷ 17, từ đó vận dụng vào phương án thiết kế.
Hội đồng giám khảo đánh giá cao tính thực tế, kinh tế cũng như sự đáp ứng được những yêu cầu của đề tài trong cuộc thi. Với thành tích 2 năm liên tiếp đoạt giải cao về thi kiến trúc, SV Lê Ngọc Anh đã được mời tham gia thiết kế các dự án cải tạo, trùng tu những công trình di tích lịch sử, văn hóa ở thành phố Ostrogozhsk.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất